Lễ ra quân xây dựng cầu đường bộ Thị Cầu(Thứ ba, 31/01/2012 08:04 GMT+7)

Sáng 30/1, Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1 (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) đã ra quân đầu năm và khởi công "Xây dựng mới cầu đường bộ Thị Cầu và gia cố, cải tạo, sửa chữa cầu chung Thị Cầu" thuộc công trình “Xây dựng mới 3 cầu Đồng Nai, Tam Bạc, Thị Cầu” theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 30/1, Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1 (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) đã ra quân đầu năm và khởi công "Xây dựng mới cầu đường bộ Thị Cầu và gia cố, cải tạo, sửa chữa cầu chung Thị Cầu" thuộc công trình “Xây dựng mới 3 cầu Đồng Nai, Tam Bạc, Thị Cầu” theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ. 

Theo ông Đoàn Kim Khen, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1 – đại diện chủ đầu tư: cầu Thị Cầu là 1 trong 10 cây cầu còn lại đi chung giữa đường sắt và đường bộ. Trên cầu thường xuyên tắc nghẽn và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Mục tiêu đầu tư xây dựng mới cây cầu này là để tách việc đi chung giữa đường bộ và đường sắt, đảm bảo an toàn, hạn chế ùn tắc giao thông. 

Cầu Thị Cầu nằm tại lý trình đường sắt km 33+711 tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, bắc qua sông Cầu nối tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Cầu đường bộ xây dựng mới nằm phía hạ lưu và cách cầu chung đường sắt cũ 30 m phía Bắc Ninh và cách 50 m phía Bắc Giang. Cầu có chiều dài 572,1 m, rộng 16 m và đường 2 đầu cầu có chiều dài tổng cộng 669 m, vận tốc thiết kế 60 km/h. 

Tổng mức đầu tư cầu hơn 466 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng mới cầu đường bộ Thị Cầu và sửa chữa, cải tạo, gia cố cầu chung Thị Cầu trên 377 tỷ đồng còn lại là chi phí giải phóng mặt bằng và được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Chủ đầu tư là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Công trình này được thi công bởi Liên danh Công ty cổ phần Tổng công ty công trình đường sắt - Công ty cổ phần công trình 6 - Công ty cổ phần Vĩnh Nguyên - Công ty TNHH một thành viên quản lý đường sắt Thanh Hóa. Dự kiến công trình sẽ được hoàn thành vào cuối quý I năm 2013./. 

Cầu Thị Cầu là 1 trong 10 cây cầu còn lại đi chung giữa đường sắt và đường bộ. Việc tách các phương tiện giao thông đường bộ ra khỏi cầu chung sẽ bảo đảm an toàn, tránh ách tắc giao thông và tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội cho 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.

Kiều Anh