Triển khai Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 08/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020(Chủ nhật, 03/06/2012 07:26 GMT+7)

Sáng thứ Bảy ngày 2/6, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 08/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020. Bộ trưởng Đinh La Thăng, các Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng, Nguyễn Ngọc Đông chủ trì hội nghị.

Sáng thứ Bảy ngày 2/6, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 08/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020. Bộ trưởng Đinh La Thăng, các Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng, Nguyễn Ngọc Đông chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị còn có Thứ trưởng Trương Tấn Viên, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường; đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ Công an, Tài chính, Giáo dục - Đào tạo, Tài nguyên - Môi trường, Thông tin - Truyền thông, Khoa học - Công nghệ, các Vụ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Viện Chiến lược phát triển GTVT, Trung tâm Công nghệ thông tin, Ban Đổi mới và quản lý doanh nghiệp GTVT, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn; đại diện lãnh đạo các Sở GTVT và một số doanh nghiệp vận tải xe buýt.

Bộ trưởng Đinh La Thăng, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông
chủ trì hội nghị triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Đề án Phát triển
VTHKCC bằng xe buýt trong giai đoạn 2012 - 2020.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng đã nêu lên vai trò và định hướng phát triển VTHKCC bằng xe buýt trong giai đoạn 2012 - 2020, góp phần hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông.

Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng phát biểu khai mạc hội nghị

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, trong thời gian qua, VTHKCC bằng xe buýt ở nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Phát triển VTHKCC luôn được xem là giải pháp hữu hiệu góp phần giảm ùn tắc giao thông và xe buýt hiện đang giữ vai trò chủ đạo trong việc phục vụ người dân đi lại tại các đô thị ở nước ta, đặc biệt là các thành phố lớn (TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…).

Hiện nay, cả nước có 54/63 tỉnh, thành có xe buýt hoạt động với 627 tuyến xe buýt (499 tuyến nội đô, 127 tuyến kế cận) với trên 8000 xe buýt. Trong số này, Hà Nội có 1.272 xe, TP.HCM có 2.951 xe, 52 tỉnh thành còn lại có hơn 3000 xe. Trong năm 2011, xe buýt Hà Nội đã thực hiện vận chuyển hơn 420 triệu lượt khách, TP Hồ Chí Minh là 358 triệu lượt khách.

Thứ trưởng Trương Tấn Viên, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường,
đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Vụ, Tổng cụ Đường bộ, Viện,
Sở GTVT các tỉnh, thành phố và một số doanh nghiệp vận tải xe buýt dự hội nghị

Mặc dù nhà nước đã có kế hoạch đầu tư phát triển một số loại hình VTHKCC có khối lượng lớn như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe buýt vận chuyển khối lượng lớn (BRT) tại Hà Nội Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hiện nay và trong tương lai gần, khả năng đưa các phương tiện vận tải khối lượng lớn và hoạt động là chưa nhiều. Chính vì vậy, đại diện Vụ Vận tải cho rằng VTHKKCC bằng xe buýt sẽ vẫn giữ vai trò chính trong hệ thống VTHKCC giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Ngọc Thành đã triển khai nội dung Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 08/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển VTHKCC bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020 và Kế hoạch của Bộ GTVT thực hiện Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 08/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, để VTHKCC bằng xe buýt tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống VTHKCC đến năm 2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải lập quy hoạch phát triển mạng lưới tuyến xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020 để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân trước mắt và lâu dài, góp phần hạn chế được vấn đề ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Ngọc Thành triển khai nội dung quyết định
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển VTHKCC
bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020

Đối với thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần tập trung quy hoạch lại mạng lưới tuyến xe buýt hiện có, kết hợp với việc đầu tư các tuyến xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn và hệ thống đường sắt đô thị, tàu điện ngầm trong thời gian tới. Các tỉnh, thành phố có số lượng tuyến xe buýt lớn, do nhiều đơn vị tham gia vận chuyển hành khách cần nghiên cứu thành lập trung tâm quản lý hoạt động VTHKCC để giám sát và quản lý chất lượng dịch vụ xe buýt.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị Hà Nội cho biết, Đề án Phát triển VTHKCC bằng xe buýt của Hà Nội đến 2015 là sẽ tổ chức và điều chỉnh mạng lưới tuyến để cải thiện tăng cường năng lực vận hành, đảm bảo cung ứng dịch vụ tốt hơn tại đô thị lõi và tới các trung tâm quận, huyện, thị xã các khu công nghiệp. Đến năm 2020 tiếp tục điều chỉnh mạng lưới tuyến để tiếp tục tăng kết nối với các mô hình VTHKCC khối lượng lớn. Cải thiện và phát triển hạ tầng buýt đưa vào các mô hình hạ tầng tiên tiến để tăng cường năng lực và cải thiện chất lượng dịch vụ.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành
Giao thông đô thị Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Sở GTVT Hà Nội đã đề nghị với Chính phủ tiếp tục chính sách trợ giá cho hành khách để thu hút người dân tham gia VTHKCC bằng xe buýt. Ban hành các chính sách hỗ trợ ưu tiên phát triển phương tiện xe buýt. Miễn thuế nhập khẩu cho các xe buýt của các dự án, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu phương tiện, tổng thành, phụ tùng thiết bị với xe buýt, ưu tiên xe buýt sử dụng phương tiện sạch và xe buýt có thiết bị hỗ trợ người khuyết tật. Đồng thời, Sở GTVT Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ ban hành quy định xử phạt hành chính cho lĩnh VTHKCC bằng xe buýt (xử phạt vi phạm hợp đồng và xử phạt hành khách vi phạm khi tham gia giao thông…).

Hội nghị cũng đã nghe ý kiến phát biểu của ông Dương Hồng Thanh - Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, Mai Xuân Liêm - Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa, đại diện Sở GTVT tỉnh Đắc Lắc… Để VTHKCC bằng xe buýt phát triển mạnh, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục chính sách trợ giá cho xe buýt; ban hành các chính sách hỗ trợ ưu tiên phát triển phương tiện xe buýt. Cụ thể, miễn thuế nhập khẩu cho các xe buýt của các dự án, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu phương tiện, tổng hành, phụ tùng thiết bị với xe buýt, ưu tiên xe buýt sử dụng phương tiện sạch và xe buýt có thiết bị hỗ trợ người khuyết tật…

Về phía doanh nghiệp, ý kiến phát biểu tại hội nghị cho rằng, người dân ở các đô thị lớn hiện không thiếu phương tiện đi lại nên muốn hạn chế phương tiện cá nhân và tăng cường sử dụng xe buýt công cộng thì phải đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng dịch vụ theo nguyên tắc “cung cấp dẫn đầu”. Cùng với đó, một chính sách nhất quán về trợ giá lâu dài cho người đi xe buýt chắc chắn sẽ là nhân tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững của xe buýt. Phải coi giao thông đô thị là chủ thể của quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch sử dụng đất. Lấy VTHKCC khối lượng lớn làm xương sống cho phát triển đô thị; Quy hoạch phương tiện đi lại phải đi trước quy hoạch hạ tầng giao thông…Việc nhất quán cơ chế chính sách (từ những ưu đãi về kinh tế đến hạ tầng, điều kiện vận hành lưu thông) sẽ tạo điều kiện cho xe buýt phát triển bền vững.

Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, các tỉnh, thành phố cần dành quỹ đất cho phát triển giao thông. Nếu không giải quyết được vấn đề này, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thì vấn đề ùn tắc giao thông chỉ có thể đỡ phần nào chứ không thể giải quyết triệt để được. Đối với vấn đề trợ giá, phải xây dựng cơ chế chính sách cụ thể theo điều kiện của từng địa phương để thực sự công khai minh bạch. Các địa phương cần áp dụng các công nghệ tự động hoá trong quản lý hoạt động trong phát triển VTHKCC; đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ để người dân ngày càng thân thiện hơn với VTHKCC. “Để có thể triển khai tốt Đề án phát triển VTHKCC bằng xe buýt giai đoạn 2012 - 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, yêu cầu các Sở GTVT tham mưu cho lãnh đạo địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Đề án một cách cụ thể, chi tiết” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Xuân Nguyên