
Từ ngày 19/2 đến ngày 8/4, trong khuôn khổ các phiên họp toàn thể không chính thức của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, các thành viên tổ chức này đã thực hiện nhiều phiên đàm phán liên Chính phủ về cải tổ Hội đồng Bảo an.
Quá trình thương lượng tập trung vào 5 đề mục chính: thành viên của Hội đồng Bảo an mở rộng, quyền phủ quyết, vấn đề đại diện khu vực, quy mô mở rộng và cải tiến phương pháp làm việc, và về mối quan hệ giữa Hội đồng Bảo an và Đại Hội đồng.
Tuy còn nhiều bất đồng giữa các nhóm nước về các phương án cải tổ cụ thể, nhưng các thành viên đều chia sẻ mong muốn sớm cải tổ cơ cấu tổ chức và phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an để phản ánh những thay đổi của cục diện thế giới trong thế kỷ 21, đồng thời đáp ứng tốt hơn các yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan này trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng tăng và phức tạp.
Phát biểu tại các phiên thương lượng, Đại sứ Hoàng Chí Trung, Phó Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định Việt Nam ủng hộ cải tổ Hội đồng Bảo an theo hướng tăng cường tính minh bạch, dân chủ, hiệu quả và tính đại diện, đổi mới phương pháp hoạt động nhằm tạo điều kiện để các nước ngoài Hội đồng tiếp cận và đóng góp vào công việc của Hội đồng Bảo an.
Đại sứ nêu rõ Việt Nam ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa Hội đồng Bảo an và các cơ quan khác của Liên hợp quốc như Đại Hội đồng, Ban Thư ký, cũng như thúc đẩy các cơ chế tham vấn, đối thoại với các bên liên quan, các tổ chức khu vực; ủng hộ các biện pháp hạn chế việc sử dụng quyền phủ quyết của các thành viên thường trực.
Đại sứ Hoàng Chí Trung khẳng định Việt Nam ủng hộ mở rộng thêm 9 hoặc 10 thành viên mới, nâng tổng số thành viên lên khoảng 24 hoặc 25 nước, bổ sung thêm cả số lượng thành viên thường trực và không thường trực mới theo hướng ưu tiên tăng cường tính đại diện của các nước đang phát triển tại cơ quan này.
Theo kế hoạch, Đại Hội đồng sẽ bắt đầu vòng 2 đàm phán liên Chính phủ về cải tổ Hội đồng Bảo an từ đầu tháng 5/2009./.
TTXVN