Phiên họp thứ Mười chín của UBTVQH : Giám sát về việc thực hiện di dân, tái định cư dự án thủy điện Sơn La

Thứ tư, 15/04/2009 08:06 GMT+7
Sáng 14.4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ Mười chín.
Sáng 14.4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ Mười chín.
 
Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, UBTVQH đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện di dân, tái định cư dự án thủy điện Sơn La.
 
Tham dự Phiên họp có Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước về dự án Nhà máy thủy điện Sơn La Hoàng Trung Hải; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát; Đại diện Lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu...
 
Báo cáo kết quả giám sát Việc thực hiện di dân, tái định cư dự án thủy điện Sơn La do Chủ tịch HĐDT K'sor Phước trình bày, nêu rõ, sau gần 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của QH về chủ trương đầu tư dự án nhà máy thủy điện Sơn La (năm 2001), hệ thống các văn bản về cơ chế, chính sách thực hiện dự án đã được ban hành đồng bộ. Với khối lượng công việc rất lớn, nhưng tính đến nay, công tác di dân, tái định cư cơ bản bảo đảm yêu cầu kịp thời cho các mốc chính. Bà con nhân dân các địa phương nơi phải di dân, tái định cư đều tích cực ủng hộ chủ trương đúng đắn về xây dựng thủy điện Sơn La, chấp nhận khó khăn của việc di dời đến nơi ở mới, vì dòng điện tương lai của đất nước... Tuy nhiên, Báo cáo kết quả giám sát cũng chỉ rõ, nhìn chung việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể cũng như các cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế đặc thù trong thu hồi đất, giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp còn chậm. Việc giao đất sản xuất mới đạt gần 40% so với số hộ đã di chuyển đến nơi tái định cư. Việc cân đối bố trí vốn bảo đảm theo kế hoạch đạt yêu cầu, nhưng công tác giải ngân còn chậm, mới đạt 57,8% kế hoạch...
 
Sau khi xem video clip về thực trạng công tác di dân, tái định cư thủy điện Sơn La, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm UB Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn, Trưởng ban công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên... đã đặt câu hỏi với Đoàn giám sát, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương liên quan, yêu cầu làm rõ những nội dung về tiến độ thực hiện công tác di dân, tái định cư; Kết quả di chuyển dân đến các khu, điểm tái định cư; Việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào tại nơi ở mới; Cân đối vốn và tiến độ giải ngân... Thực trạng từ video clip cũng như những nội dung nêu trong Báo cáo kết quả giám sát đều cho thấy một bức tranh công tác di dân, tái định cư chậm trễ về tiến độ, điều kiện sinh hoạt và sản xuất của bà con nơi ở mới đều không bằng nơi ở cũ.
 
Theo Nghị quyết của QH, một trong những yêu cầu đặt ra đối với công tác di dân, tái định cư là "bảo đảm cho nhân dân phải di dời sớm ổn định và có điều kiện sống tốt hơn nơi cũ". Tuy nhiên, qua thực tế giám sát cho thấy công tác di dân, tái định cư chưa bảo đảm được yêu cầu này. Một trong những tồn tại nổi lên, được nhiều Ủy viên UBTVQH tập trung phân tích, đóng góp ý kiến là nơi ở mới của bà con rất khó khăn về đất sản xuất. Nếu trước đây, bà con sinh sống ở những nơi có nhiều đất trồng lúa nước, thì nay, khi chuyển đến nơi ở mới, diện tích đất được bố trí ít hơn rất nhiều và không phù hợp với phong tục tập quán sản xuất của bà con. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra con số 8.107 ha diện tích đất nông nghiệp bị mất, trong đó đất chuyên trồng lúa là 1.810 ha, đất trồng màu là 2.186 ha. Mặc dù trong quá trình cấp đất sản xuất đã cố gắng tính tới yếu tố phong tục, tập quán canh tác đất lúa của bà con, nhưng do khả năng về nguồn đất này ở nơi tái định cư rất hạn chế nên việc bố trí phải kết hợp cả đất lúa, đất màu, thậm chí có nơi phải giao thêm rừng cho bà con- Ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát.
 
Cũng như bố trí đất ở, việc bố trí đất sản xuất không phù hợp với phong tục, tập quán hàng bao đời nay của đồng bào là một trong những nguyên nhân được chỉ ra dẫn tới tiến độ thực hiện dự án chậm trễ và tâm trạng băn khoăn, lo lắng của những hộ dân phải di dời đến nơi ở mới. Thực trạng này đã được minh họa khá chân thực trong đoạn video clip về cuộc sống của một hộ đồng bào đã chuyển đến nơi ở mới, nhưng không có việc gì làm do không có đất sản xuất. Khi được hỏi, hộ đồng bào này đã thật thà mà rằng, công việc của chị hiện nay là nấu cơm, xem ti vi và chờ con đi học về. Về cuộc sống của hộ đồng bào, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho rằng, mặc dù đã có chính sách hỗ trợ, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhưng thực tế để thay đổi tập quán sinh hoạt và sản xuất của đồng bào là công việc không dễ dàng. Do vậy, cùng với việc giải quyết những tồn tại, hạn chế của công tác di dân, tái định cư thủy điện Sơn La hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan cũng cần tính toán đến bài toán "hậu tái định cư". Đây không phải là câu chuyện của 1, 2 năm mà có thể là của nhiều năm về sau- Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cảnh báo. Với ý nghĩa, tầm quan trọng và phạm vi ảnh hưởng rộng của công tác di dân, tái định cư thủy điện Sơn La, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cũng như nhiều Ủy viên UBTVQH tán thành với việc nên ban hành Nghị quyết của UBTVQH về nội dung giám sát này. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho rằng, ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện di dân, tái định cư thủy điện Sơn La là rất đúng tầm. Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đề nghị, trong Nghị quyết cần xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương trong thực hiện di dân, tái định cư. Từ đó, đưa ra những giải pháp tháo gỡ cụ thể, quyết tâm hoàn thành công tác di dân, tái định cư trước tháng 7.2010, kịp phục vụ việc phát điện tổ máy số 1 của Nhà máy thủy điện Sơn La vào cuối năm 2010- sớm hơn 2 năm theo kế hoạch đã đề ra.
 
Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh chi phí giám định, định giá trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính.
 
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Pháp lệnh, đa số Ủy viên UBTVQH tán thành với sự cần thiết phải ban hành dự thảo Pháp lệnh và thẳng thắn chỉ ra những nội dung còn chung chung, cần tiếp tục được làm rõ mới bảo đảm tính khả thi của dự thảo Pháp lệnh. Về phạm vi điều chỉnh, các Ủy viên UBTVQH đều thống nhất, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với giám định, định giá trong tố tụng dân sự, hành chính và hình sự. Hiện nay, dự thảo Pháp lệnh mới khoanh chi phí giám định, định giá trong tố tụng dân sự và hành chính. Theo Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, giám định trong dân sự, hành chính và hình sự không có sự khác biệt lớn, nên không nhất thiết phải tách bạch trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, do giám định, định giá hình sự chưa được quy định cụ thể nên việc xét xử nhiều vụ án tham nhũng đã bị chậm so với thời hạn, cơ quan xét xử gặp nhiều khó khăn. Do vậy, cần thiết phải bổ sung quy định về giám định, định giá trong tố tụng hình sự, nhằm đáp ứng đòi hỏi bức thiết của thực tế cuộc sống. Đồng tình với các ý kiến này, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đề nghị, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát thực tiễn để bổ sung quy định về giám định, định giá trong tố tụng hình sự, tránh tình trạng xé lẻ một nội dung trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật.
Người đại biểu nhân dân
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)