Từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa

Thứ sáu, 08/05/2009 07:52 GMT+7
Ngành Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, tàu biển đóng mới đạt tỷ lệ nội địa đến 70%. Do vậy, xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ đóng tàu tương xứng để giảm giá thành, bớt lệ thuộc vào các nhà cung cấp vật tư, nguyên liệu nước ngoài là một trong những việc làm rất cần thiết.
Ngành Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, tàu biển đóng mới đạt tỷ lệ nội địa đến 70%. Do vậy, xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ đóng tàu tương xứng để giảm giá thành, bớt lệ thuộc vào các nhà cung cấp vật tư, nguyên liệu nước ngoài là một trong những việc làm rất cần thiết.
 
Trong thời gian qua, Tổng Công ty CNTT VN (Vinashin) đã đóng mới được các loại tàu hàng có chất lượng, đạt chuẩn quốc tế như tàu 6.500DWT, 11.500DWT, 22.500DWT, 53.000DWT, đã và đang đóng mới các loại tàu chở container, tàu cao tốc phục vụ an ninh quốc phòng... Hiện tại ngành đóng tàu đã có thể hoàn toàn thỏa mãn nhu cầu trong nước và còn xuất khẩu cho các nước tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...
 
Với nỗ lực và quyết tâm, ngành đóng tàu Việt Nam đã từng bước chủ động được một phần thiết kế, sản xuất được nhiều chủng loại vật tư phục vụ đóng tàu: Vật liệu hàn, vật liệu chống cháy, trang bị nội thất; thiết bị nâng hạ, thiết bị máy cắt kim loại bằng khí gas - plasma có điều khiển bằng CNC, máy bơm, van và quạt gió; sản phẩm và dịch vụ điện tử cho ngành đóng tàu. Hàng loạt các dự án cho công nghiệp phụ trợ đóng tàu như: sản xuất thép tấm, động cơ tàu thủy, nghi khí hàng hải, chế tạo cơ khí chính xác của Vinashin đang được triển khai thực hiện ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam.
 
Các khu công nghiệp tàu thủy có giá trị gia tăng chưa lớn và hàm lượng công nghệ chưa cao và đa phần nguyên vật liệu, trang thiết bị cung cấp cho đóng mới vừa sửa chữa tàu biển đang phải nhập khẩu từ các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Âu... cũng đặc biệt được khuyến khích, đầu tư để phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng tỷ lệ thiết bị nội địa hóa.
 
Ngày 8/10/2008, mẻ phôi thép đầu tiên đã ra lò tại Công ty Cổ phần Thép Cửu Long - Vinashin. Từ đây, ngành công nghiệp tàu thủy sẽ từng bước chủ động được nguồn nguyên liệu thép tấm đóng tàu từ khâu khai thác quặng, sản xuất phôi thép và cán nóng thép tấm được tổ chức ASTM của Hoa Kỳ và JIC của Nhật Bản cấp chứng chỉ chất lượng.
 
Trong năm 2008, liên doanh giữa Tập đoàn Kinh tế Vinashin và Tập đoàn Lion (Malaysia) về đầu tư xây dựng một khu liên hợp sản xuất thép Vinashin - Lion đã được khởi công tại Cà Ná (Ninh Thuận) hứa hẹn một ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ đắc lực cho công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Cũng trong năm 2008, lô hàng container 500 chiếc của Công ty container Vinashin TGC sản xuất đã xuất khẩu cho United Arab Shipping Company (UASC) vượt qua các tiêu chuẩn giám sát của các tổ chức đăng kiểm quốc tế.
 
Nhiều dây chuyền công nghệ đóng tàu tự động cũng đã và được nghiên cứu, chế tạo và trang bị cho các nhà máy đóng tàu lớn của Vinashin trên khắp đất nước. Trong mục tiêu chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020, ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 các tàu biển đóng mới đạt tỷ lệ nội địa đến 70%, góp phần tích cực vào việc củng cố an ninh quốc phòng, đưa đất nước trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020.
 
Nhiều nhà máy đóng tàu được mở mang, nâng cấp. Các dự án xây dựng mới và nâng cấp nhà máy sửa chữa tàu biển hiện nay đang được đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt là các nhà máy sản xuất thiết bị hỗ trợ cho công nghiệp đóng tàu đang được đặc biệt chú ý, tập trung. Nhà máy công nghiệp tàu thủy Dung Quất, Cụm công nghiệp phụ trợ tàu thủy Dung Quất cũng đang trong thời gian hoàn thành. Hạ tuần tháng 4/2009, Nhà máy sửa chữa tàu biển Nosco - Vinalines có tổng vốn đầu tư 250 triệu USD trên diện tích 100 ha cũng đã được khởi công xây dựng tại xã Tiền Phong, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh.
 
Xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ đóng tàu tương xứng để giảm giá thành, bớt lệ thuộc vào các nhà cung cấp vật tư, nguyên liệu nước ngoài là một hướng đi đúng của Vinashin. Việc này không những tiết kiệm được rất nhiều chi phí từ các nguồn nhập khẩu mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trong nước.
GV
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)