
Ngày 4/5, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, đại biểu Quốc hội khoá XII và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tiếp xúc cử tri, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 khai mạc vào tháng 5.
Cử tri xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên và đại diện cử tri các sở, ban, ngành, các huyện, thị trong tỉnh đã nêu nhiều vấn đề đang nổi lên từ thực tế cuộc sống, ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển nông nghiệp, đời sống của nông dân và xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa.
Người nông dân đang rất cần vốn, sự hỗ trợ của Nhà nước, sự phối hợp của các doanh nghiệp, nhà khoa học. Tuy nhiên, họ đang gặp những khó khăn khi tiếp cận điều này như khi vay vốn thì phải làm nhiều thủ tục phiền hà; các nhà khoa học chưa có nhiều nghiên cứu thiết thực cho nông dân; tiêu thụ sản phẩm không ổn định; chất lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo... Ngay như ở Tân Cương- vùng chè nổi tiếng cả nước nhưng chè được bán chủ yếu ở qua hệ thống các chợ...
Ghi nhận những kiến nghị của cử tri, lãnh đạo thành phố và tỉnh Thái Nguyên đã trả lời một số vấn đề thuộc thẩm quyền. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đã tiếp thu, tổng hợp những ý kiến của nhân dân để chuyển tới Quốc hội và các Bộ, ngành trong kỳ họp tới.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong bối cảnh tình hình kinh tế- xã hội gặp nhiều khó khăn.
Tổng Bí thư nêu rõ: Tình hình năm 2009 vẫn còn diễn biến khó lường vì vậy, cả nước phải tiếp tục nỗ lực kiềm chế giảm phát, kích cầu để thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội.
Tổng Bí thư chia sẻ với cử tri về những vấn đề đang tồn tại trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và đời sống của nông dân bởi đây cũng là những vấn đề mà Đảng, Nhà nước và cá nhân Tổng Bí thư rất quan tâm để giải quyết. Đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn sẽ là bước chuyển căn bản với khu vực này cả về phát triển kinh tế, sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân. Điều này đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, sự quan tâm, sâu sát của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương nhằm có những chủ trương chính sách đúng, trúng, phù hợp với thực tế. Bản thân những người nông dân phải nâng cao trình độ học vấn, trình độ tay nghề để có thể tiếp cận được với những cái mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật được đưa vào sản xuất. Chính phủ đã có đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, các địa phương phải chăm lo giáo dục đào tạo.
Tổng Bí thư căn dặn: Cán bộ, đảng viên phải có nỗ lực vượt bậc để xây dựng đảng bộ cơ sở vững mạnh, lãnh
đạo nhân dân thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Đảng viên, cán bộ gương mẫu vì sự nghiệp chung thì dân mới tin, mới làm theo.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng cho rằng, các buổi tiếp xúc là dịp để cử tri và đại biểu Quốc hội cùng giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế- xã hội của chính quyền. Điều quan trọng là sau mỗi cuộc tiếp xúc, các kiến nghị đã hứa với cử tri phải được giải quyết đến nơi, đến chốn để lần sau sẽ không còn được nêu ra. Chẳng hạn như ở xã Tân Cương, nhiều năm nay, dân thiếu nước sinh hoạt và sản xuất trong 6 tháng, trong khi xã nằm ở ngay dưới chân đập Hồ Núi Cốc. Lần này, tỉnh và thành phố đã nói biện pháp khắc phục và hứa với dân thì phải làm cho bằng được.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 88, Tu Vũ và trồng cây tại khu lưu niệm Trung đoàn ở xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên. Trung đoàn 88 thành lập ngày 1/7/1949, ba lần được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
** Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Gặp gỡ và lắng nghe dân phải được đặc biệt coi trọng
Sau cuộc gặp gỡ với gần 500 cử tri TP Hồ Chí Minh trong ngày tiếp xúc đầu tiên (4/5), chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 (Quốc hội khóa XII), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị chính quyền các cấp của TP Hồ Chí Minh coi việc gặp gỡ trực tiếp và lắng nghe dân là phương thức quan trọng để thực hiện nhiệm vụ điều hành, quản lý đồng thời là cách thể hiện nguyên tắc chính quyền thực sự là “của dân, do dân và vì dân”.
Nói chuyện với các cử tri, Chủ tịch nước chia sẻ và đồng cảm với nhiều bức xúc, trăn trở của người dân, nhất là
đời sống của những bà con bị ảnh hưởng do quá trình thực hiện những dự án phát triển, đô thị hóa của địa phương và cả nước. “Ngay sau kỳ tiếp xúc cử tri này, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh sẽ làm việc trực tiếp và cụ thể với chính quyền TP Hồ Chí Minh, tìm giải pháp tháo gỡ cơ bản, trả lời thấu tình đạt lý đối với những vấn đề người dân bức xúc, đặc biệt là chính sách đất đai, đền bù giải tỏa và tái định cư”, Chủ tịch hứa với cử tri quận 1 và 2.
Chủ tịch nước cảm ơn nhiều cử tri đã thể hiện sự ủng hộ, chấp nhận thiệt thòi quyền lợi cá nhân để vun đắp cho lợi ích chung của thành phố và đất nước, hợp tác với chính quyền các cấp với thái độ thông cảm, cùng gánh vác, mong muốn người dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục sát cánh cùng chính quyền trong tinh thần chia sẻ và xây dựng, tìm những giải pháp hài hòa lợi ích của người dân và Nhà nước. Chủ tịch cũng khẳng định Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố “đã quyết tâm, nay sẽ quyết tâm hơn nữa” trong việc thực thi đầy đủ trách nhiệm đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của dân.
Tại TP Hồ Chí Minh, cử tri hai quận đều nhắc lại những bức xúc cũ đã diễn ra nhiều năm qua liên quan đến công tác đền bù giải tỏa, tái định cư của một số dự án (chung cư 289 Trần Hưng Đạo, 74 Hồ Hảo Hớn, Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, Đại lộ Đông – Tây…) song chậm được giải quyết, họăc phương án giải quyết không được đa số cử tri đồng tình. Nhiều cử tri đã đề nghị chính quyền thành phố tổ chức gặp dân, thương thảo và cung cấp thông tin kịp thời, xác đáng cho dân hiểu. Nhiều ý kiến khác đề nghị tăng cường giám sát thực thi pháp luật, đẩy mạnh hơn nữa công tác chống tham nhũng và cải cách hệ thống thủ tục hành chính. “Quốc hội cần đảm bảo việc ban hành luật và đưa ra những quyết sách lớn cho sự phát triển của đất nước trong tinh thần đổi mới, công khai, minh bạch, gíup tăng hiệu lực quản lý nhà nước đồng thời đảm bảo lợi ích của người dân”, cử tri Nguyễn Văn Hạnh (phường Thủ Thiêm quận 2) đề nghị.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá cao những đóng góp phong phú và tâm huyết của cử tri TP Hồ Chí Minh đối với nhiều công việc cụ thể của Quốc hội, đặc biệt là công tác xây dựng luật. Trong đó, nhiều ý kiến thể hiện sự quan tâm, nghiên cứu công phu và mong muốn đóng góp cho đất nước. Chủ tịch nước khẳng định các ý kiến đều được tiếp thu, trân trọng, với vai trò người đại biểu nhân dân Chủ tịch sẽ phản ánh đầy đủ tới Quốc hội.
** Cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Ba Đình và Cầu Giấy. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội thành phố tiếp thu những ý kiến tâm huyết của cử tri về nhiều lĩnh vực như hoàn thiện hệ thống pháp luật; công tác giám sát, đổi mới cách thức tiếp xúc cử tri và nhiều nội dung cụ thể khác.
Chủ tịch Quốchội Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội
Các ý kiến của cử tri quận Ba Đình và Cầu Giấy đánh cao chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế nước ta do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Cử tri kiến nghị, các giải pháp mà Chính phủ triển khai thời gian qua phát huy hiệu quả rõ nét, nhưng cần quan tâm hơn tới đời sống của người dân, nhất là những người bị mất việc làm. Cử tri Trần Đình Phong, phường Kim Mã- Ba Đình đề nghị, Quốc hội cần đổi mới hơn nữa phương thức tiếp xúc cử tri, lắng nghe dân từ cơ sở, để từ đó có những quyết sách kịp thời.
Một số cử tri cho rằng, cần quan tâm hơn tới cán bộ cơ sở, trong đó có cán bộ tổ dân phố, vì đây là lực lượng quan trọng trong việc trực tiếp đưa các chính sách của Đảng và Nhà nước tới người dân. Một số cử tri bức xúc về công tác nghiên cứu, ban hành luật còn kẽ hở, kẻ xấu dễ lợi dụng, cải cách hành chính đã đạt kết quả nhưng vẫn còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân.
Các ý kiến cho rằng, việc thực hiện bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên vẫn còn nhiều vấn đề đang đặt ra. Dịch cúm A/H1N1 đang là vấn đề được quan tâm, cử tri đề nghị Nhà nước cần có chính sách bảo vệ nhân dân trước đại dịch này, không để lây lan, ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm gia cầm của nông dân. Vấn đề quy hoạch cho các khu chung cư, khu đô thị mới hiện nay cũng là vấn đề được nhiều cử tri nêu ra.
Các ý kiến cụ thể khác cũng được nêu ra về cải tạo nhà chung cư, mức phí đối với các phương tiện ôtô, xe máy; việc thực hiện bán nhà theo nghị định 61 còn chậm; chăm lo đời sống người nghèo nhiều nơi làm chưa triệt để. Một vấn đề thời sự đang đuợc dư luận quan tâm hiện nay là việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên, cử tri đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo môi trường, an ninh và đời sống của người dân trong vùng khai thác.
Tại buổi tiếp xúc, lãnh đạo Quận Ba Đình, Cầu Giấy và lãnh đạo thành phố Hà Nội phát biểu trả lời những vấn đề mà cử tri nêu ra đối với những vụ việc cụ thể thuộc địa bàn và thầm quyền giải quyết.
Về những vấn đề chung của đất nước và thành phố, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng ghi nhận những ý kiến mà cử tri nêu ra. Đó là những ý kiến rất tâm huyết để Quốc hội bàn thảo tại kỳ họp sắp tới, từ đó có những quyết sách đúng đắn kịp thời. Đề cập việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng cần đánh giá công bằng, không nên nghe dư luận một chiều, ảnh hưởng đến việc chung.
Về quy hoạch đô thị hiện nay, nhất là ở những đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, việc quy hoạch ở hai thành phố này còn yếu và còn nhiều việc phải làm.
Đề cập công tác hậu giám sát của Quốc hội hiện nay, Chủ tịch Quốc hội cho biết: Quốc hội thực hiện chức năng giám sát tối cao những vấn đề lớn. Tất cả đều xuất phát từ cơ sở, vì người dân, Luật ra đời cũng vì người dân và vì sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, đúng là công tác giám sát còn nhiều hạn chế, cần phải khắc phục theo hướng tiếp tục đổi mới. Những vấn đề mà cử tri nêu ra sẽ được Đoàn Quốc hội Quốc hội thành phố tiếp thu chuyển tới kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 12.
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 12 dự kiến diễn ra từ 20/5 đến 23/6. Tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét hai nhóm nội dung: Các vấn đề kinh tế- xã hội và giám sát tối cao, Công tác xây dựng pháp luật. Quốc hội cũng sẽ nghe báo cáo công tác thực hiện giám sát chuyên đề về các vấn đề nổi bật như: Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; kết quả giám sát việc thực hiện di dân tái định cư dự án thuỷ điện Sơn La. Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua 12 dự án Luật và một nghị quyết về chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2010; cho ý kiến 6 dự án luật./.
VOVNEWS