Ngày 5/5, Phó chủ tịch Thường trực HĐND TP Lê Quang Nhuệ và Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cùng lãnh đạo các sở, ngành TP đã làm việc với hai huyện Thường Tín và Phú Xuyên về thực trạng hạ tầng giao thông, môi trường và cho các giải pháp tháo gỡ khó khăn, định hướng phát triển những lĩnh vực trên.
Hai huyện Thường Tín và Phú Xuyên nằm liền kề nhau, đều có hệ thống giao thông thuận lợi, có đường bộ tỉnh, huyện lộ, đường sắt, trục Quốc Lộ 1A, đường thủy sông Hồng và tuyến đường 1A (mới) Pháp Vân- Cầu Giẽ... đi qua, với tổng chiều dài mỗi huyện hàng trăm km. Nhờ chính sách hỗ trợ 29% kinh phí xây dựng đường liên thôn, xã, đã khuyến khích nhân dân đóng góp hàng trăm tỉ đồng, xây dựng hàng trăm km đường bê tông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển, các tuyến đường trên không còn khả năng đáp ứng, đường chật hẹp, một số nơi xuống cấp, hệ thống thoát nước, chiếu sáng không đồng bộ... Đặc biệt, tuyến đường quốc gia Pháp Vân- Cầu Giẽ có 17 km đi qua Thường Tín, 12,5 km qua Phú Xuyên do thiết kế bất hợp lý, không có điểm đấu nối, hệ thống cống chui nhỏ đã “cắt” ngang các huyện, làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống sinh hoạt của nhân dân 18 xã phía đông của hai huyện...
Để khắc phục, các huyện kiến nghị TP cho đầu tư xây dựng tuyến đường “gom” mới từ xã Ninh Sở (Thường Tín) đến nút giao Đại Xuyên (Phú Xuyên), dài khoảng 15 km đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt tại QĐ số 2668 ngày 31/12/2007. Thường Tín còn kiến nghị Thành phố nâng cấp tuyền đường phố Quán Gánh (Nhị Khê) đến Minh Cường; đường 427 từ Hồng Vân đi Hiền Giang, Tía đi Nghiêm Xuyên, thị trấn Thường Tín, Đỗ Xá... để phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội.
Huyện Phú Xuyên đề nghị, TP cải tại đường 1A, đoạn qua huyện, nâng cấp Cầu Giẽ, xây dựng đường gom phía tây đường sắt; đường gom nối từ đường 429 tới khu công nghệ Đại Xuyên; xây dựng bến phà Phú- Châu, nâng cấp 22 tuyến đường khác, với kinh phí 405 tỉ đồng (thực hiện 2009-2010); trục đường kinh tế bắc-nam, Đỗ Xá- Quan Sơn nối QL 5B; hệ thống chiếu sáng qua huyện, từ xã Châu Can đến thị trấn Phú Minh.... Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Trương Thế Cầu cho biết, nhân dân địa phương rất phấn khởi từ khi sáp nhập về Hà Nội, có xe buýt chạy thẳng vào TP, đèn công cộng,...
Tại buổi làm việc, vấn đề “nóng” tập trung tại huyện Thường Tín. Theo Bí thư Huyện ủy Trần Trọng Hiếu, trong 126 làng nghề, thì 6 xã ô nhiễm nặng,nhất là Thụy Ứng còn 9 hộ thuộc da trâu, bò, gây ô nhiễm nặng, đến mức xe máy đi 5 - 6 tháng vành đã hỏng, đồ điện cũng vậy. Ông cũng cảnh báo, nguồn nước ngầm cạn kiệt. Tại khu vực quanh nhà máy sản xuất nước giải khát Cocacola, phần lớn giếng khơi không có nước; có làng nghề, nước giếng khoan cũng ô nhiễm, hàng loạt thanh niên mắc bệnh lao, đau mắt... là thực trạng đáng lo ngại, mong TP tháo gỡ giúp.
Phó chủ tịch Thường trực HĐND TP Lê Quang Nhuệ nhấn mạnh, năm nay, TP quan tâm hàng đầu nhiệm vụ phát triển giao thông nông thôn và xử lý ô nhiễm môi trường. Ông hoan nghênh, huyện Thường Tín đã quy hoạch dành đất và hỗ trợ tới thôn, xóm điểm thu gom rác thải; khẳng định HĐND TP hoàn toàn ủng hộ UBND, ưu tiên hàng đầu nguồn lực phát triển 2 lĩnh vực trên và đề nghị TP và các cơ quan chức năng, khi lập quy hoạch giao thông có tầm nhìn lâu dài, đường liên thôn, xã cũng phải mở rộng như huyện lỵ...
Kết luận, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đồng ý với kiến nghị của các huyện về đầu tư xây dựng tuyến đường gom mới (Ninh Sở - Đại Xuyên), các hạng mục giao thông khác và giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc, GTVT, Kế hoạch - Đầu tư và các cơ quan chức năng phối hợp cùng hai huyện lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư thực hiện. Về môi trường, giao Sở Tài nguyên & Môi trường cùng các huyện tổ chức rà soát các điểm thu gom rác thải, kiểm tra mức độ ô nhiễm môi trường các cơ sở sản xuất tại các làng nghề, các khu công nghiệp.
Phó chủ tịch cho rằng, việc xử lý chất thải không thể rác huyện này chuyển đến huyện khác, vì thế TP chủ trương xây dựng các Nhà máy xử lý chất thải tại các huyện và đang lựa chọn các công nghệ xử lý hiện đại. Việc đầu tư bảo đảm hiệu quả, theo hướng xã hội hóa, với các hình thức BT, BOT....
Để thực hiện, các huyện chủ động lập quy hoạch dành quỹ đất và lên phương án tổ chức GPMB để chuẩn bị cho việc đầu tư trên; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giữ VSMT và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Về nước sinh hoạt, giao Sở Xây dựng nghiên cứu trình TP giải pháp lấy nước sạch sông Đà cung cấp cho các huyện. Các công việc trên, yêu cầu các sở, ngành báo cáo TP trong quý II, III và chuẩn bị khởi công một số hạng mục công trình trong 2009.
KH