Ngày 12/5, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải (GTVT) đã giao ban bàn các giải pháp khắc phục tình trạng chậm trễ trong thực hiện đầu tư các dự án, công trình giao thông trong những tháng đầu năm 2009.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì giao ban
Quý I/2009, ngành GTVT đã khởi công 8 gói thầu lớn như gói thầu số 3 cầu Nhật Tân, QL 50, cầu Gành Hào,…, phấn đấu cả năm khởi công 45 dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm như đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, Nội Bài – Lào Cai, TP. Hồ Chí Minh– Long Thành – Dầu Giây, mở rộng QL 51 Biên Hòa – Vũng Tàu, Nhà ga T2 Nội Bài, đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông,…
4 tháng đầu năm, vốn NSNN thực hiện ngành GTVT đạt 1.249 tỷ đồng, giải ngân 1.216 tỷ; vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân 3.672 tỷ đồng. Các dự án BOT đạt 439 tỷ, dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh– Trung Lương đã giải ngân hết 6.555 tỷ đồng vốn ứng trước. Trong đó, một số dự án trọng điểm đang nỗ lực về đích đúng tiến độ như Dự án mở rộng đường Láng – Hòa Lạc, gói thầu 3 A cầu Thanh Trì, đường vành đai 3 Mỹ Đình – Pháp Vân,…
Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai những dự án giao thông trọng điểm, nổi cộm là vấn đề giải phóng, bàn giao mặt bằng thi công và vốn đầu tư.
Dự án mở rộng, hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc hiện chưa giải phóng mặt bằng được 2 km cuối tuyến và nút giao Hòa Lạc; Dự án đường vành đai 3 vướng 135 hộ dân ở nút Thanh Xuân, 150 hộ dân nút Mai Dịch; Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dù chỉ còn ít hộ chưa bàn giao mặt bằng nhưng vẫn ách tắc rải rác ở cả 3 tỉnh liên quan và kéo dài 2-3 năm nay chưa giải quyết xong. Cùng với đó, ở nhiều dự án, tình hình bố trí các nguồn vốn cũng gặp khó khăn, từ vốn đối ứng, vốn cấp cũng như vốn góp,…
Hội nghị giao ban
Ưu tiên thu hút vốn, giải phóng mặt bằng
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, năm nay, ngành GTVT có trách nhiệm và vai trò quan trọng trong thực hiện chủ trương kích cầu, tạo hạ tầng cho quá trình phục hồi, thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên trong thời gian qua, dù có những chuyển biến nhất định nhưng công tác đầu tư xây dựng nói chung, đầu tư xây dựng ngành GTVT nói riêng vẫn còn nhiều tồn tại: công tác quy hoạch chưa đạt yêu cầu, chuẩn bị đầu tư còn chậm, chất lượng tư vấn chưa tốt dẫn đến chất lượng các dự án còn thấp, công tác đền bù, GPMB và tái định cư còn nhiều vướng mắc, năng lực thi công còn nhiều yếu kém,…
“Thời gian tới là mùa mưa, khó khăn cho việc thi công vì vậy, bên cạnh việc tìm các giải pháp thúc đẩy thi công, Bộ GTVT cùng các Bộ, ngành hữu quan, chủ đầu tư, Ban QLDA phải xác định nhiệm vụ ưu tiên là thu hút, cân đối các nguồn vốn, đẩy mạnh các cơ chế, triển khai giải phóng mặt bằng một cách đồng bộ với sự linh hoạt hóa các giải pháp tháo gỡ”, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng cũng đã có ý kiến chỉ đạo cho các công trình trọng điểm. Đối với Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc là công trình cấp bách, quan trọng của Thủ đô phục vụ Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Bộ GTVT cùng TP. Hà Nội sớm họp xử lý vướng mắc về GPMB và bố trí kế hoạch vốn phù hợp. Tương tự là Dự án đường Vành đai 3 kiên quyết không để tình trạng dây dưa về GPMB; Dự án đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình sớm xác định thời gian bàn giao mặt bằng, thực hiện gia tải và xử lý nền đất yếu.
Đối với các dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cảng hàng không quốc tế T2 - Nội Bài, đường Hồ Chí Minh giai đoạn II,… cần xây dựng các phương án và rà soát thủ tục cấp vốn. Về các dự án đường sắt nội đô, đường sắt cao tốc, cảng Vân Phong, Lạch Huyện,… đẩy nhanh công tác chuẩn bị, thiết kế. Để tăng tính chủ động, các cơ quan có thẩm quyền đề xuất cơ chế điều hành, cơ chế phân cấp điều chuyển vốn từ dự án chậm sang dự án cấp bách nhưng đang bị thiếu vốn, tránh tình trạng tổng vốn thừa nhưng từng dự án lại thiếu vốn./.
(Theo Công thông tin điện tử Chính phủ)