Gỡ vướng mặt bằng
Theo báo cáo của Ban Quản lý đầu tư các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang, hiện nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đạt 63,99/69,4 km toàn tuyến, đạt 92,2%, đến ngày 1/2, tổng sản lượng giải ngân công trình đạt 1.260,105/4.789,751 tỷ đồng, đạt khoảng 26,3% giá trị hợp đồng. Nguyên nhân là do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, gây khó khăn trong quá trình thi công của các nhà thầu.
Tại gói thầu xây lắp 24, thi công các cầu trên tuyến thuộc dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) của Tập đoàn Đèo Cả đang gặp trở ngại tiến độ thi công khi nhiều hạng mục cầu vướng mắc giải phóng mặt bằng. Dù đã huy động tối đa nhân lực, thiết bị, nhưng việc bàn giao mặt bằng chưa đồng bộ, đặc biệt tại cầu vượt Quốc lộ 2, đang ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai. Ban Điều hành và các bên liên quan đang tích cực phối hợp để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ chung của dự án.
![](/Images/editor/images/KieuAnh/Nam%202025/Thang%202/img_20250211081342.jpg)
Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án cầu
trên tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang do Tập đoàn đảm nhận thi công.
Theo báo cáo của Ban Điều hành gói thầu xây lắp 24, gói thầu đã huy động 152 máy móc thiết bị, 230 cán bộ, kỹ sư và công nhân để tổ chức thi công tại 19/19 điểm cầu được bàn giao. Tổng sản lượng thực hiện đến nay đạt khoảng 174,5/626 tỷ đồng, tương đương 30,66% kế hoạch. Hiện nay, liên danh nhà thầu đang triển khai các hạng mục như cọc khoan nhồi, thân, mố, bệ trụ...
Ông Lê Đức Tranh, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu xây lắp 24, Tập đoàn Đèo Cả cho biết: Hiện tại, sau 16 tháng kể từ khi khởi công, công tác bàn giao mặt bằng vẫn chưa hoàn tất, 19/20 điểm cầu được bàn giao giải phóng mặt bằng một phần hoặc toàn bộ, vị trí cầu vượt Km54 + 175.83 chưa được bàn giao, gây ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai các hạng mục quan trọng. Tình trạng mặt bằng “xôi đỗ” gây nhiều khó khăn trong việc triển khai đường công vụ, điều phối máy móc và vận chuyển vật liệu đến hiện trường. Trước thực trạng này, Ban Điều hành gói thầu đã trực tiếp làm việc với các nhà thầu phụ xây dựng kế hoạch tiến độ chi tiết và đôn đốc thực hiện, tổ chức kiểm đếm tiến độ hàng tuần và đưa ra các giải pháp kịp thời nhằm đảm bảo kế hoạch đề ra.
Tại gói thầu số 21, thi công đường đoạn từ Km43+00 - Km55+00, do Liên danh Công ty cổ phần xây dựng dịch vụ và thương mại 68, Công ty TNHH Phúc Thành An, Công ty TNHH Hiệp Phú đảm nhận thi công công trình. Hiện nay, các nhà thầu đang tập trung máy móc thiết bị thi công nền đường, cống thoát nước, hầm chui dân sinh tại các vị trí có mặt bằng thi công, sản lượng thi công đến thời điểm báo cáo mới đạt 158,39/699,53 tỷ đồng, khoảng 22,6% so với hợp đồng đã ký kết.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Phú, trực tiếp chỉ huy thi công tại công trường chia sẻ: Hiện tại, các nhà thầu chủ yếu tập trung các mũi thi công hạng mục nền đường, công trình thoát nước, hầm chui dân sinh... thiết bị máy móc cơ bản đáp ứng tại các vị trí đã có mặt bằng thi công. Đồng thời đơn vị cũng đã tập kết được 44.000 m3/124.500 m3 cấp phối đá dăm phục vụ cho thi công nền đường.
Quyết tâm hoàn thành giải phóng mặt bằng trước ngày 15/3
Ông Nguyễn Thiện Tuyên, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh khẳng định: Để đảm bảo tiến độ thực hiện theo đúng kế hoạch, chậm nhất, trước 15/3, nếu chưa giải quyết dứt điểm được các vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, chưa bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các đơn vị thi công, thì các nhà thầu không thể tranh thủ thời tiết thuận lợi để thi công hoàn thành các hạng mục nền đường trước mùa mưa, để tiếp tục triển khai thi công hạng mục móng, mặt đường, dự án sẽ rất khó hoàn thành trong năm 2025 theo kế hoạch. Chính vì vậy, đơn vị chủ đầu tư đang quyết tâm phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành phố giải quyết các vướng mắc, chỉ đạo các nhà thầu tập trung nguồn lực để triển khai thi công 3 ca, 4 kíp nhằm bù lại tiến độ bị chậm do vướng mắc giải phóng mặt bằng, với quyết tâm cao nhất hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng của dự án còn nhiều vướng mắc, còn nhiều điểm nghẽn liên quan đến 265 hộ chưa phê duyệt phương án bồi thường và chi trả tiền bồi thường (thành phố Tuyên Quang 4 hộ; Yên Sơn 30 hộ; Hàm Yên 120 hộ) thi công do vướng mắc cần phải giải quyết các vấn đề liên quan đến đất các hộ gia đình có liên quan đến đất các Công ty Lâm nghiệp đang quản lý, đất liên quan đến Chương trình trồng rừng 327 và 661; di chuyển tái định cư; các hộ đã có quyết định phê duyệt phương án bồi thường nhưng chưa nhận tiền, ngoài ra còn một số khó khăn liên quan đến nguồn vật liệu đất đắp tại một số gói thầu...
Tại cuộc kiểm tra tiến độ thực hiện dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang của đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vào chiều 6/2 vừa qua, đồng chí đã đề nghị tỉnh cần giải quyết một số vướng mắc liên quan đến vấn đề thiếu đất đắp; hoàn thành các thủ tục liên quan đến điều chỉnh trong quá trình thực hiện dự án. Đồng thời hoàn tất việc giải phóng mặt bằng đối với diện tích chưa thực hiện. Đồng chí nhấn mạnh, Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang có ý nghĩa rất lớn, là dự án trọng điểm quốc gia, vì vậy, chủ đầu tư, các đơn vị thi công, các địa phương nỗ lực hơn nữa khắc phục khó khăn, tranh thủ thời tiết thuận lợi, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; yêu cầu đảm bảo tiến độ cùng với đảm bảo kỹ thuật, chất lượng.
Với sự quyết tâm của các cấp, các ngành, các đơn vị thi công cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang sớm hoàn thành có ý nghĩa quan trọng nâng cao kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc.