Bộ GTVT hành động thích ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ tư, 28/11/2018 16:42 GMT+7

Chiều 28/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp về Công tác ứng dụng khoa học công nghệ của ngành giao thông vận tải trong cuộc cách mạng 4.0.
Cùng dự cuộc họp có Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ GTVT.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp về
công tác ứng dụng KHCN của Ngành trong cuộc cách mạng 4.0.

Theo báo cáo của Vụ Khoa học công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 còn được gọi là cuộc cách mạng số hóa, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)… để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số, nhiều  mô hình phát triển ở cuộc cách mạng công nghệ lần 4 tác động xã hội mà ngành GTVT không phải là ngoại lệ.

Ngành GTVT nước ta hiện nay có đầy đủ các biểu hiện của các cuộc cách mạng công nghiệp lần 2, 3 và lần thứ 4 như: bước đầu hình thành hệ thống đường bộ cao tốc, áp dụng các công nghệ thông tin, kết nối internet trong cung cấp các dịch vụ vận tải (đặt vé, check-in tàu, máy bay, thu phí tự động...), cung cấp các dịch vụ công qua internet (cấp, đổi bằng lái xe, đăng kiểm), các dịch vụ vận tải trên nền tảng internet như taxi Uber, Grab,... đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc cách mạng lần thứ 4.

Vụ Khoa học công nghệ đánh giá, thách thức của ngành GTVT nước ta trong thời đại phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đó là về vị trí địa lý; tốc độ đô thị hóa nhanh; những yếu kém về hạ tầng và ý thức của người dân; hạn chế về nguồn lực (vốn đầu tư, nhân lực)...

Về tình hình tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong ngành GTVT, Vụ Khoa học công nghệ cho biết, trong thời gian qua, việc ứng dụng CNTT của ngành GTVT đã đem lại những hiệu quả rõ rệt trong công tác quản lý, điều hành sản xuất, phục vụ doanh nghiệp và người dân, qua đó từng bước chuẩn bị cho việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với ngành GTVT như: Dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực đường bộ, đăng kiểm, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không...

Ngoài ra, ngành GTVT tăng cường công tác trao đổi trong và ngoài nước để tạo hiểu biết và nhận thức đúng về bản chất, đặc trưng, cơ hội và thách thức của CMCN 4.0; xây dựng chương trình tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của ngành GTVT.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục ĐBVN
phải ứng dụng công nghệ theo dõi hệ thống cầu, đường

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đặc trưng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0 là kết hợp giữa thực và ảo, không có ranh giới; đối với Bộ GTVT, phải xây dựng cơ sở dữ liệu về kết cấu hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin tronmg quản lý; bên cạnh đó khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải có tính chất mở, gắn với những tiêu chuẩn, quy chuẩn; quy định rõ đầu mối, trách nhiệm các cơ quan, đơn vị liên quan.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, tất cả các bộ, ngành, đều xây dựng chương trình hành động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

"Do đó Bộ GTVT cũng phải xây dựng chương trình hành động thích ứng với sự phát triển khoa học công nghệ 4.0 trong giai đoạn sắp tới của lĩnh vực GTVT", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ rõ

Bộ trưởng giao Vụ Khoa học công nghệ chủ trì xây dựng chương trình hành động (đề án, kế hoạch) thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0 của Bộ GTVT trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đơn vị trong việc thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (hoàn thành trong tháng 12/2018).

Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan đơn vị trong ngành GTVT bám sát và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chủ động cập nhật, nâng cao nhận thức về xu thế phát triển, đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hoạt động quản lý, sản xuất của đơn vị, từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm tăng cường năng lực, chủ động tiếp cận cuộc cách mạng KHCN này.

"Các cơ sở đào tạo phải nhanh chóng đổi mới chương trình, mô hình đào tạo nguồn nhân lực chất  lượng cao đáp ứng nhu cầu tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Song song với đó phát triển nguồn nhân lực liên quan như các ngành về trí thông minh nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), xe ô tô tự lái, Robotic; các Viện nghiên cứu tập trung nghiên cứu ứng dụng , các công nghệ mới, vật liệu mới...", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.

Xuân Nguyên

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)