Dự án đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên: Sẽ khởi công đầu quý III/2009

Thứ sáu, 06/03/2009 14:57 GMT+7
Đó là khẳng định của đại diện chủ đầu tư khi trao đổi với phóng viên Báo GTVT. Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cũng chỉ đạo Ban QLDA và các đơn vị chức năng của Bộ nỗ lực trong việc hoàn tất các thủ tục đấu thầu cũng như phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ GPMB để sớm động thổ dự án. Chính vì vậy, việc nhanh chóng

Đó là khẳng định của đại diện chủ đầu tư khi trao đổi với phóng viên Báo GTVT. Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cũng chỉ đạo Ban QLDA và các đơn vị chức năng của Bộ nỗ lực trong việc hoàn tất các thủ tục đấu thầu cũng như phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ GPMB để sớm động thổ dự án. Chính vì vậy, việc nhanh chóng hoàn tất các thủ tục đầu tư và bàn giao mặt bằng để sớm khởi công dự án là điều hết sức cấp thiết.

Dự án đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên (QL3 mới) là dự án đặc biệt quan trọng trong việc kết nối mạng lưới giao thông khu vực phía Bắc Thủ đô Hà Nội. Ngoài việc giảm tải cho QL3 cũ, tuyến đường còn có ý nghĩa rất lớn để phát triển kinh tế cho các tỉnh vùng núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên. Do QL3 cũ đang có mật độ giao thông rất đông, là tuyến đường xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng nên việc sớm khởi công xây dựng và đưa tuyến đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên vào sử dụng có ý nghĩa rất thiết thực.

Dự án có vốn đầu tư phê duyệt ban đầu là 3.522,4 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến 62km, vận tốc trung bình 100km/h. Điểm đầu tuyến giao với QL1A mới phía Bắc cầu Phù Đổng (nằm trên đường vành đai III Hà Nội), điểm cuối được nối vào điểm đầu của tuyến tránh TP Thái Nguyên đang được xây dựng.

Tuy nhiên, đến nay tổng mức đầu tư dự án đã lên tới khoảng 8.000 tỷ đồng và được đầu tư bằng vốn vay JBIC của Nhật Bản. QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên được xây mới và hoàn toàn độc lập với QL3 hiện nay, đi qua địa bàn các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn (Hà Nội); Tiên Sơn, Yên Phong (Bắc Ninh); Phổ Yên, Phú Bình (Thái Nguyên).

Trước đây, do gặp khó khăn trong công tác tổ chức đấu thầu, có gói giá đội lên đến khoảng 180% so với giá quy định khiến cho dự án chưa thể khởi động. Theo lãnh đạo Ban QLDA 2- đơn vị được giao làm đại diện chủ đầu tư, do đấu thầu lần trước không thành công nên chủ đầu tư phải tổ chức đấu lại. Hiện tại, mọi việc đang diễn ra khá suôn sẻ, tất cả hồ sơ mời thầu đã được phát hành và được phê duyệt các nhà thầu lọt qua vòng sơ tuyển. Thời gian mở thầu vào khoảng cuối tháng 4/2009. Dự kiến đến khoảng tháng 5/2009 có thể hoàn tất đấu thầu của các gói để chuẩn bị khởi công.

Đối với công tác GPMB, do đã tách làm tiểu dự án giao cho các địa phương làm chủ đầu tư trong nhiều năm nay nên đến nay mặt bằng không còn gặp vướng mắc nhiều. Hiện tại, theo báo cáo của chủ đầu tư, phần đi qua Hà Nội thuộc các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn hiện nay là khó khăn nhất và mới hoàn thành bàn giao được khoảng 30%.

Mặt bằng thuộc địa bàn tỉnh Thái Nguyên có phần tích cực hơn. Chiều dài tuyến đi qua tỉnh Thái Nguyên gần 30km, với tổng diện tích đất phải thu hồi lên đến gần 2.372.000m2 với tổng dự toán khoảng 394 tỷ đồng. Mặc dù còn một số vướng mắc, phát sinh về giá đất thu hồi, xây dựng các khu tái định cư, nghĩa trang,… nhưng theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên, tính đến tháng 2/2009, tỉnh có thể bàn giao được 92% mặt bằng và đến đầu tháng 6/2009 có thể bàn giao 100% mặt bằng sạch. Theo lãnh đạo Ban QLDA 2, mọi công tác chuẩn bị cho ngày khởi công đã ở giai đoạn cuối và chuẩn bị hoàn tất. Dự kiến đến đầu quý III/2009 này, dự án có thể chính thức động thổ triển khai để sớm đưa vào sử dụng.

 

 

nguồn giaothongvantai.com.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)