Chính phủ xem xét, cho ý kiến một số dự án Luật trước khi trình Quốc hội

Thứ năm, 02/04/2009 08:14 GMT+7
Tiếp tục phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2009, ngày 1/4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các thành viên Chính phủ đã xem xét cho ý kiến dự án Luật Viễn thông và một số dự án Luật bổ sung, sửa đổi trước khi trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét quyết định.
Tiếp tục phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2009, ngày 1/4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các thành viên Chính phủ đã xem xét cho ý kiến dự án Luật Viễn thông và một số dự án Luật bổ sung, sửa đổi trước khi trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét quyết định.
 
Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình lần này theo hướng: tháo gỡ những vướng mắc đang cản trở các hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản; đảm bảo quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản nhất quán, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tạo ra môi trường pháp lý thông thoáng; phát huy được quyền chủ động và nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong đầu tư xây dựng cơ bản, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.
 
Luật quy định sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản của các Luật:  Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Phòng cháy, chữa cháy và Nghị quyết số 66/2006/QH11. Cụ thể:
 
Sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Luật Xây dựng để quy định rõ những hoạt động xây dựng thuộc lĩnh vực có điều kiện, danh mục các hoạt động xây dựng có điều kiện như: Lập dự án đầu tư, quản lý dự án, thiết kế quy hoạch, thiết kế xây dựng, khảo sát xây dựng, thi công xây dựng, giám sát thi công, định giá và quản lý chi phí, thí nghiệm chuyên ngành, kiểm định chất lượng, chứng nhận đảm bảo an toàn về chịu lực và chất lượng công trình.
 
Nội dung sửa đổi của Luật Đầu tư quy định lại một số nội dung cho chuẩn xác, tránh những vướng mắc trong thực tế thi hành luật về hình thức đầu tư mua cổ phần, sáp nhập mua lại doanh nghiệp, về lĩnh vực đầu tư có điều kiện và thủ tục đầu tư vào các lĩnh vực này. Làm rõ các quy định của Luật về thẩm định đấu thầu, về đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu, về các hành vi vi phạm Luật, về thời gian trong đấu thầu; về hồ sơ mời thầu...
 
Nội dung sửa đổi một số điều, khoản cụ thể của Luật Doanh nghiệp quy định rõ về thời hạn cấp giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh gắn với dự án đầu tư cụ thể; đăng ký lại và tổ chức quản lý theo quy định của Luật Đầu tư.
 
Dự án Luật cũng tập trung sửa đổi các quy định chưa phù hợp thực tế, đảm bảo sự nhất quán quá trình đầu tư; đơn giản các thủ tục hành chính; tạo lập cơ sở pháp lý để thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện đầu tư, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải và các thành viên Chính phủ dành cả chiều 1/4 đóng góp thêm nhiều ý kiến để Ban soạn thảo bổ sung, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội. Thủ tướng nhấn mạnh: Cần nhanh chóng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà, phức tạp trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản, đấu thầu; tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thủ tướng đề nghị Ban soạn thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến, báo cáo các Uỷ ban của Quốc hội cho ý kiến, trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.
 
Luật Khám chữa bệnh sẽ khuyến khích tối đa năng lực các chuyên gia, bác sĩ
 
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết: Trong những năm qua, công tác khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) cho nhân dân đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã nâng lên 72,8 tuổi.
 
Tuy nhiên còn một số tồn tại như: Các quy định về KBCB trong Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân còn chung chung, chưa đề cập đến các thành phần kinh tế khác tham gia vào công tác KBCB, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ KBCB, cũng như chưa tạo tiền đề pháp lý cho việc cạnh tranh lành mạnh giữa khu vực KBCB của Nhà nước và tư nhân.
 
Dự án Luật có 8 chương và 84 điều, bao gồm: Quyền và nghĩa vụ của người bệnh, cá nhân hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Các quy định chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh, áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh, sai sót chuyên môn và giải quyết khiếu kiện của người bệnh trong khám bệnh, chữa bệnh. Các thành viên Chính phủ cơ bản nhất trí với dự án Luật và đóng góp ý kiến theo hướng tạo điều kiện phát huy tối đa năng lực chuyên môn của các chuyên gia, y, bác sĩ giỏi để phục vụ tốt hơn công tác khám chữa bệnh cho nhân dân và thúc đẩy xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ KBCB.
 
Đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa
 
Các thành viên Chính phủ xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trình.
 
Theo đó, một số quy định qua thực tế thi hành Luật Di sản văn hóa, bộc lộ những hạn chế, bất cập, như các quy định về việc lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể; quy định về việc cấp giấy phép khai quật khẩn cấp; quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các bảo tàng và quy định về thủ tục và thẩm quyền quyết định thành lập bảo tàng.
 
Dự án Luật lần này tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản có nội dung chưa rõ, chưa tương thích với các bộ luật khác của nước ta và các điều ước quốc tế, nhất là sau khi nước ta gia nhập WTO. Bảo đảm giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, đồng thời tăng cường phân cấp cho các địa phương trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
 
Một số thành viên Chính phủ đề nghị Dự án Luật cần quy định rõ các nguyên tắc, tiêu chí làm bảo tàng; các công trình văn hóa tái tạo; qui định về việc đặt tên đường phố, xã hội hóa, hợp pháp hóa di sản văn hóa và cơ chế phối hợp liên ngành để bảo vệ di sản văn hóa.
 
Thúc đẩy phát triển ngành Viễn thông Việt Nam
 
Các thành viên Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông. Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết: Thị trường viễn thông ngày càng mang tính cạnh tranh cao hơn và có những thay đổi lớn, công nghệ mới được áp dụng nhanh, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, giá cước ngày càng hạ, doanh số ngành viễn thông (năm 2008: trên 90.000 tỷ VNĐ) tăng khoảng 30% năm, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước (năm 2008: trên 11.000  tỷ VNĐ). Đồng thời nhiều doanh nghiệp hạ tầng mạng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đã được cấp phép (tính đến hết năm 2008 đã có 10 doanh nghiệp hạ tầng mạng và hơn 60 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép). Số lượng thuê bao điện thoại, Internet phát triển nhanh chóng (năm 2008: hơn 70 triệu thuê bao điện thoại và hơn 20 triệu người sử dụng Internet).
 
Dự thảo Luật Viễn thông gồm 6 chương, 64 điều nhằm: Phát huy các nguồn lực của đất nước để tăng nhanh năng lực và hiện đại hoá viễn thông; phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại, đồng bộ. Thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh viễn thông; ngăn chặn những hành vi lợi dụng viễn thông gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý viễn thông, chuyển mạnh từ quản lý tiền kiểm sang quản lý hậu kiểm. Đảm bảo hiệu quả công tác thực thi quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, mở rộng hợp tác quốc tế về viễn thông.
 
Các thành viên Chính phủ cũng cho ý kiến về việc ký Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi do Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình; dự án Luật Báo chí sửa đổi do Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp trình.
Chinhphu.vn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)