Theo ông Ngô Đức Thành, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Quản lý vận tải Phương tiện và người lái: Hiện nay Bắc Ninh có 7 cơ sở đào tạo lái xe với lưu lượng hơn 10.000 học viên, 5 trung tâm sát hạch lái xe ô tô. Trung bình mỗi năm có gần 30.000 học viên tham gia các kỳ sát hạch, cấp giấy phép lái xe các loại. Năm 2017 vừa qua, để góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe, Chi bộ Phòng Quản lý vận tải Phương tiện và người lái ban hành Nghị quyết chuyên đề “Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ”. Trong đó, giao từng cán bộ, đảng viên theo dõi, phụ trách quản lý các cơ sở, trung tâm đào tạo lái xe, đôn đốc các cơ sở, đơn vị tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy; thường xuyên tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên dạy lái xe; kiểm tra chuyên môn các khóa đào tạo.
Ngoài ra, Phòng thường xuyên phối hợp với Thanh tra Sở GTVT, Phòng Quản lý dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH) giám sát chặt chẽ việc thi chứng chỉ nghề, tổ chức thi sát hạch nghiêm túc, đúng quy định. Trong các buổi sinh hoạt hàng tháng, Chi bộ kiểm điểm công tác, từng đảng viên được giao phụ trách các cơ sở báo cáo kết quả thực hiện, xác định những tồn tại, hạn chế, bổ sung nội dung, hình thức và phương pháp thực hiện nhằm đạt hiệu quả cao hơn.
Học viên Trường TC Âu Lạc tham gia thi sát hạch lái xe ô tô các hạng B, C.
Sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết chuyên đề, có thể khẳng định chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe của các cơ sở trong tỉnh Bắc Ninh chuyển biến tích cực. Trong đó, Trường Trung cấp (TC) Âu Lạc (huyện Quế Võ) là một trong số các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe triển khai tích cực. Đầu năm 2017, nhà trường đầu tư hơn 12 tỷ đồng mua 18 xe sát hạch mới các hạng B, C, D, E; thời điểm hiện tại, Nhà trường cũng hoàn tất công tác chuẩn bị và bước đầu đầu tư hơn 3 tỷ đồng nâng cấp sân sát hạch lên loại I theo quy chuẩn của Bộ GTVT, dự kiến Quý I/2018 sẽ đưa vào hoạt động.
Xác định chất lượng đào tạo đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo đảm an toàn giao thông không chỉ cho học viên mà còn là trách nhiệm đối với xã hội, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, hằng năm Nhà trường tổ chức đào tạo nâng cao nghiệp vụ, tổ chức sát hạch trình độ giáo viên về lý thuyết, thực hành và kiểm tra kiến thức pháp luật giao thông đường bộ; nâng cao đạo đức, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên trong hướng dẫn nghiệp vụ cho học viên. Trong quá trình học, nhà trường thường xuyên kiểm tra đánh giá, nắm bắt tình hình để kịp thời bổ sung theo chuẩn về kiến thức lý thuyết và thực hành đáp ứng các yêu cầu của các kỳ thi sát hạch.
Cùng với Trường TC Âu Lạc, Trường TC Thuận Thành cũng là cơ sở đào tạo thực hiện tốt Nghị quyết chuyên đề nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe bằng nhiều giải pháp sát thực. Ông Trần Văn Thái, Hiệu phó Trường Trung TC Thuận Thành trao đổi: Với lưu lượng đào tạo 1.780 học viên/thời điểm, bên cạnh việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, kiểm tra trình độ giáo viên và tăng cường công tác quản lý, giám sát công tác đào tạo, Nhà trường còn hết sức chú trọng việc chống tiêu cực trong thi tốt nghiệp chứng chỉ nghề. Đến nay, nhà trường không còn tình trạng tiêu cực trong thi chứng chỉ, tốt nghiệp.
Nhằm bảo đảm cho học viên tham gia thi sát hạch đạt kết quả cao, Nhà trường đáp ứng tối đa nhu cầu thực hành trên xe sát hạch cho học viên, ngoài ra, đội ngũ giáo viên hướng dẫn thực hành cũng được quán triệt nâng cao trách nhiệm trong hướng dẫn học viên. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, Trường TC Thuận Thành đào tạo được gần 4.730 học viên lái xe các hạng, tỷ lệ đỗ sát hạch lần đầu luôn đạt 70%, góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, tăng cường kỹ năng, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.