Năm năm gần đây, ùn tắc giao thông (UTGT) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp chủ yếu do hệ thống đường giao thông quá tải. Mặt khác, nhiều công trình xây dựng hệ thống thoát nước chiếm dụng lòng đường, tạo nên các "lô cốt" trên nhiều trục đường chính làm ảnh hưởng đến việc đi lại
Năm năm gần đây, ùn tắc giao thông (UTGT) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp chủ yếu do hệ thống đường giao thông quá tải. Mặt khác, nhiều công trình xây dựng hệ thống thoát nước chiếm dụng lòng đường, tạo nên các "lô cốt" trên nhiều trục đường chính làm ảnh hưởng đến việc đi lại, khiến ùn tắc trở nên thường xuyên ở nhiều khu vực, nhất là vào các giờ cao điểm. Thời gian ùn tắc có lúc, có nơi diễn ra từ một đến ba giờ.
Mặc dù TP Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện khá nhiều công việc nhằm giải tỏa UTGT, song kết quả chưa cao. Nạn ùn tắc đường liên tục diễn ra khi thời tiết bất thường hoặc vào giờ cao điểm. Trong nhiều nguyên nhân, trước hết vẫn là số lượng người tham gia giao thông và số lượng hành trình đi lại tăng. Tính đến cuối năm 2008, thành phố quản lý hơn 4 triệu phương tiện, trong đó có 3,7 triệu xe mô-tô hai bánh (tăng 9,5% so với đầu năm 2008 và 370.785 ô-tô (tăng 11,9%). Sáu tháng đầu năm 2009 số lượng ô-tô đã tăng thêm 410 nghìn xe. Số phương tiện giao thông cá nhân tại TP Hồ Chí Minh chiếm 1/3 số lượng của cả nước. Ðó là chưa tính 1 triệu xe máy, 60 nghìn xe ô-tô của các tỉnh lân cận và 21 nghìn xe ba bánh các loại cùng tham gia lưu thông hằng ngày tại địa bàn thành phố. Năm 2008, toàn thành phố xảy ra 48 vụ UTGT lớn, kéo dài từ một tiếng đến một tiếng rưỡi, sáu tháng đầu năm 2009 xảy ra 25 vụ UTGT lớn, thời gian kéo dài hơn, trong đó các vụ tắc đường 30 phút đã trở thành "chuyện thường ngày".
Bên cạnh đó, việc phát triển đô thị tập trung quá cao ở khu vực trung tâm thành phố làm mất cân đối lớn giữa quy mô phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Trong khi đó tiến độ di dời các khu công nghiệp, nhà máy, cảng biển, bệnh viện, trường học lớn, bến xe khách liên tỉnh ra khỏi trung tâm thành phố chậm, làm cho một lượng lớn người phải vào sâu trong nội đô. Mặt khác, cơ sở hạ tầng chưa phát triển kịp để đáp ứng nhu cầu giao thông, số lượng hành trình giao thông ngày càng tăng nhanh, mạng lưới giao thông đô thị còn nhiều hạn chế, đường thiếu, chất lượng kém, các giao cắt đồng mức quá nhiều, hệ thống bãi đỗ xe chưa phát triển kịp nhu cầu.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố hiện có 3.583 con đường với tổng chiều dài 3,7 triệu km, diện tích mặt đường có bề rộng nhỏ hơn 7m chiếm 69,3%. Mật độ đường giao thông so với diện tích thành phố chỉ đạt 1,8 km/km2. Công tác tổ chức giao thông tuy có nhiều cố gắng, tiến bộ nhưng vẫn chưa thể giải quyết thực tế hoạt động với mật độ cao của các loại xe mô-tô, xe gắn máy, xe ô-tô trên địa bàn. Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè trong thời gian qua còn nhiều, điển hình là việc đào đường dựng các "lô cốt" trên nhiều trục đường chính kéo dài từ nhiều năm đến nay, làm thu hẹp mặt đường dành cho giao thông, khiến cho tình hình UTGT thêm phức tạp... Vận tải hành khách công cộng tuy phát triển nhưng mới chỉ đáp ứng 7% nhu cầu đi lại của người dân thành phố. Vấn đề kết nối giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía nam với thành phố còn nhiều hạn chế, gặp nhiều khó khăn do mạng lưới đường còn thiếu, việc liên kết làm đường giao thông vẫn theo kiểu mạnh ai nấy lo, công tác bảo trì chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống các đường xuyên tâm và đường vành đai đã được quy hoạch nhưng chưa được đầu tư xây dựng hoặc chưa hoàn thành hoặc đang nằm trên dự án. Phần lớn các nút giao thông trên địa bàn là giao cắt đồng mức, năng lực thông xe rất thấp, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao. Hơn nữa do hệ thống đường vành đai chưa hoàn chỉnh nên các luồng giao thông quá cảnh hiện nay vẫn đi xuyên qua khu vực nội đô làm gia tăng mật độ giao thông đô thị trên địa bàn. Tuyến đường sắt quốc gia nằm tại ga Hòa Hưng (quận 3) tạo giao cắt đồng mức với 14 tuyến đường nội đô khiến nội đô quận 3 luôn tắc nghẽn.
Tình trạng ngập nước do triều cường cũng là một trong những yếu tố làm tăng thêm việc UTGT trên địa bàn.
Ðể từng bước khắc phục tình trạng UTGT, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 94 "Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị" (QHGT) nhằm giảm UTGT có tính đến đặc thù riêng của thành phố.
Ðến nay, thành phố đã triển khai lồng ghép QHGT vào đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đến năm 2025, đồng thời chỉ đạo các sở chức năng phối hợp các bộ: Kế hoạch và Ðầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, các nhà đầu tư, công ty tư vấn triển khai thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng giao thông theo QHGT, ưu tiên cho các dự án thuộc mạng lưới đường sá cơ sở, phát triển các trục đường chính nội đô, đường kết nối đến các cảng biển, các công trình đầu mối giao thông liên vùng (bến xe, sân bay...) các trung tâm hành chính, thương mại, khu công nghiệp, khu đô thị...
Trên cơ sở QHGT, thành phố đang từng bước hoàn thiện quy hoạch xây dựng các bến bãi đỗ xe và các chính sách đầu tư bao gồm Quy hoạch sử dụng không gian ngầm mạng lưới các bãi chứa, nhà để xe ô-tô nhiều tầng; phát triển vận tải hành khách công cộng; hệ thống bến xe khách; bến bãi, vận tải hàng hoá; hệ thống ta-xi... cũng như thành lập các đơn vị kinh doanh khai thác các khu vực trên.
Tuy nhiên, việc giải quyết UTGT ở một thành phố mà kết cấu đô thị được xây dựng trước năm 1975 cho một đô thị không đông dân (khoảng ba triệu người) nay lên 7 triệu người, chưa tính các phương tiện giao thông cá nhân, xe buýt, xe vận tải... đang là bài toán khó với các ngành, các cấp của thành phố. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Trung Tín, trước mắt, thành phố đang khẩn trương khảo sát, điều chỉnh phân luồng giao thông một chiều trên các tuyến đường, khu vực thường xuyên xảy ra UTGT, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cải tạo kích thước hình học của các giao lộ để tăng cường bảo đảm an toàn giao thông (các vòng xoay Cây Gõ, Công trường Dân chủ, Ngã Sáu Phù Ðổng, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ). Quản lý điều tiết giao thông tại những khu vực đoạn đường có rào chắn công trường thi công, bảo đảm diện tích mặt đường bị chiếm dụng hợp lý, tập trung giải quyết các điểm đen, đoạn đường đen về tai nạn giao thông phát sinh trong năm 2009. Tiếp tục rà soát, bố trí lại các trạm dừng, nhà chờ xe buýt cho phù hợp. Tạm thời điều chỉnh các luồng, tuyến xe buýt tránh đi qua các đoạn đường có công trường rào chắn. Ðầu tư đổi mới phương tiện và hệ thống cơ sở hạ tầng cho hoạt động xe buýt, tăng cường quản lý điều hành, giáo dục đạo đức nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ. Tích cực vận động người dân thành phố sử dụng xe buýt. Trước mắt, vận động các trường phổ thông hợp đồng xe đưa đón ít nhất 20% tổng số học sinh trong năm học 2009-2010. Ðẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án, nhất là các dự án trọng điểm đầu tư hạ tầng giao thông, thoát nước chống ngập. Rà soát điều hòa vốn cho các công trình trọng điểm, cấp bách, các dự án bảo đảm tiến độ, có khối lượng nghiệm thu trong năm 2009. Tập trung các nguồn lực đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm như dự án vệ sinh môi trường thành phố - lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tiểu dự án nâng cấp đô thị lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm, đại lộ Ðông Tây thành phố, cầu Phú Mỹ và các dự án đường kết nối, TL 10, liên TL 25B, cầu Phú Long, cầu Thủ Thiêm (giai đoạn 2), xa lộ Hà Nội, đường Bắc - Nam thành phố. Ðồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người tham gia giao thông. Chấn chỉnh trật tự đô thị và khẩn trương khảo sát, điều chỉnh phân luồng giao thông một chiều trên các tuyến đường, khu vực thường xuyên xảy ra UTGT. Thực hiện nghiêm việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Theo Báo Nhân Dân