Giải bài toàn giao thông đô thị quá tải: Phân phối đường ngẫu nhiên

Thứ năm, 20/08/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Rõ ràng nguyên nhân gốc rễ, sâu xa của việc ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM không hề khó hiểu với tất cả mọi người. Quá nhiều phương tiện giao thông trong khi quá ít đường thì ùn tắc là lẽ đương nhiên. Vấn đề là làm thế nào để có được những giải pháp tình thế giải quyết tạm thời ách tắc này, để về lâu dài cung cấp đủ đường cho xe là sẽ ổn.

Xem ra chỉ có một cách tạm thời giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông tại 2 thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TPHCM, đó là phân phối đường ngẫu nhiên.

Cung không kịp cầu

Rõ ràng nguyên nhân gốc rễ, sâu xa của việc ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM không hề khó hiểu với tất cả mọi người. Quá nhiều phương tiện giao thông trong khi quá ít đường thì ùn tắc là lẽ đương nhiên. Vấn đề là làm thế nào để có được những giải pháp tình thế giải quyết tạm thời ách tắc này, để về lâu dài cung cấp đủ đường cho xe là sẽ ổn. Đã đến lúc phải phân phối đường. Tuy nhiên phân phối cách nào để phù hợp vừa hiệu quả vừa công bằng, không gây thêm phức tạp lại là một ẩn số không dễ tìm ra.

Các nhà quản lý cũng đã đề xuất nhiều biện pháp cụ thể để hạn chế lưu lượng xe, chống ùn tắc. Như TPHCM mới đây đã đề xuất thu phí lưu hành phương tiện với ôtô, xe máy hoặc thu phí giao thông giờ cao điểm. Chính phủ đã chấp thuận cho Bộ Tài chính nghiên cứu về tính khả thi của đề án này.

Mới đây, Bộ GTVT đã đề xuất tăng nặng mức phạt vi phạm giao thông tại hai thành phố lớn lên gấp đôi với mong muốn "đòn đau nhớ đời" sẽ là cú hích nâng ý thức chấp hành Luật Giao thông của các cư dân hai đô thị này, góp phần cải thiện tình trạng ùn tắc.

Ngoài ra, cảnh sát giao thông cũng nỗ lực cày đi xới lại các phương án phân luồng tại các địa điểm ùn tắc thường xuyên để mong cải thiện tình hình, nhưng xem ra kết quả chẳng được là bao.

Phân phối ngẫu nhiên

Về những đề xuất trên của TPHCM, xem ra tính khả thi không cao vì thực tế nếu phải đóng thêm vài chục nghìn một tháng đối với xe máy và vài trăm nghìn với ôtô thì chắc chắn không ai chịu bỏ xe. Có lẽ mức thu phải rất cao thì người ta mới tính toán cân nhắc lợi ích.
 
Thêm nữa, lại nảy sinh vấn đề thu phí vào giờ cao điểm thế nào để không phình thêm bộ máy, khiến "hơn chẳng bõ hao". Rồi việc hễ có "xin cho" là sẽ có tiêu cực xét duyệt. Các chủ xe đã phải chịu đủ loại thuế và lệ phí cao rồi, khó lòng mà chịu được việc tăng thêm nữa.

Biện pháp tăng mức phạt gấp đôi của Bộ GTVT đề xuất cũng bị Bộ Tư pháp bác bỏ, vì vô tình đã phân biệt đối xử với người dân về địa điểm, địa lý. Còn cách phân luồng tạm thời bằng kiểu nắn dòng giảm bớt giao cắt cũng không giải quyết triệt để ùn tắc.

Nên chăng, hãy chọn những cách phân phối đường hết sức ngẫu nhiên như các nước phát triển đã làm. Trước đây, dư luận đã lên tiếng phản bác đề xuất "xe số chẵn đi ngày chẵn và xe số lẻ đi ngày lẻ" vì cho là ngớ ngẩn. Song thực tế, đó lại là cách phân phối ngẫu nhiên và công bằng nhất.

Mục đích cuối cùng là giảm mật độ giao thông. Quy định này sẽ làm mật độ giao thông giảm ngay lập tức. Người dân có thể tự lựa chọn cách đi lại phù hợp với hoàn cảnh. Nước Mỹ cũng đưa ra những quy định giảm mật độ giao thông, nghe qua thì hết sức phi lý, như có những đoạn đường không cho một người đi trên một ôtô, mà bắt buộc phải có từ hai người trở lên. Đây là một cách cưỡng bức giảm mật độ xe, vì rất nhiều người sẽ phải tìm cách đi ghép xe. Đây cũng là một quy định giảm mật độ hiệu quả, phân phối hết sức ngẫu nhiên.

Việc quy định xe số chẵn đi ngày chẵn, xe số lẻ đi ngày lẻ cũng đã được áp dụng tại một trường học của Pháp để giảm bớt mật độ ngẫu nhiên. Các cha mẹ học sinh đã tìm ra những cách thức đưa đón con bằng phương tiện khác hay đi ghép xe theo ngày chẵn lẻ. Và mật độ xe đã giảm đi, giải quyết được ùn tắc.

Tất nhiên, đây cũng chỉ là những quy định tạm thời để đối phó với nạn ùn tắc đã lên đến đỉnh điểm. Về lâu dài, giải pháp vẫn phải là cân đối được cung cầu giữa đường và xe mới mong giải quyết triệt để ùn tắc.

Bộ GTVT: Sẽ rút đề xuất tăng gấp đôi mức phạt vi phạm giao thông ở Hà Nội, TPHCM

Ngày 19.8 đại diện Vụ Pháp chế - Bộ GTVT cho báo giới biết, Bộ GTVT đã tiếp thu, rút quy định về tăng gấp đôi lệ phí xử phạt đối với người vi phạm giao thông ở Hà Nội và TPHCM ra khỏi dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đây cũng là đề xuất của đại diện hai TP trong cuộc góp ý kiến cho dự thảo mới đây. Tuy nhiên sau khi gửi Bộ Tư pháp có ý kiến, Bộ GTVT đã tiếp thu và bỏ ngay đề xuất này. Cũng ngày hôm nay, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng sẽ ký văn bản để trình Chính phủ về nghị định trên. 

Theo Báo Lao Động

Bích Liên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)