Đề án đầu tư thay thế xe buýt 12 chỗ tại TPHCM : Toa thuốc trị được nhiều bệnh?

Thứ sáu, 10/10/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Trong bối cảnh mạng lưới luồng tuyến xe buýt tại TPHCM còn nhiều bất hợp lý (đường nhỏ, xe lớn), nạn ùn tắc giao thông gia tăng, đặc biệt, “số phận” của 758 xe buýt loại 12 chỗ chưa biết sẽ ra sao… nên đề án đầu tư thay thế xe buýt 12 chỗ hứa hẹn sẽ góp phần giải quyết được các vấn đề trên. Tuy nhiên, tại hội thảo góp ý cho đề án “Đầu tư thay thế xe buýt 12 chỗ giai đoạn 2009 - 2010” do Sở GTVT tổ chức ngày 9-10, một số doanh nghiệp, HTX vận tải vẫn bày tỏ e ngại.

Trong bối cảnh mạng lưới luồng tuyến xe buýt tại TPHCM còn nhiều bất hợp lý (đường nhỏ, xe lớn), nạn ùn tắc giao thông gia tăng, đặc biệt, “số phận” của 758 xe buýt loại 12 chỗ chưa biết sẽ ra sao… nên đề án đầu tư thay thế xe buýt 12 chỗ hứa hẹn sẽ góp phần giải quyết được các vấn đề trên. Tuy nhiên, tại hội thảo góp ý cho đề án “Đầu tư thay thế xe buýt 12 chỗ giai đoạn 2009 - 2010” do Sở GTVT tổ chức ngày 9-10, một số doanh nghiệp, HTX vận tải vẫn bày tỏ e ngại.

Không giẫm lên vết xe đổ

Xe buýt cỡ lớn vẫn tiện lợi ở các tuyến chính, đông khách. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ông Đỗ Tiến Lực, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO), nhìn nhận: Đề án phát triển 1.318 xe buýt trước đây đầu tư hầu hết là xe loại lớn, trong khi đường sá phần lớn đều chật hẹp. Có những tuyến đường hẹp hoặc ở khu vực trung tâm của TP nhưng lại bố trí xe buýt loại lớn nên chiếm diện tích đường nhiều.

Giờ cao điểm khách đi đông nhưng bình thường xe rất ít khách. Trong khi đó, việc mở rộng đường sá trong khu vực nội thành là khó có thể vì chi phí đền bù giải tỏa quá cao (trừ 1 - 2 trục đường lớn như Nam Kỳ Khởi Nghĩa buộc phải mở rộng để phục vụ quan hệ quốc tế). Khi đường kẹt mà bố trí xe buýt to lại càng thêm kẹt.

Thực tế này, trước đây khi còn công tác tại Sở GTCC (nay là Sở GTVT) lãnh đạo sở đã từng khảo sát mạng lưới luồng tuyến xe buýt và đã tính đến chuyện điều chỉnh theo hướng: đường nhỏ - xe nhỏ, đường lớn - xe lớn, đường nhánh, xương cá thì bố trí loại xe 12 chỗ. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được thực hiện quyết liệt! Ngoài ra, có những tuyến đông khách nên loại xe 12 chỗ không thể đáp ứng nổi. Ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Vận tải công nghiệp Sở GTVT, nói thêm: Trường hợp Chính phủ có đồng ý kiến nghị của Bộ GTVT cho phép TPHCM được gia hạn tiếp tục lưu hành loại xe buýt 12 chỗ cho đến hết niên hạn sử dụng thì cuối cùng loại xe này cũng phải thay thế để phù hợp với quy định chung.

Việc thay thế xe 12 chỗ là tất yếu. “Do đó, đề án đầu tư thay thế xe buýt 12 chỗ không chỉ là thay thế chủng loại xe cho phù hợp với quy định của Chính phủ mà còn điều chỉnh, phát triển mạng lưới xe buýt của TP cho hoàn chỉnh để người dân đi lại thuận lợi, thực hiện được cuộc vận động người dân đi xe buýt của thành phố. Qua đó, phần nào giải quyết được tình trạng kẹt xe của TP hiện nay” - ông Lực nói. Trong thời gian tới, việc phát triển xe buýt loại lớn sẽ được tính toán kỹ hơn để không giẫm lên vết xe đổ!

Mức hỗ trợ đầu tư như thế nào là hợp lý?

Xe buýt 12 chỗ được nhiều người chọn đi vì nhanh, gọn. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Theo trình bày của ông Lê Trung Tính, trong năm 2009 và 2010 ước tính đầu tư 352 xe buýt thay xe 12 chỗ hiện nay, trong đó có 300 xe B40 (40 ghế) và 52 xe B55 (55 ghế). Đề án tham khảo giá xe buýt hiệu SAMCO là xe B40 trị giá 685 triệu đồng/xe và 715 triệu đồng/xe loại B47.

Tổng mức đầu tư cho 352 xe buýt 242,680 tỷ đồng (năm 2009 121,25 tỷ đồng và năm 2010 121,43 tỷ đồng). Về cơ chế hỗ trợ, ông Tính cũng nêu ra 4 phương án để các HTX xem xét góp ý. Ông Nguyễn Tấn Tạo, Trưởng chi nhánh HTX vận tải hành khách – hàng hóa và du lịch số 15, cho rằng: Việc Sở GTVT đưa ra đề án đầu tư thay thế xe 12 chỗ trong thời điểm này là phù hợp vì theo quy định của Chính phủ, chỉ còn 3 tháng nữa là xe 12 chỗ sẽ không còn được lưu hành. Giá xe buýt đưa ra cũng không tăng đáng kể so với thời điểm năm 2007.

Nhiều ngân hàng cũng ủng hộ doanh nghiệp vay tiền đầu tư xe buýt vì mức độ rủi ro cho ngân hàng rất thấp nên việc thay đổi xe 12 chỗ lên xe 40 và 55 chỗ là khả thi và hiệu quả. Tuy nhiên, đề án nên xin chủ trương TP cho phép kéo dài thời gian vay ngân hàng đến 10 năm vì lãi suất hiện nay của ngân hàng khá cao. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thảo, Chủ nhiệm HTX vận tải số 15, lại cho rằng: Nếu mức đầu tư ban đầu trong việc thay đổi xe 12 chỗ quá cao (trên 200 triệu đồng/xe) thì xã viên rất “ngán”. Chưa kể, khi thay xe 12 chỗ lên buýt 40 hay 55 chỗ chắc chắn nhiều xã viên sẽ rất e ngại vì họ phải thi nâng hạng bằng lái, thêm phụ xe, tiếp viên… trong khi với hoạt động xe 12 chỗ thì mỗi xe chỉ cần 1 tài xế đảm nhận được tất cả mọi việc. Trong phương án nên đề nghị nhà nước có những chính sách ưu đãi về thuế sản xuất xe ô tô buýt để giá thành xe buýt giảm bớt vì nếu nhà nước tính thuế sản xuất xe buýt cũng bằng như các loại ô tô khác thì rất khó.

Ông Lê Hải Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM, góp ý chung cho đề án: Đề án thay thế xe 12 chỗ nên là sân chơi bình đẳng và không mang tính ép buộc. Rút kinh nghiệm từ đề án phát triển 1.318 xe buýt trước đây, đề án đầu tư thay thế xe buýt 12 chỗ lần này không nên ấn định trước số lượng xe phải đầu tư mà chỉ xin chủ trương và các chính sách ưu đãi đầu tư.

Qua đó, sau khi khảo sát lại luồng tuyến, nếu xã viên nào thấy cần thiết thay xe thì đầu tư vì nếu Chính phủ đồng ý cho TPHCM được gia hạn tiếp tục sử dụng xe 12 chỗ hoạt động vận tải khách thì đến năm 2018 loại xe này mới hết niên hạn sử dụng. Ngoài ra, chính sách đầu tư của nhà nước đối với đề án này phải đảm bảo an toàn và ổn định để doanh nghiệp vận tải yên tâm đầu tư. Để xã viên có điều kiện thay xe, có ý kiến cho rằng phía SAMCO nên thu mua lại xe 12 chỗ của xã viên để hoán cải thành xe chở hàng cung cấp cho các siêu thị, chở rác mà hiện TP đang rất cần, đặc biệt là khi xe 3 bánh không còn được lưu hành trong khu vực nội thành TPHCM.

 theo SGGP

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)