Hà Nội: Cao điểm tuyên truyền ATGT
Sở Thông tin và Truyền thông vừa phối hợp với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Hà Nội triển khai Kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP và quy định quản lý hè phố, lòng đường.
Sở Thông tin và Truyền thông vừa phối hợp với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Hà Nội triển khai Kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP và quy định quản lý hè phố, lòng đường.
Ông Phạm Quốc Bản - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết: "Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP và sau hơn 1 tháng thực hiện quyết định cấm bán hàng rong; cấm để xe trên vỉa hè tại một số quận nội thành Hà Nội, tình hình trật tự ATGT, văn minh đô thị đã có những chuyển biến.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số quận, huyện, tuyến phố chưa tích cực vào cuộc thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT và văn minh đô thị. Vì vậy, trong năm 2008, Tp. Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của Chính phủ và UBND thành phố về trật tự ATGT và văn minh đô thị".
Theo kế hoạch, đợt cao điểm này tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật GTĐB; một số giải pháp cấp bách, quy định nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông của UBND thành phố.
Việc tuyên truyền sẽ được tập trung trên cả hai phương diện. Đó là kịp thời biểu dương những cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời phê phán mạnh mẽ các trường hợp vi phạm và những địa phương, tổ chức để tình trạng vi phạm tồn tại trên địa bàn.
Việc thông tin, tuyên truyền phải được triển khai thường xuyên, liên tục, kết hợp đồng bộ các giải pháp và đa dạng phương thức với nội dung cụ thể để người dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và cơ quan chức năng dễ kiểm tra, giám sát...
UBND Tp. Hà Nội xác định công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật ATGT và văn minh đô thị sẽ tập trung vào hai phương thức chính.
Thứ nhất, các cấp uỷ Đảng, chính quyền phải chỉ đạo các ngành và trực tiếp tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thông qua các hình thức sinh hoạt chi bộ; sinh hoạt chuyên đề; họp tổ dân phố; CLB và qua các hoạt động của tổ chức đoàn thể xã hội.
Thứ hai, các cơ quan thông tin đại chúng, nhất là các cơ quan báo chí của Thủ đô cần thêm chuyên mục ATGT và văn minh đô thị, tăng cường phóng viên, bám sát địa phương, cơ sở (trọng điểm là các phường thuộc 9 quận có tuyến phố cấm bán hàng rong, cấm để xe trên vỉa hè)...
Bên cạnh đó, UBND Tp. Hà Nội còn yêu cầu tất cả các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương cần chủ động cung cấp các thông tin cần thiết để phục vụ công tác tuyên truyền trật tự ATGT cũng như văn minh đô thị. Riêng đối với Tp. Hà Đông, Sơn Tây cần đẩy mạnh hình thức tuyên truyền trực quan như: băng zôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi, diễu hành cổ động, áp phích... UBND Tp. Hà Nội còn cho phép hai địa phương này chủ động xác định một số tuyến phố trọng điểm thực hiện thí điểm cấm bán hàng rong, văn minh thương mại.
Ngoài ra, kế hoạch còn nêu rõ, Trung tâm Thông tin - Triển lãm Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh tài liệu tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP và Quyết định 02/2008/QĐ-UBND, Quyết định 20/2008/QĐ-UBND của UBND Tp. Hà Nội để mỗi người dân nâng được cao nhận thức hơn nữa, tạo sự chuyển biến tích cực, đồng thuận trong việc thực hiện pháp luật ATGT và văn minh đô thị.
Theo ông Phạm Quốc Bản, trong đợt ra quân thông tin, tuyên truyền ATGT và văn minh đô thị này, nếu người nào, địa phương nào cố tình "né" trách nhiệm, nhất là làm không nghiêm túc, không sát sao trong cả chỉ đạo lẫn thực hiện sẽ bị xử lý kỷ luật nghiêm.
Theo Bạn đường
toan