Là một trong những đô thị có quy mô lớn và đông dân, nhưng hệ thống giao thông ở TP Hồ Chí Minh đang nảy sinh nhiều bất cập. Cũng bởi vậy mà vấn đề an toàn giao thông luôn là mối quan tâm thường xuyên hằng ngày của người dân và lãnh đạo nơi đây
Gần mười năm qua, TP Hồ Chí Minh đã đưa vấn đề an toàn giao thông (ATGT) vào chương trình nghị sự hàng đầu, riêng nhiệm vụ "chống kẹt xe nội thị" được coi là một trong mười giải pháp trọng điểm của thành phố. Hàng trăm tuyến đường và nút giao thông đã và đang được mở rộng, nâng cấp và xây mới như Ðiện Biên Phủ, Ðinh Tiên Hoàng, Cộng Hòa, Trường Chinh, Nguyễn Hữu Cảnh, Kinh Dương Vương, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Linh, Hàng Xanh, Phú Lâm, đại lộ Ðông Tây, v.v. Một hệ thống cầu hiện đại đã xuất hiện như Bình Triệu 2, Ông Lãnh, Kinh Tẻ, Tân Thuận 2, Thủ Thiêm, BOT Phú Mỹ... mở ra nhiều hướng giao thông mới cho thành phố.
Lực lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã có những bước tiến đáng kể. Hơn 3.200 xe buýt các loại hoạt động liên tục trên hầu hết các tuyến đường, mỗi ngày thu hút khoảng 1,2 triệu lượt khách. Giờ đây, sử dụng xe buýt để đi lại đã trở thành thói quen và sở thích của một bộ phận không nhỏ người dân thành phố.
Tuy nhiên, hiệu quả của những nỗ lực này bị hạn chế bởi sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện giao thông. Nếu như năm 2000, toàn thành phố có khoảng 1,9 triệu xe gắn máy và xe mô-tô thì đến tháng 7-2008 đã có 3,6 triệu xe gắn máy, mô-tô và hơn 360 nghìn xe ô-tô, tăng gần hai lần so với tám năm trước đây.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày có 120 xe ô-tô và 1.050 xe mô-tô, gắn máy được cấp đăng ký mới. Vì thế, mặc dù đường sá có được mở rộng hơn nhưng mật độ mạng lưới giao thông bình quân trên 1 km2 ở đây vẫn chưa vượt qua con số 0,8 km, thấp hơn năm lần tiêu chuẩn bảo đảm giao thông thông suốt.
Không những thế trong vài năm qua, đặc biệt là năm 2008, trên nhiều tuyến giao thông trọng yếu của thành phố, xuất hiện hàng loạt công trường đào đường để xây đường ống cấp nước, thoát nước thuộc nhiều dự án khác nhau, như "Dự án vệ sinh môi trường", "Dự án đại lộ Ðông Tây và môi trường nước"... ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông của các phương tiện giao thông.
Tại thời điểm này, toàn thành phố có tới gần 200 điểm rào chắn chiếm dụng mặt đường để thi công trên gần 80 tuyến đường. Ðây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông dây chuyền có xu hướng ngày càng tăng về số lượng và trầm trọng hơn về quy mô và thời gian kẹt xe.
Ðiển hình là vào chiều 1-8-2008, đúng vào ngày xảy ra hiện tượng nhật thực, sau một cơn mưa kéo dài hơn hai giờ làm việc, hầu hết các tuyến đường bị ngập nặng, hàng trăm vụ kẹt xe đã xảy ra trên nhiều khu vực trong thành phố và kéo dài từ ba đến bốn giờ.
Và mới đây, vào chiều 5-9, đầu Tháng an toàn giao thông, một vụ kẹt xe kéo dài ba giờ xảy ra tại giao lộ Lý Chính Thắng - Hai Bà Trưng - Trần Quang Khải đã kéo theo các vụ kẹt xe khác trên những con đường trong khu vực như Nguyễn Văn Mai, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Ðiện Biên Phủ, Nguyễn Thượng Hiền, Ðinh Tiên Hoàng, Cách Mạng Tháng Tám, Võ Thị Sáu, Ba Tháng Hai... Theo thống kê chưa đầy đủ, trong tám tháng đầu năm 2008, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã xảy ra 25 vụ ùn tắc giao thông lớn kéo dài hơn nửa giờ, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tượng "kẹt xe - mở đường - kẹt xe" lặp đi lặp lại như một vòng xoáy trôn ốc càng về sau càng dày hơn, phạm vi rộng hơn.
Coi việc giữ gìn TTATGT là trách nhiệm của mỗi người, từ nhiều năm nay TP Hồ Chí Minh luôn là một trong những địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng.
Hàng loạt biện pháp được triển khai rộng khắp như phát tài liệu, tổ chức các hội thi, thường xuyên kiểm tra công tác ATGT trên địa bàn các quận, huyện, phối hợp với Sở Giáo dục - Ðào tạo phát động phong trào giữ gìn TTATGT trong các trường học...
Phòng cảnh sát giao thông đường bộ và các đội cảnh sát giao thông thuộc 24 quận huyện phối hợp với lực lượng cảnh sát cơ động, thanh niên xung phong và dân quân tự vệ tăng cường công tác trực chốt, điều khiển giao thông, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm về TTATGT, đặc biệt là hành vi không đội mũ bảo hiểm.
Cảnh sát giao thông đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời hầu hết những trường hợp tụ tập, phóng xe lạng lách trên đường. Nhờ đó, tình trạng đua xe trái phép rất ít xảy ra. Trong tám tháng đầu năm, các lực lượng chức năng thành phố đã xử phạt hơn 700.000 trường hợp vi phạm các loại với tổng số tiền lên đến hơn 130 tỷ đồng.
Mặc dù tai nạn giao thông trong tám tháng qua vẫn còn khá cao (742 vụ làm chết 637 người, làm bị thương 148 người) nhưng so với cùng kỳ năm ngoái đã giảm 174 vụ, giảm 102 người chết và giảm 192 người bị thương. Số vụ tai nạn giao thông hầu hết xảy ra ở đường bộ và đối với xe gắn máy.
Theo thống kê của Ban ATGT TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ tai nạn xảy ra đối với xe gắn máy trong tổng số các phương tiện lên tới gần 66%; số người chết ở đây chiếm hơn 66%, số người bị thương chiếm gần 75%. Phân tích nguyên nhân cho thấy, hơn 20% là do các phương tiện lưu thông không đúng phần đường quy định, 15% do chạy quá tốc độ, 15% do tránh vượt và đổi hướng lưu thông không đúng quy định. Các tuyến đường thường xảy ra TNGT là ở nội thành (39%) và đường quốc lộ (24%). Nghĩa là ở những nơi có lượng phương tiện vận tải lưu thông nhiều.
Cũng theo các số liệu thống kê thì TNGT xảy ra nhiều ở các lứa tuổi 19 đến 24 (hơn 22%) và 25 đến 30 (hơn 19%). Vì thế muốn giảm TNGT và giảm số người chết do TNGT, trước hết phải tập trung vào phương tiện xe gắn máy, trên các tuyến đường nội thành, quốc lộ và người sử dụng xe gắn máy ở độ tuổi từ 19 đến 30.
Căn cứ thực trạng giao thông ở TP Hồ Chí Minh hiện nay, các ngành chức năng đang tăng cường kiểm tra tiến độ thi công hệ thống công trình có rào chắn chiếm mặt đường cũng như tình trạng an toàn của hệ thống rào chắn, chất lượng tái lập mặt đường; kiên quyết xử lý nghiêm các chủ đầu tư và các đơn vị thi công chậm tiến độ hoặc vi phạm quy chế thi công trong đô thị; nếu cần phải bắt buộc gia cố rào chắn không an toàn, tái lập mặt đường nhanh chóng và chất lượng.
Cùng đó, tổ chức lại giao thông các tuyến đường, khu vực thường xuyên ùn tắc giao thông và các khu vực có nhiều dự án hạ tầng lớn đang triển khai thi công. Sớm khắc phục những khiếm khuyết hư hỏng của hệ thống cầu - đường, đèn tín hiệu giao thông, đèn chiếu sáng công cộng, biển báo giao thông, dải phân cách...
Ðặc biệt, phải có lực lượng và phương án giải tỏa ùn tắc giao thông ở những nơi thường xảy ra tình trạng này, nhất là vào những giờ cao điểm, xử lý sớm việc ùn tắc không để tình hình trở nên nghiêm trọng.
Mặt khác, tổ chức lại luồng tuyến xe buýt cho hợp lý tránh trùng lắp; lực lượng CSGT phải thường xuyên tuần tra cơ động trên các tuyến đường thường xảy ra tai nạn giao thông để cảnh báo, nhắc nhở người điều khiển phương tiện, đồng thời xử lý kịp thời các vụ tai nạn xảy ra, tránh ùn tắc giao thông.
Theo Nhân Dân