UBND TP.HCM vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải về chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe 3-4 bánh tự chế. Theo đó, người nghèo (sử dụng xe 3-4 bánh tự chế) được hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ ban đầu…
Cụ thể: mức hỗ trợ đào tạo nghề tối đa không quá 3,6 triệu đồng/người/khóa đối với đào tạo trung cấp và sơ cấp, kể cả đào tạo lái xe hoặc chuyển đổi hạng của bằng lái xe để chuyển đổi nghề. Hỗ trợ ban đầu (không hoàn lại) với mức 7 triệu đồng/hộ nghèo có sử dụng xe 3-4 bánh.
Trường hợp hộ nghèo có nhu cầu vốn lớn hơn mức hỗ trợ ban đầu để sản xuất kinh doanh sẽ được vay vốn bổ sung từ quỹ xóa đói giảm nghèo hoặc vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời được hỗ trợ bù lãi suất trong thời gian ba năm. Ngoài ra, TP sẽ hỗ trợ 100 môtô hai bánh để làm phương tiện sinh sống cho 100 hộ nghèo khó khăn có thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng/người/năm trở xuống.
Đối với hộ nghèo có mã số (hộ khẩu KT1, KT2, KT3) được hỗ trợ vay vốn tối đa không quá 50 triệu đồng/hộ (từ nguồn quỹ xóa đói giảm nghèo). Hộ nghèo có thành viên đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được vay vốn từ chương trình xuất khẩu lao động của Ngân hàng Chính sách xã hội với mức vay tối đa không quá 30 triệu đồng/hộ. Mức hỗ trợ lãi vay: hộ nghèo vay vốn từ quỹ xóa đói giảm nghèo được hỗ trợ lãi vay 4%/năm trên số dư nợ thực tế; phần chênh lệch với lãi suất thực vay hộ nghèo tự trả 2%/năm; thời gian hỗ trợ lãi vay là ba năm.
Tương tự, với các hộ vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội được ngân sách TP hỗ trợ lãi vay với mức 5,8%/năm trên số dư nợ thực tế; phần chênh lệch với lãi suất thực vay hộ tự trả là 2%/năm; thời gian hỗ trợ lãi vay là ba năm.
Theo thống kê, ở TP.HCM xe thô sơ bị đình chỉ lưu hành theo quy định là trên 14.000 chiếc, xe cơ giới trên 7.000 chiếc, xe ba bánh có đăng ký và có biển số bị hạn chế lưu thông trên 1.000 chiếc.
nguồn banduong.vn