Hải Phòng: Cảnh báo xe công-ten-nơ gây tai nạn giao thông

Thứ hai, 09/03/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an TP Hải Phòng, hiện nay toàn thành phố có 3.923 xe công-ten-nơ cùng với 3.979 rơ-moóc, nhiều nhất cả nước. Hàng hóa thông qua cảng tăng nhanh, trong đó hơn 70% lượng hàng được vận chuyển bằng đường bộ và phương tiện chủ yếu là xe công-ten-nơ. Trong khi đó hệ thống giao thông tĩnh tại Hải Phòng chưa có quy hoạch tổng thể, ùn tắc giao thông cục bộ xảy ra ở một số nơi, đặc biệt nút giao thông ngã ba Ðình Vũ thường xuyên ùn tắc vào chiều tối, khi  xe công-ten-nơ kết thúc giờ lấy hàng và tập trung ra đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Vào thời điểm này, luôn phải có tám CSGT túc trực điều tiết, phân luồng.
Thời gian qua, liên tiếp các vụ tai nạn giao thông (TNGT), ách tắc  xảy ra trên nhiều tuyến đường mà thủ phạm là xe công-ten-nơ. Nguyên nhân gây  TNGT chủ yếu vẫn do ý thức của lái xe và đặc thù của loại xe cồng kềnh khi lưu thông trong điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập.

 
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an TP Hải Phòng, hiện nay toàn thành phố có 3.923 xe công-ten-nơ cùng với 3.979 rơ-moóc, nhiều nhất cả nước. Hàng hóa thông qua cảng tăng nhanh, trong đó hơn 70% lượng hàng được vận chuyển bằng đường bộ và phương tiện chủ yếu là xe công-ten-nơ. Trong khi đó hệ thống giao thông tĩnh tại Hải Phòng chưa có quy hoạch tổng thể, ùn tắc giao thông cục bộ xảy ra ở một số nơi, đặc biệt nút giao thông ngã ba Ðình Vũ thường xuyên ùn tắc vào chiều tối, khi  xe công-ten-nơ kết thúc giờ lấy hàng và tập trung ra đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Vào thời điểm này, luôn phải có tám CSGT túc trực điều tiết, phân luồng.

 
Tại Quảng Ninh, số xe công-ten-nơ lưu thông qua địa bàn tỉnh tăng đột biến, trung bình gần 700 lượt xe/ngày đêm, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được, nhất là tuyến quốc lộ 18A đoạn thuộc miền Ðông (Quảng Ninh) từ Cửa Ông (Cẩm Phả) đến TP Móng Cái. Trên các tuyến quốc lộ cũng rất thiếu các bãi đỗ tĩnh dành riêng cho xe công-ten-nơ.

 
Hầu hết lái xe công-ten-nơ còn trẻ nên thiếu kinh nghiệm, ý thức chấp hành Luật Giao thông lại kém. Các cơ sở đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ ít đầu xe công-ten-nơ để học viên luyện tay lái vì loại xe này đắt tiền, mặt khác giáo viên đủ trình độ dạy lái xe công-ten-nơ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trường hợp lái xe vi phạm Luật Giao thông ngày càng  gia tăng, cá biệt còn biểu hiện sử dụng ma túy. Trạm thu phí giao thông cầu Ba Chẽ cho biết, trong quá trình xếp xe chờ mua vé qua cầu, nhiều lái, phụ xe công-ten-nơ vứt bơm kim tiêm ra ngoài lề đường. Ða số xe công-ten-nơ thường chạy ban đêm, khi đó việc tuần tra kiểm soát giao thông và bắn tốc độ khó khăn hơn ban ngày. Lượng hàng về nhiều, trong khi số xe có hạn, nên lái xe phóng nhanh, vượt ẩu để quay vòng nhanh, tăng chuyến sinh lời. Nhiều tài xế chạy xe đường dài với cường độ cao, thiếu ngủ, không đủ sức khỏe đã gây tai nạn. Tâm lý của một số lái xe khi xảy ra tình huống nguy hiểm, cốt giữ hàng hóa trị giá hơn là mạng người vì nếu để xe đổ, hàng hỏng, lái xe bán cả gia tài cũng không đủ đền chủ hàng. Do vậy, nguy cơ tai nạn luôn tiềm ẩn và thực tế đã xảy ra nhiều vụ thảm khốc. Từ 1-1-2007 đến 30-6-2008, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, xe công-ten-nơ trực tiếp gây 25 vụ TNGT, làm chết 34 người, bị thương 24 người; gây ách tắc 97 vụ. Ngoài ra, còn có 46 vụ xe tụt dốc lao xuống vực hoặc đâm vào núi khi qua các đoạn cua, dốc dọc lớn trên đường từ Hạ Long ra Móng Cái. Xe công-ten-nơ đã gây ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc. Chẳng hạn, khoảng 6 giờ ngày 2-6-2008, xe đầu kéo BKS 79D-5941 do Vũ Hoài Nam điều khiển chở hai thùng công-ten-nơ 40 tấn, chạy từ Cam Ranh - Khánh Hòa về hướng TP Hồ Chí Minh, đến km 1754 quốc lộ 1A, thị trấn Tân Nghĩa, Hàm Tân (Bình Thuận), lấn đường vượt xe tải chạy cùng chiều đâm vào xe khách BKS 17K-7679 chạy ngược chiều làm đổ thùng hàng đè lên xe khách, làm 15 người chết, 22 người bị thương, xe công-ten-nơ bị hỏng nặng phần đầu kéo. Hồi 4 giờ sáng 21-9-2008, trên quốc lộ 1A, đoạn qua xã Diễn An (Diễn Châu, Nghệ An), xe khách BKS 47V-1875 từ Ðác Lắc trên đường ra bắc đâm trực diện xe công-ten-nơ đầu kéo BKS 77H - 1518 (moóc 51R- 4420) chạy ngược chiều làm 16 người chết. Ngày 16-1 vừa qua, tại quốc lộ 1A, địa bàn xã Hộ Hải, Ninh Hải (Ninh Thuận), xe khách BKS 76K-8069 chở 44 khách chạy từ TP Hồ Chí Minh ra Quảng Ngãi đâm trực diện xe công-ten-nơ BKS 29U-9257 làm xe khách văng sang trái, đầu cắm xuống ruộng, 17 người bị thương nặng. Nhiều lái xe công-ten-nơ không làm chủ tốc độ tự gây tai nạn, lao cả xe vào nhà dân ven đường, đâm vào cột điện, lan can cầu, trèo lên dải phân cách, lao thẳng xuống sông, xuống vực hoặc lật nghiêng nằm chắn đường, làm rơi công-ten-nơ xuống đường, gây tắc đường kéo dài, thậm chí còn làm ách tắc cả đường sắt. Ðiển hình sáng 26-11-2008, tại km 1684+ 700 khu gian Trảng Bom - Hố Nai, tàu khách SPT2 hướng TP Hồ Chí Minh - Phan Thiết tông vào xe đầu kéo công-ten-nơ BKS 79H-3986 khi xe này băng qua đường ray vào khu công nghiệp Hố Nai, làm ngưng trệ đường sắt suốt bảy giờ, vụ xe công-ten-nơ BKS 16M - 0899 chạy tốc độ cao đâm, mắc kẹt vào gầm cầu Long Biên (Hà Nội). Xe công-ten-nơ khi tham gia giao thông còn che khuất tầm nhìn, chiếm hết phần đường các phương tiện khác gây ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm.

 
Trước tình hình nói trên, công an các địa phương mở nhiều đợt kiểm tra, xử lý xe công-ten-nơ. Riêng tại Quảng Ninh, từ 15-7-2007 đến tháng 2-2009, đã xử lý 5.495 trường hợp xe công-ten-nơ vi phạm. Ðể đối phó với sự kiểm tra của cảnh sát giao thông, cánh lái xe dùng mọi thủ đoạn. Xe công-ten-nơ thường lấy hàng tại một điểm và đi theo đoàn khi vận chuyển hàng. Khi CSGT ra tín hiệu dừng một xe vi phạm Luật Giao thông, các xe đi phía sau tự động đỗ lại, nằm chềnh ềnh ra đường chiếm hết đường đi, gây cản trở giao thông để gây áp lực. Lái xe còn dùng "võ"  để mặc xe đỗ trên đường rồi bỏ đi nơi khác vì cho rằng, CSGT không thể làm gì được với loại xe này, hoặc nhấn ga lao thẳng vào CSGT. Có thời gian, CSGT làm chặt ngay từ cảng tránh trường hợp xe công-ten-nơ chở quá tải. Nhưng khi xe vừa rời cổng cảng đã tới ngay các điểm tập kết, dồn thêm hàng để lưu thông trên đường. Việc hạ tải cũng là bài toán nan giải bởi nhiều công-ten-nơ đã được kẹp chì. Nếu hạ tải phải cân để xác định rõ lượng hàng quá tải, có đại diện của hải quan, kho hàng, chủ hàng chứng kiến. Chi phí mỗi lần cân chỉ 42.000 đồng nhưng chủ hàng không chịu trả, còn CSGT cũng không có nguồn kinh phí nào để trả cho khoản này. Mặt khác, nhiều tuyến quốc lộ, xe công-ten-nơ phải chạy hàng chục cây số mới có chỗ quay đầu, rất dễ gây cản trở giao thông.

 
Ðể giảm thiểu tai nạn do các phương tiện này gây ra, rõ ràng ý thức chủ quan về phía chủ xe và lái xe là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Ða số xe  công-ten-nơ thường chở hàng nặng, cồng kềnh và chạy đường dài, nên việc bảo đảm sức khỏe hay phân chia cung đường để hai lái xe thay nhau điều khiển là hết sức cần thiết. Cần có quy định riêng, chặt chẽ hơn đối với lái xe loại phương tiện đặc thù này như phương tiện phải bảo đảm an toàn kỹ thuật, tuyển chọn đội ngũ lái xe công-ten-nơ có thâm niên lái xe, bảo đảm sức khỏe và đạo đức nghề nghiệp. Lực lượng chức năng cần quản lý chặt chẽ từ khâu bốc xếp hàng tại cảng, tăng cường xử lý công-ten-nơ chở quá tải bằng cân di động, kiên quyết xử lý lái xe công-ten-nơ vi phạm Luật Giao thông. Bộ GTVT nên xem xét, nâng cấp hạng giấy phép lái xe vận chuyển công-ten-nơ lên hạng F (lái xe kéo rơ-moóc) thay cho GPLX hạng C (cấp cho người lái xe ô-tô tải) như hiện nay. Ngoài ra, cần phải duy trì thường xuyên việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức cho chủ xe và lái xe công-ten-nơ để xe công-ten-nơ không còn là "hung thần xa lộ" gây TNGT.
nguồn nhandan.com.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)