TP Hồ Chí Minh: Bế tắc giảm kẹt xe, dân nhẫn nhịn "sống chung với lũ"

Thứ năm, 12/03/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Đinh Bộ Lĩnh được ví như chiếc “vòng kim cô” vây lấy người đi đường vì tình trạng kẹt xe ở đây xảy ra như cơm bữa. Mỗi ngày, sáng, chiều, tối người tham gia giao thông đều phải nhích bánh xe từng chút, mướt mồ hôi rồi hít khói bụi đủ loại xe cộ mới qua nổi hai con đường này. 

55 vụ kẹt xe, ùn tắc giao thông xảy ra trong năm 2008 và hai tháng đầu năm 2009. Vụ kẹt xe ngắn nhất kéo dài 1h30 phút, vụ kẹt xe nghiêm trọng nhất lên tới 8h đồng hồ, còn kẹt hàng giờ liền không tính hết! Vậy mà giải pháp hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông vẫn đang được… nghiên cứu.

Mòn mỏi chờ giải pháp chống kẹt xe

Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Đinh Bộ Lĩnh được ví như chiếc “vòng kim cô” vây lấy người đi đường vì tình trạng kẹt xe ở đây xảy ra như cơm bữa. Mỗi ngày, sáng, chiều, tối người tham gia giao thông đều phải nhích bánh xe từng chút, mướt mồ hôi rồi hít khói bụi đủ loại xe cộ mới qua nổi hai con đường này. 

Theo ghi nhận của PV VietNamNet, mỗi buổi chiều, hầu hết các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn TP.HCM như Phan Đăng Lưu - Đinh Tiên Hoàng - Nơ Trang Long, CMT8 - Hoàng Văn Thụ - Trường Chinh, đường 3/2 - Thành Thái… đều xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng đến nỗi người dân chỉ biết im lặng để “sống chung với lũ”. 

Trong lúc đó, các giải pháp hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại thành phố được đại biểu các sở, cơ quan, ban ngành thảo luận tại hội thảo do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức. 

Thượng tá Võ Văn Vân, Trưởng phòng CSGT TP.HCM cho rằng, phải hạn chế lượng xe lưu thông để giảm kẹt xe chứ không cấm người dân đăng ký xe mới. Trước đây, quy định mỗi người chỉ được đăng ký một xe mô tô hoặc gắn máy bị người dân phản đối quyết liệt. Sau đó, thành phố bãi bỏ quy định này nhưng giải pháp giảm kẹt xe vẫn tiếp tục… nghiên cứu. Hiện nay, mỗi ngày, TP.HCM có 100 xe ô tô và 1.000 xe gắn máy đăng ký mới. 

Dòng xe nhích từng chút qua Vòng xoay Hàng Xanh. Ảnh: Thái Phương

Trong năm 2008 và hai tháng đầu năm 2009, toàn thành phố xảy ra 55 vụ kẹt xe, ùn tắc giao thông. Vụ kẹt xe ngắn nhất kéo dài 1h30 phút, vụ kẹt xe nghiêm trọng nhất lên tới 8h đồng hồ. Còn những vụ ùn, tắc, kẹt xe khoảng vài lần đèn đỏ, xe nhích từng bước một hàng giờ trên đường thì không thống kê hết.

“Chúng tôi đang kiến nghị lên Bộ GTVT đưa ra các tiêu chí về ùn, tắc giao thông để có thể nghiên cứu, tìm ra biện pháp hạn chế ùn, tắc…” - Thượng tá Vân nói thêm. 

Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.HCM cho rằng, chính cách điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước khiến tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng. Tại sao chỉ đến khi báo chí phản ánh tình trạng “lô cốt” thi công thiếu an toàn, gây nguy hiểm cho người đi đường,… chính quyền mới chấn chỉnh các đơn vị thi công? Và rõ ràng sau khi chính quyền vào cuộc, tình trạng “lô cốt” đã có tiến triển tốt hơn trước nhiều.

Hay như trong lúc cả thành phố tìm mọi cách chống kẹt xe, cơ quan quản lý nhà nước lại giao các khu đất vàng cho các chủ đầu tư; đường hẹp, đường nhỏ mà cho cấp phép xây cao ốc, văn phòng… không kẹt mới lạ?

Bao giờ giải pháp chống kẹt xe hiệu quả? 

Các giải pháp chống kẹt xe được đặt ra như tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông ở các chốt đường trọng điểm, tăng quyền cho lực lượng thanh niên xung phong, dân quân khi điều tiết giao thông… Đồng thời, cách phân luồng giao thông, thay đổi biển báo, đèn tín hiệu, bắt người vi phạm hành chính đi quét rác, cắt cỏ để họ sợ… được mang ra tranh luận sôi nổi nhưng hiệu quả chưa thiết thực. 

Trên mỗi tuyến đường trong nội thành, lực lượng CSGT đều có mặt để chấn chỉnh, xử lý các vi phạm của người tham gia giao thông nhưng số người vi phạm và số lần một người vi phạm không giảm. Thậm chí, có người một năm nộp phạt vi phạm hành chính đến 18 lần nhưng rất vui vẻ vì tiền nộp phạt… không nhiều!  

Bao giờ mới có giải pháp hạn chế kẹt xe hiệu quả? Ảnh: Thái Phương
 

 

Ông Nguyễn Ngọc Loan, Đội trưởng đội CSGT số 1 nói, việc bắt người vi phạm giao thông quét rác ngoài đường, cắt cỏ, lao động công ích, thậm chí đưa vô trại giam… đều được phòng CSGT áp dụng nhưng hiệu quả chẳng bao nhiêu. 

“Chỉ duy nhất giữ phương tiện cá nhân là tỏ ra có hiệu quả. Người vi phạm rất sợ bị giam xe vì nó là “cần câu cơm” của gia đình họ”.

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng, TP.HCM diện tích khoảng 160.000 km2 nhưng thực tế lượng người lưu thông chỉ dồn vào 65km2 ở Q.1, Q.3, Q.5, Q.10. Do đó, muốn giảm kẹt xe cần phải giãn dân ra khỏi các khu vực trung tâm thành phố, nhất là chuyển 500.000 sinh viên các trường ĐH, CĐ ra vùng ngoại thành. 

Việc xây dựng các bãi đậu xe ngầm trong nội thành như bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám, công trường Lam Sơn… cũng được đề xuất nhưng nhiều người không đồng tình. Xây dựng bãi đậu xe ngầm chỉ giải quyết được vấn đề giao thông tĩnh nhưng lượng xe cộ ra vào bãi xe ngầm sẽ đi đường nào để không kẹt xe lại là vấn đề nan giải? 

Việc đưa ra những biện pháp hiệu quả để giảm kẹt xe dường như vẫn còn tiếp tục… nghiên cứu. Ngoài đường, người tham gia giao thông vẫn đang tiếp tục nhích từng bước một…

 

nguồn vietnamnet.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)