Chống kẹt xe: Đừng chờ những giải pháp xa xôi, hoành tráng

Thứ ba, 17/03/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Đầu năm 2009, nạn kẹt xe ở TP.HCM trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết. Lâu nay, khi nói về những biện pháp chống kẹt xe, chúng ta thường nghĩ đến những giải pháp lớn lao như: mở rộng đường sá, xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, gia tăng các phương tiện giao thông công cộng... Quả thật đây là những giải pháp sẽ mang lại nhiều hiệu quả, nhưng đó là những giải pháp trong tương lai, không thể thực hiện ngay được.

Đầu năm 2009, nạn kẹt xe ở TP.HCM trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết. Lâu nay, khi nói về những biện pháp chống kẹt xe, chúng ta thường nghĩ đến những giải pháp lớn lao như: mở rộng đường sá, xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, gia tăng các phương tiện giao thông công cộng... Quả thật đây là những giải pháp sẽ mang lại nhiều hiệu quả, nhưng đó là những giải pháp trong tương lai, không thể thực hiện ngay được.

Còn hiện tại, liệu chúng ta đã thực hiện các giải pháp tình thế để có thể hạn chế ngay nạn kẹt xe?

 

Thiếu úy Nguyễn Thành Vinh - đội 2 CSGT (Công an TP.HCM) - điều khiển giao thông giải quyết tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra trong giờ cao điểm tại giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM (ảnh chụp chiều 2-3) -Ảnh: N.C.T.

 

 

Tôi thấy có những giải pháp rất đơn giản chúng ta có thể thực hiện ngay và có thể đem lại hiệu quả tức thì. Chẳng hạn, chúng ta tăng cường huy động lực lượng cảnh sát giao thông, các tình nguyện viên để điều khiển, phân luồng giao thông ở các nút giao thông có nguy cơ gây kẹt xe cao như các ngã ba, ngã tư, các đoạn đường có “lô cốt”...

Trên thực tế, ở một số tuyến đường cũng đã thực hiện biện pháp này và đem lại hiệu quả tức thì. Ví dụ, những tháng cuối năm 2008, đoạn đường Đinh Tiên Hoàng (từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu) thường xảy ra kẹt xe do nơi đây dựng “lô cốt” thi công dự án cấp thoát nước. Sau đó, trên đoạn đường này có lực lượng dân phòng, dân quân tự vệ và một số người dân tình nguyện trên địa bàn luôn túc trực vào giờ cao điểm để phân luồng các phương tiện lưu thông qua đây, và nạn kẹt xe đã giảm rõ rệt.

Một biện pháp trước mắt khác là chúng ta có thể điều chỉnh lại giờ hoạt động, lộ trình của một số tuyến xe buýt vào giờ cao điểm tại một số tuyến đường có nguy cơ xảy ra kẹt xe vì xe buýt cũng là nguyên nhân gây kẹt xe.

Ngoài các biện pháp trước mắt và lâu dài, vấn đề tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành Luật giao thông cho người dân là việc rất cần thiết. Kẹt xe chưa hẳn chỉ vì đường hẹp, cơ sở hạ tầng kém mà 50% nguyên nhân là từ ý thức của người dân. Thực tế cho thấy ở các điểm có nguy cơ kẹt xe, nếu có cảnh sát giao thông điều khiển giao thông thì người đi đường tuân thủ đúng luật, hạn chế được kẹt xe, còn những khi không có lực lượng cảnh sát giao thông, nguy cơ kẹt xe rất cao vì mọi người cứ mạnh ai nấy đi, thậm chí vượt cả đèn đỏ.

TRẦN ĐỨC HÙNG
(lawyer_duchung@...)

 

7 việc cần tránh để chống kẹt xe

Qua khảo sát, có một số việc mỗi chúng ta có thể tự thực hiện mỗi ngày để góp phần hạn chế kẹt xe.

1 Không đứng chờ đèn xanh vắt qua giao lộ. Đây là hiện tượng thường xảy ra trên các con đường có lưu lượng lưu thông xe đông, hầu hết người vi phạm không biết mình đang phạm luật và là nguyên nhân chính gây kẹt xe. Tất cả các xe thường cố gắng lấn lên từng mét và lọt vào trong giao lộ. Đến khi đèn đổi màu, dòng xe từ chiều vuông góc không thể băng qua được vì giao lộ đã đầy xe và kẹt xe bắt đầu xảy ra.

Hãy tuân thủ luật, và chỉ cho xe lưu thông vào khu vực giao lộ khi biết chắc phía trước không có các chướng ngại vật và có thể cho xe hoàn toàn qua khỏi giao lộ trước khi đèn giao thông đổi chiều. Làm như vậy chắc chắn tình trạng kẹt xe sẽ giảm đáng kể.

2 Không lấn trái khi đến ngã tư. Chúng ta thường cảm thấy khó chịu khi cho xe rẽ trái hoặc phải lưu thông vào đường đang chờ đèn đỏ và bị tắc xe vì có rất nhiều người đang lấn trái chờ đèn đỏ. Người đang có đèn xanh thì không thể chạy tới, còn luồng giao thông chờ đèn đỏ lấn đường thì lại đùn tới.

Hãy đi đúng phần đường của mình, xếp hàng chờ đến lượt.

3 Đừng chạy ngược chiều. Vì muốn rút ngắn vài chục hay vài trăm mét đường mà nhiều người chạy xe ngược chiều sát lề trái. Ngoài ra, rất nhiều người băng xe xéo cắt ngang luồng giao thông ngược chiều để tấp vào lề trái hoặc gia nhập vào chiều mình muốn đi.

Luôn cho xe chạy đúng luồng chiều giao thông, không cho xe chạy cắt ngược chiều là tự bảo vệ mình và hạn chế kẹt xe.

4 Biết xếp hàng. Khi đường bị kẹt xe, nếu tất cả chúng ta biết tôn trọng lẫn nhau, giữ bình tĩnh, tôn trọng người đến trước, không chen xe, không lấn lề trái, chúng ta sẽ hạn chế được va quẹt xe và không làm tình trạng kẹt xe nghiêm trọng hơn.

5 Biết nhường nhịn nhau khi va quẹt nhẹ. Nếu chẳng may bị va quẹt trên đường và sự việc không nghiêm trọng, hãy nhường nhịn nhau để có thể đi tiếp, giúp luồng giao thông đỡ bị nghẽn.

6 Tập trung tối đa khi điều khiển xe. Đường sá có chức năng quan trọng nhất là để lưu thông, nhưng chúng ta thường làm quá nhiều việc khác trên đường như trò chuyện, nghe điện thoại, làm quen nhau..., những việc như vậy làm chậm xe của mỗi người, từ đó ảnh hưởng đến người khác. Chúng ta hãy cố gắng đi đúng và điều khiển xe nhanh hơn theo đúng tốc độ cho phép.

7 Ưu tiên rẽ phải, đừng rẽ trái. Có lẽ đây là giải pháp tối ưu khi đi vào giao lộ đông xe mà đèn giao thông không hoạt động và không có người điều khiển giao thông. Làm như vậy chúng ta có thể hạn chế được việc xe cộ đan xen ở giao lộ.

HUỲNH DƯ AN
(tổng giám đốc Công ty Euro Auto)

 

nguồn tuoitre.com.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)