Hà Nội là đầu mối giao thông đường sắt của các tuyến đường sắt đi Hải Phòng, Thái Nguyên, Đồng Đăng, Lào Cai và tuyến Thống Nhất. Hiện nay, tình trạng đường dân sinh cắt qua đường sắt không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Dọc theo tất cả các tuyến đường sắt từ các tỉnh vào ga Hà Nội đều xuất hiện các vi phạm đến trật tự an toàn giao thông đường sắt.
Hà Nội là đầu mối giao thông đường sắt của các tuyến đường sắt đi Hải Phòng, Thái Nguyên, Đồng Đăng, Lào Cai và tuyến Thống Nhất. Hiện nay, tình trạng đường dân sinh cắt qua đường sắt không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Dọc theo tất cả các tuyến đường sắt từ các tỉnh vào ga Hà Nội đều xuất hiện các vi phạm đến trật tự an toàn giao thông đường sắt.
Theo thống kê, địa bàn Hà Nội có tới 133 điểm giao cắt đường sắt với đường bộ, trong đó 46 điểm có gác chắn, 39 điểm lắp đặt cảnh báo tự động, 48 điểm có biển báo và trên 500 đường dân sinh chằng chịt cắt qua đường sắt. Tình trạng đường ngang dân sinh mở trái phép qua đường sắt được lát bằng những tấm bê tông, sắt, gỗ... khá phổ biến.
Chính vì vậy có tới 90% các vụ tai nạn đường sắt đều xảy ra ở đây. Điển hình là ở khu vực thuộc phường Trung Phụng, phường Phương Liệt và đoạn đường chạy dọc phố Phùng Hưng... Tại các đường ngang dân sinh này ATGT đường sắt phụ thuộc hoàn toàn vào may rủi, bởi không hề có thiết bị cảnh báo tầu hay rào chắn.
Theo thống kê của Công ty Quản lý đường sắt Hà Hải: Tại xã Thạch Bàn hiện có gần 20 ngôi nhà, lều quán lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Xã Dương Xá có một bãi đỗ xe vi phạm. Phường Khâm Thiên có 106 nhà và 12m tường rào lấn chiếm hành lang ATGTĐS; Phường Trung Phụng có 105 nhà; phường Phương Mai có 12 nhà, 3 lều và 528 m tường rào vi phạm. Phường Phương Liệt có 95 nhà. Điển hình là ở đoạn đường sắt chạy qua Khâm Thiên, đường Lê Duẩn... dân bày bán tràn lan các đồ gỗ, sành sứ... xâm phạm nghiêm trọng đến ATGTĐS.
Trên tuyến đường sắt từ ga Hà Nội đến Ngọc Hồi có 66 đường ngang dân sinh được lát bằng các tấm bê tông hoặc kê gỗ bắc ngang qua đường ray. Tuyến đường sắt Hà Nội- Lạng Sơn có 10 đường ngang trái phép; tuyến Hà Nội - Hải Phòng có tới 314 đường ngang...
Với tình trạng mất ATGT ĐS như trên, lâu nay TP Hà Nội cũng như Tổng công ty ĐSVN vẫn gần như bất lực, chưa có biện pháp gì nhằm cải thiện, giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt. Bởi hiện nay hầu hết các đường ngang giao với đường sắt vẫn là giao cắt đồng mức.
Việc xây dựng đường gom cũng chưa được thực thi. Trong các phương án đảm bảo an toàn giao thông tại các đường ngang, Tổng công ty ĐSVN đã đưa ra một số loại hình cảnh báo tự động, nhưng xem ra hiệu quả chưa cao, bởi thiết bị hoạt động chập chờn.
T.T