Giao thông tại Hà Nội hiện nay là vấn đề cần phải có định hướng và giải pháp cấp bách cũng như lâu dài, đề nghị Bộ GTVT cũng như chính quyền Hà Nội xúc tiến ngay.
Tôi đề nghị xem xét định hướng và giải pháp sau:
A. Về định hướng: Phải tiến tới chỉ có ô tô buýt,ô tô con, tàu điện ngầm hoặc nổi và người đi bộ trong nội thành Hà Nội, nên định ra mốc thời gian thực hiện và công bố ngay từ bây giờ để người dân có kế hoạch và chuẩn bị tinh thần sẵn sàng thực hiện.
Theo tôi, nên đặt ra kế hoạch chậm nhất là 1/1/ 2009 sẽ thực hiện.
B. Về giải pháp
B1. Giải pháp trước mắt
1.Mỗi loại phương tiện cần phải có đường đi riêng, với cách lưu thông hỗn hợp như hiện nay sẽ luôn có tắc nghẽn cũng như không hiệu quả.
Trước mắt cần phân luồng rõ ràng cho 3 loại phương tiện chủ yếu là: ô tô buýt, ôtô con, xe máy (và xe đạp) lưu thông trên cùng 1 tuyến đường.
Tuyệt đối cấm xe tải lưu thông trong thành phố (chỉ được tập kết hàng ở ngoại ô, riêng xe chuyên chở vật liệu xây dựng được lưu thông sau 23 giờ đêm và trước 5 giờ sáng)
2. Giảm tối đa các đường cắt trên các tuyến lưu thông vì đây là 1 trong những nguyên nhân gây ra tắc nghẽn do các phương tiện rẽ ngang.
Thực hiện ngay phân luồng từ xa như thời gian tiến hành hội nghị APEC.
3. Cố gắng tối đa qui định các đường lưu thông 1 chiều trong thành phố, việc cho đi 2 chiều dễ gây tắc nghẽn (tôi có dip đi ra nước ngoài thấy rằng trung tâm các thành phố lớn nếu đường không lớn thường đi 1 chiều, vì quãng đường xa hơn mà không tắc nghẽn thì lại tiết kiệm xăng và thời gian hơn).
4. Cảnh sát giao thông phải cố gắng tối đa để duy trì các qui định về luật lệ giao thông, phạt thật nặng những người vi phạm. Trả lương cao gấp ít nhất là 2 lần (so với mức lương của cấp bậc tương đương trong ngành công an)và có tiền thưởng hàng tháng bằng tiền lương tháng đó nếu hoàn thành tốt công việc cho CSGT. Không cho phép CSGT trực tiếp phạt tiền người vi phạm vì rất dễ phát sinh tiêu cực mà không giải quyết được vấn đề là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
5. Không cho phép quét dọn đường phố, tập trung rác thải trước 21giờ và sau 5 giờ hàng ngày. Hiện nay việc làm này góp phần gây tắc nghẽn giao thông và mất vệ sinh trong giờ cao điểm. (Tôi vẫn nhớ trước kia quét dọn đường phố chỉ làm vào đêm khuya) Phụ cấp cho đối tượng này bao gồm phụ cấp độc hại và làm ngoài giờ, trang thiết bị... cần phù hợp.
6. Để tạo thói quen cho dân chúng nên áp dụng 1 tháng có 1 ngày Chủ nhật người dân không đi xe máy ra đường, hôm đó phải tăng cường xe buýt, hạ giá taxi chỉ bằng 1/2 các ngày khác (có thông báo rõ cho dân ), thậm chí thành phố nên có kế hoạch huy động 1 số công ty du lịch nhà nước và tư nhân huy động xe phục vụ cao hơn giá xe taxi 10% (một số nước châu Âu cũng áp dụng có ngày chỉ đi xe đạp để chống ô nhiễm).
7. Cần có 1 bộ máy thích hợp(có thể là một uỷ ban) có thẩm quyền đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội và có đại diện của Bộ GTVT để thực hiện các giải pháp vì vấn đề tổ chức giao thông có ảnh hưởng rất rộng đến nhân dân và các lĩnh vực đời sống, kinh doanh.
B2. Giải pháp lâu dài
1. Qui hoạch và xây dựng đường xá, các tuyến xe điện và điểm đỗ xe ngay.
2. Đến thời điểm 1/1/2009 đồng loạt cấm xe máy tại nội thành Hà Nội, người dân có thể lưu thông bằng các phương tiện công cộng (đã có thời gian chuẩn bị là 2,5 năm - giả sử từ nay đến giữa năm 2007 là để quyết định các giải pháp và từ nay không cho phép đăng ký xe máy tại Hà Nội nữa).
3. Giá xe taxi phải rẻ, người dân mới có thể bỏ phương tiện cá nhân(năm 2000 tôi có sang Trung Quốc lúc đó giá taxi tại Bắc Kinh chỉ có 1,2 tệ/km, tương đương 2.000đồng VN trong khi tại Việt Nam lúc hãng taxi Tân Hoàng Minh áp dụng giá 4.000đ/km thì bị các hãng khác gây khó khăn và phá hoại. Qua ví dụ đó có thể thấy rằng giá taxi hiện nay của Hà Nội là đắt).Các hãng taxi phải được thông báo trước về việc kiên quyết thực hiện kế hoạch của thành phố để phối hợp trong việc chuẩn bị xe và đưa ra mức giá phù hợp để người dân (đặc biệt tầng lớp trung lưu) chấp nhận, họ phải thấy được lợi ích của việc giá thấp nhưng số lượng sẽ bù cho giá (thậm chí thời gian đầu thành phố có chính sách trợ giá cho các hãng taxi có từ 500 đầu xe trở lên).
Người không có điều kện thì đi xe buýt hoặc tàu điện.
4. Không hạn chế xe con của tư nhân song tính tiền đỗ xe trên đường cao, giới hạn thời gian đỗ để người sử dụng thấy bất tiện, chỉ dùng khi thật cần thiết hoặc dùng khi có khả năng tài chính.
Tôi thấy rằng nên có chủ trương và khẩn trương, quyết liệt thực hiện tổ chức lại giao thông tại Hà Nội. Trình độ tổ chức giao thông là thước đo sự văn minh và tiến bộ của nền kinh tế-xã hội và đem lại hiệu quả rất lớn trong cuộc sống đô thị.
|