Đồng Nai: Để “bình yên sông nước” bền vững

Thứ tư, 02/10/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ba năm qua, tuyến đường thủy nội địa ở Đồng Nai chỉ xảy ra 2 vụ tai nạn, làm chết 2 người. Đây là con số ấn tượng trên vùng đất có nhiều tuyến sông nhất nhì miền Đông Nam bộ. Để duy trì hiệu quả “bình yên sông nước”, cần có thêm những cố gắng của các ngành, các cấp liên quan.
Ba năm qua, tuyến đường thủy nội địa ở Đồng Nai chỉ xảy ra 2 vụ tai nạn, làm chết 2 người. Đây là con số ấn tượng trên vùng đất có nhiều tuyến sông nhất nhì miền Đông Nam bộ. Để duy trì hiệu quả “bình yên sông nước”, cần có thêm những cố gắng của các ngành, các cấp liên quan.

Đồng Nai có 9 con sông lớn đi qua, trong đó có 1 sông cấp I và 8 sông cấp II, với tổng chiều dài gần 153km. Độ rộng trung bình của các con sông lớn từ 100-1.200m (sông Nhà Bè), độ sâu từ 2-10m (sông Thị Vải). Các sông này do Trung ương quản lý. Đồng Nai còn có 17 tuyến sông nhỏ, dài trên 152km, do tỉnh quản lý. Bên cạnh đó, hệ thống hồ, đập, bến bãi, cảng sông biển, cầu vượt sông... rất phức tạp, làm cho giao thông thủy ở Đồng Nai luôn tiềm ẩn các nguy cơ tai nạn rất cao.

* Hiệu quả của cuộc vận động

Toàn tỉnh hiện có gần 1.800 tàu, thuyền, trong đó diện không đăng ký gần 600 chiếc, diện phải đăng ký trên 1.200 chiếc (đã đăng ký gần 400 chiếc khoảng 33%). Chưa kể số phương tiện thủy vãng lai của các tỉnh, thành khác, góp phần làm mật độ lưu thông thủy của Đồng Nai trở nên phức tạp, nguy cơ tai nạn cao.

Năm 2011, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã mở cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” gọi tắt là cuộc vận động thực hiện trên toàn quốc. Giữa quý II-2011, Ban ATGT tỉnh đã phát động thực hiện cuộc vận động trên toàn tỉnh và thành lập ngay Ban chỉ đạo. Ban ATGT tỉnh cũng đã phổ biến 6 tiêu chí xây dựng mô hình, giao cho Ban chỉ đạo hướng dẫn, đôn đốc các ban, ngành, địa phương thực hiện. Các nơi này căn cứ thực tế giao thông thủy trên địa bàn để cụ thể hóa các nội dung tiêu chí để xây dựng mô hình cho phù hợp.

Đến nay, đã có 11 đơn vị, địa phương thành lập ban chỉ đạo, trong đó có 7 nơi triển khai thực hiện đem lại hiệu quả ATGT thủy, gồm: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Giao thông - vận tải (GTVT), Đoạn quản lý đường thủy nội địa số 10, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh cùng Ban ATGT các huyện: Định Quán, Nhơn Trạch và Vĩnh Cửu.

Các đơn vị tiêu biểu đã thực hiện hiệu quả các mô hình, như: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã triển khai các tiêu chí văn hóa giao thông thủy lồng ghép vào việc thi đua thực hiện xây dựng ấp, khu phố văn hóa hàng năm. 2 mô hình điểm do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng (ở xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa và xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) có 100% ấp, 97% hộ dân ký cam kết thực hiện cuộc vận động. Sở GTVT đã chỉ đạo Thanh tra sở, Cảng vụ ĐTNĐ tỉnh phối hợp các ngành tăng cường tuần tra kiểm soát, tuyên truyền pháp luật giao thông thủy..., góp phần làm giảm tai nạn đường thủy ở cả số vụ, số người chết, số người bị thương. Ban ATGT huyện Vĩnh Cửu thực hiện “Bến khách ngang sông văn hóa - văn minh - an toàn”; đồng thời đầu tư gần 160 triệu đồng làm 2 nhà chờ an toàn ở bến phà Hiếu Liêm - Trị An; tặng trên 400 áo, phao cứu sinh cho các bến đò ngang. Cảng vụ đường thủy nội địa Đồng Nai bảo đảm cho gần 4 ngàn lượt phương tiện thủy ra vào cảng, bến an toàn và kết hợp tuyên truyền Luật đường thủy nội địa tại các nơi neo đậu, người lái, thuyền viên và khu dân cư lân cận...

Hiệu quả của cuộc vận động ở Đồng Nai đã được thấy rõ. Từ năm 2011 đến tháng 5-2013, trên toàn tuyến đường thủy của tỉnh chỉ xảy ra 2 vụ tai nạn, làm chết 2 người, bị thương 1 người.

* Cần tăng cường công tác tuyên truyền

Tuy đạt được kết quả đáng khích lệ, nhưng vẫn còn những điều cần quan tâm để an toàn đường thủy ở Đồng Nai bền vững hơn. Nhận định của Ban chỉ đạo cuộc vận động tỉnh cho thấy, việc phát triển mạnh mẽ của giao thông thủy ở Đồng Nai đã làm nảy sinh những vấn đề phức tạp mới. Tình hình trật tự xã hội trên đường thủy còn diễn biến phức tạp. Điển hình là tình trạng 5 không: không đăng ký, không đăng kiểm (phương tiện thủy), người lái không chứng chỉ chuyên môn, không bằng cấp và các phương tiện, bến chờ khách ngang sông không đủ điều kiện an toàn. Trong khi đó, hoạt động của các loại tội phạm trên sông ngày càng tinh vi, xảo quyệt; tình trạng trộm cắp, buôn lậu, gian lận thương mại, tệ nạn xã hội diễn ra phức tạp trên các tuyến sông trọng điểm và các khu vực cụm cảng... Đáng lưu ý, theo Phòng Cảnh sát đường thủy, loại phương tiện thủy thuộc diện không đăng ký còn rất nhiều; phương tiện thủy gia dụng chưa thống kê được, thực tế lên đến cả ngàn chiếc.

Qua thực tế cho thấy, cuộc vận động chủ yếu tác động mạnh vào các bến bãi, phương tiện được quản lý, nên những người liên quan chấp hành tốt (trang bị áo phao, mặc áo phao), nhất là khi có đợt kiểm tra. Còn những người chủ, người đi trên phương tiện không đăng ký hầu như thờ ơ trong việc bảo đảm an toàn, cụ thể là mặc áo phao. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền còn chú trọng hình thức, chưa đi sâu vào các đối tượng diện 5 không.

Hiện vẫn còn nhiều người dân sinh sống bằng nghề “hạ bạc” (câu, lưới cá thủ công) thuộc diện hộ nghèo, không có điều kiện tự trang bị áo phao, dụng cụ nổi... Những người này rất cần được cơ quan chức năng giúp họ an toàn hơn trên đường mưu sinh. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần có thêm quy định các nơi thiết kế, đóng mới phương tiện thủy (từ nhỏ tới lớn), ưu tiên dùng các vật liệu nhẹ và bền chắc để sản xuất, trang bị phương tiện. Cụ thể, các ghế ngồi, tấm trần, vách ngăn... nếu làm bằng vật liệu nhẹ, thì khi xảy ra sự cố có thể trở thành phao giúp người đi trên phương tiện có thêm điều kiện cứu sinh.

Nguồn: Báo Đồng Nai

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)