Năm 2008, Hòa Bình là một trong số ít tỉnh trên cả nước kiềm chế được tai nạn giao thông (TNGT). Nhưng trong năm 2009, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) ở địa phương này lại có những diễn biến phức tạp. Theo số liệu của Ban ATGT tỉnh, tính đến hết tháng 11, Hòa Bình xảy ra 164 vụ TNGT làm chết 140 người; bị thương 154 người. Xét về cả ba mặt (số vụ, số người chết và bị thương) đều tăng từ 27, 32 và 35% so với năm 2008; trong đó có bốn vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 30 người chết và bị thương, tăng gấp đôi so với năm trước đó.
Năm 2008, Hòa Bình là một trong số ít tỉnh trên cả nước kiềm chế được tai nạn giao thông (TNGT). Nhưng trong năm 2009, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) ở địa phương này lại có những diễn biến phức tạp. Theo số liệu của Ban ATGT tỉnh, tính đến hết tháng 11, Hòa Bình xảy ra 164 vụ TNGT làm chết 140 người; bị thương 154 người. Xét về cả ba mặt (số vụ, số người chết và bị thương) đều tăng từ 27, 32 và 35% so với năm 2008; trong đó có bốn vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 30 người chết và bị thương, tăng gấp đôi so với năm trước đó.
Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ (CSGTÐB) - Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có một phần do các phương tiện tham gia giao thông tăng quá nhanh. Hằng năm số xe máy đăng ký tại Công an tỉnh tăng khoảng 20%. Hiện, trên địa bàn tỉnh có khoảng 7.100 xe ô-tô và 161 nghìn xe máy các loại do Công an tỉnh Hòa Bình quản lý hồ sơ. Trong khi đó kết cấu hạ tầng giao thông ở nhiều nơi trong tỉnh đã xuống cấp trở nên quá tải. Hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn miền núi còn rải đá cấp phối, lòng đường hẹp, nhiều "sống trâu, ổ gà". Các tuyến đường giao thông ở Hòa Bình đều đi qua địa hình đồi núi dốc, quanh co che khuất tầm nhìn gây khó khăn cho người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông nhưng lại không có biển báo nguy hiểm, hạn chế tốc độ. Riêng các tuyến quốc lộ qua địa phận Hòa Bình, còn khoảng 10 "điểm đen" nhưng chưa có biển cảnh báo nguy hiểm. Ðược biết, các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng đều xảy ra ở những "điểm đen", điển hình là vụ xảy ra ngày 12-9, trên quốc lộ 6, tại dốc Kẽm thuộc địa phận xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn. Do không làm chủ tốc độ lại bị che khuất tầm nhìn nên xe ô-tô tải 29T - 4269 do lái xe Hoàng Văn Lưu điều khiển theo hướng Hòa Bình - Hà Nội đâm thẳng vào xe chở khách 33H - 7695 chạy ngược chiều làm 4 người chết tại chỗ và 5 người bị thương. Hai xe ô-tô bị hỏng nặng.
Song nguyên nhân chính vẫn là nhận thức và ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân còn hạn chế. Nhiều người tham gia giao thông thường xử lý các tình huống theo thói quen, khi có sai phạm bị công an xử phạt cũng không biết mình bị mắc lỗi gì, thậm chí còn lý sự: "Mình có tiền mua xe để đi cớ sao công an lại cấm". Trước thực trạng đó Ban ATGT của tỉnh đã chỉ đạo lực lượng công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền Luật Giao thông nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông. Theo đó, Phòng CSGTÐB phối hợp với Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ của tỉnh tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ và mở tám lớp tập huấn Luật Giao thông đường bộ cho gần 600 cán bộ chủ chốt của ba đơn vị này. Ðồng thời biên soạn nhiều loại tài liệu tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Thí dụ với đối tượng là giáo viên, học sinh, Phòng CSGTÐB đã biên soạn hai bộ giáo trình, tổ chức ba lớp tập huấn cho hơn 200 giáo viên và cấp cho mỗi đơn vị một bộ sa bàn nút giao thông để phục vụ cho việc phổ biến kiến thức pháp luật về ATGT trong các trường học. Trong năm 2009, Phòng CSGTÐB còn cử gần 100 lượt cán bộ, chiến sĩ đến các xã, thị trấn và các trường học để phổ biến luật lệ giao thông cho hàng trăm nghìn lượt công nhân viên chức, học sinh và nhân dân. Ðài Phát thanh truyền hình của tỉnh mở chuyên mục: "Cảnh báo giao thông và bản tin ATGT", phát sóng 17 phóng sự, hơn 2.000 tin bài để phổ biến Luật Giao thông, phê phán những hành vi vi phạm và đưa các vụ TNGT nghiêm trọng để răn đe, phòng ngừa chung.
Mới đây, Phòng CSGTÐB phối hợp với ngành giao thông vận tải tổ chức buổi làm việc với lãnh đạo gần 20 doanh nghiệp khai thác, kinh doanh vận tải hành khách bằng ô-tô trên địa bàn. Qua đó cho thấy, sự quản lý của các doanh nghiệp bị buông lỏng, khoán trắng cho lái xe. Trong khi đó đội ngũ lái xe không chỉ yếu về tay nghề mà kém cả ý thức chấp hành Luật Giao thông. Tình trạng phóng nhanh vượt ẩu nhằm tranh giành khách trên đường, đỗ để đón, trả khách tùy tiện và chở quá tải xảy ra gần như phổ biến; một số ít lái xe nghi có biểu hiện nghiện ma túy nhưng chưa được kiểm tra xử lý; sử dụng phương tiện cũ nát, không bảo đảm chất lượng và độ an toàn... Ðương nhiên đây cũng là nguyên nhân dẫn đến mất ATGT. Khắc phục tình trạng này, hai ngành công an, giao thông - vận tải Hòa Bình đã phối hợp thực hiện một số giải pháp như không cấp giấy phép hoạt động cho những doanh nghiệp, cơ sở chưa đủ điều kiện theo quy định; tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm cả về hành chính lẫn kinh tế; phát động cuộc vận động: Lái xe văn minh, lịch sự và nêu cao ý thức phục vụ nhân dân; không sử dụng lái xe nghi có biểu hiện nghiện ma túy. Theo đó, huyện Yên Thủy đã kiên quyết đề nghị các cơ quan chức năng thu hồi Giấy phép lái xe của lái xe nghiện ma túy.
Cũng trong năm 2009, Phòng CSGTÐB đã có hơn 1.000 thông báo gửi về cơ quan, nơi cư trú của những người có hành vi vi phạm luật lệ giao thông và đề nghị cùng phối hợp xử lý. Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, Phòng CSGTÐB cử người trực tiếp đưa thông báo đến tận nơi. Nhưng tiếc rằng việc làm có tính kiên quyết này của Phòng CSGTÐB mới chỉ có một vài đơn vị đồng tình ủng hộ, còn lại đều rơi vào "im lặng", không có hồi âm. Vì vậy cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, Phòng CSGTÐB còn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát (TTKS) và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm để lập lại trật tự ATGT trên các tuyến đường.
Năm 2009, cùng với TTKS thường xuyên và 9 đợt TTKS cao điểm theo chuyên đề, Phòng CSGTÐB đã phát hiện, xử lý gần 41 nghìn trường hợp vi phạm Luật Giao thông, với tổng số tiền gần 7,5 tỷ đồng, tăng gần 11 nghìn trường hợp và gần 2 tỷ đồng so với năm 2008. Qua phân tích các trường hợp vi phạm và các vụ TNGT cho thấy, sự chuyển biến trong nhận thức và ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người tham gia giao thông còn chậm, chủ yếu ở đối tượng thanh niên. Hơn 50% trường hợp vi phạm thuộc đối tượng thanh niên và tập trung vào các lỗi không đội mũ bảo hiểm, chở quá tải, quá số người quy định, chạy quá tốc độ... Có một nghịch lý là, trong Tháng An toàn giao thông (tháng 9-2009), TNGT trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tăng đột biến và tập trung ở tuần đầu tháng. Ðiển hình là ở huyện Tân Lạc, trong thời điểm này xảy ra bốn vụ TNGT làm chết bốn người. Lý giải về điều này, Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc cho biết, lâu nay bà con các dân tộc ở Hòa Bình có tục lệ ăn Tết Ðộc lập (2-9). Kéo theo là tình trạng uống rượu "triền miên" là tác nhân gây nên những vụ TNGT đau lòng xảy ra trên địa bàn.
Thực tế này cho thấy để bảo đảm ATGT, mỗi người dân trong cộng đồng phải nhận thức rằng, việc chấp hành luật lệ giao thông không chỉ là yêu cầu của luật pháp nhằm duy trì trật tự ATGT mà đó chính là hành động tự bảo vệ tính mạng bản thân khi tham gia giao thông. Chỉ có như vậy mới tạo được sự chuyển biến vững chắc trong nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT.
Theo Báo Nhân Dân