Thời gian qua, Đắk Nông đã triển khai nhiều biện pháp nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn, bước đầu đạt được một số kết quả khích lệ, kiềm chế về số vụ tai nạn giao thông (TNGT) cũng như những thiệt hại do TNGT gây ra. Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất trật tự ATGT, đòi hỏi các cấp, các ngành trong tỉnh cần có những biện pháp quyết liệt hơn nữa.
Thời gian qua, Đắk Nông đã triển khai nhiều biện pháp nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn, bước đầu đạt được một số kết quả khích lệ, kiềm chế về số vụ tai nạn giao thông (TNGT) cũng như những thiệt hại do TNGT gây ra. Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất trật tự ATGT, đòi hỏi các cấp, các ngành trong tỉnh cần có những biện pháp quyết liệt hơn nữa.
Kiềm chế có hiệu quả TNGT
Nằm ở cửa ngõ phía nam của Tây Nguyên, tỉnh Đắk Nông có ba tuyến quốc lộ 14, 14C và 28 đi qua. Do địa hình chia cắt, trên các tuyến quốc lộ này có nhiều đèo dốc, khúc cua nguy hiểm. Trong khi đó, hằng ngày lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông rất cao. Chính vì vậy, số vụ TNGT xảy ra trên các tuyến quốc lộ này chiếm hơn 60% tổng số vụ TNGT xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh. Nhằm phòng ngừa, hạn chế TNGT trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, các tuyến quốc lộ nói riêng, những năm qua UBND tỉnh Đắk Nông luôn quan tâm chỉ đạo Ban ATGT từ tỉnh xuống huyện và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều biện pháp thiết thực. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến Luật Giao thông đường bộ từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong trường học... nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong toàn xã hội đối với việc chấp hành luật lệ giao thông. Nội dung và hình thức tuyên truyền được đổi mới mạnh mẽ, đi vào thực chất, có hình thức tuyên truyền phù hợp, sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ... Trong năm 2009, riêng Ðội tuyên truyền của Phòng Cảnh sát giao thông đã phối hợp các cơ sở, đoàn thể, trường học, nhà thờ tổ chức 94 đợt tuyên truyền phổ biến, giáo dục luật giao thông bằng các hình thức chiếu phim, đưa ra câu hỏi trắc nghiệm, thực hành sa hình và cấp phát 25 nghìn cuốn tài liệu, tờ rơi về luật giao thông cho hơn 38.500 lượt người dân, học sinh. Ngoài ra, đội đã tổ chức tám cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ bằng hình thức sân khấu hóa, thu hút đông đảo nhân dân, học sinh tham gia. Thông qua đó, ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân từng bước được nâng lên và nhiều nơi đã hình thành văn hóa giao thông trong cộng đồng dân cư. Cùng với việc đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông trên các tuyến đường, lực lượng cảnh sát giao thông trong toàn tỉnh thường xuyên phối hợp các cấp, các ngành tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm; giải tỏa hành lang an toàn đường bộ; xóa bỏ các "điểm đen" về mất ATGT; mở các đợt cao điểm về kiểm tra xe khách... Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm trật tự ATGT nên đã mang lại hiệu quả tích cực.
Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất trật tự ATGT
Thượng tá Nguyễn Như Quỳnh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Ðác Nông) cho rằng: Mặc dù TNGT trên địa bàn đã được kiềm chế, nhưng vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất trật tự ATGT. Bởi hệ thống đường giao thông của Đắk Nông có nhiều đèo dốc quanh co nguy hiểm, hạ tầng giao thông kể cả các quốc lộ đi qua địa bàn còn thấp kém, chưa được đầu tư nâng cấp. Nhiều công trình giao thông chậm tiến độ, kéo dài thời gian nhưng không có biển báo hiệu, tình trạng lấn chiếm hành lang, lề đường để kinh doanh,... chưa được khắc phục; hệ thống trường học, chợ, các khu dân cư được quy hoạch sát các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ngày càng nhiều, khiến nhiều tuyến bị hư hỏng nhanh và trở nên quá tải. Ðiển hình như quốc lộ 14 qua tỉnh Đắk Nông có chiều dài 153 km, nhưng đi qua trung tâm thị trấn của năm huyện, thị xã, có tổng cộng 39 trường học, 11 chợ, 10 nhà thờ và chùa, 28 cây xăng và 85 tỉnh lộ, đường liên xã, liên thôn cắt ngang. Vì thế, trên tuyến quốc lộ này đã tồn tại nhiều "điểm đen" nguy hiểm thường xuyên xảy ra TNGT như tại thị trấn Ea T'linh (huyện Cư Giút), "điểm đen" tại các xã Ðác Gằn và xã Ðác R'la (huyện Ðác Min),... Ðây là những đoạn đường hẹp, dốc cao, quanh co, không có lề đường tránh nạn và giao nhau với các đường liên thôn, liên xã nhưng không có biển báo hiệu, bị che khuất tầm nhìn, xảy ra nhiều vụ TNGT thảm khốc. Trong khi đó, mùa mưa ở Đắk Nông kéo dài, mặt đường dễ bị xuống cấp, hư hỏng. Một thực tế khác là số lượng phương tiện trong tỉnh gần đây tăng nhanh, hiện có gần 132 nghìn phương tiện, trong đó có hơn 3.300 ô-tô, gần 120 nghìn mô-tô nhưng mới chỉ đăng ký được khoảng 7.000 chiếc. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự ATGT ở một số ngành, địa phương có nơi làm nhưng mang tính hình thức, chiếu lệ, cho nên ý thức chấp hành luật giao thông của người dân còn yếu. Tình trạng học sinh THPT đi xe máy đến trường; người tham gia giao thông chạy quá tốc độ quy định, không đội mũ bảo hiểm; chở người, hàng quá quy định diễn ra phổ biến. Những tháng cao điểm thu hoạch nông sản cuối năm, phương tiện giao thông tăng đột biến, dẫn đến tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất trật tự ATGT.
Ðể bảo đảm trật tự ATGT lâu dài trên địa bàn, tỉnh Đắk Nông đang đẩy mạnh các biện pháp nhằm phòng ngừa hiệu quả các vụ TNGT. UBND tỉnh đã kiện toàn Ban ATGT các cấp để hoạt động thực chất và hiệu quả hơn; chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 34 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó, nội dung và hình thức tuyên truyền có sự đổi mới, đa dạng, sinh động phù hợp trình độ, nhận thức của người dân địa phương; các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến đường, khu vực trọng điểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm luật giao thông... Cùng với đó, tỉnh cũng tăng cường đầu tư nâng cấp, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông, nhất là các tuyến trọng điểm, xóa các "điểm đen" mất ATGT; yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thi công tuân thủ việc lắp đặt biển báo, cọc tiêu, sơn gờ giảm tốc, hệ thống điện chiếu sáng... nhằm bảo đảm trật tự ATGT, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do TNGT gây ra.
Theo Báo Nhân Dân