Theo số liệu từ Đoạn Quản lý Đường sông Thừa Thiên Huế, trên địa bàn tỉnh có hơn 216 km đường thủy nội địa và 70 bến thủy nội địa, bến khách ngang sông. Đến nay, hầu hết các tuyến thủy nội địa đều được lắp đặt hệ thống biển báo và phần lớn các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông có công suất hoạt động cao đều được giấy phép hoạt động.
Địa bàn Thừa Thiên Huế phần lớn nằm ở vùng thấp trũng, nhiều sông ngòi, đầm phá… nên vấn đề đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường thủy trong mùa bão lụt là không thể xem nhẹ.
Theo số liệu từ Đoạn Quản lý Đường sông Thừa Thiên Huế, trên địa bàn tỉnh có hơn 216 km đường thủy nội địa và 70 bến thủy nội địa, bến khách ngang sông. Đến nay, hầu hết các tuyến thủy nội địa đều được lắp đặt hệ thống biển báo và phần lớn các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông có công suất hoạt động cao đều được giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, có bến tuy đã có giấy phép, người điều khiển phương tiện có bằng cấp hẳn hoi... nhưng thực tiễn hoạt động vẫn không mấy an toàn.
Một ngày đầu thu, nước ở các dòng sông, phá Tam Giang đã đầy hơn, chúng tôi có chuyến quan sát ở một số bến đò Ba Bến (Hương Thọ), Bao Vinh - Tiên Nộm, Cồn Tộc - Vĩnh Tu…. Đây là những bến đò ngang có lượng khách sang sông đông; có bến có đến chục phương tiện tham gia vận chuyển khách mỗi ngày như bến Cồn Tộc - Vĩnh Tu, với đoạn đường vượt phá Tam Giang khá dài, người và xe máy trên mỗi chuyến đò thường rất lớn.
Chúng tôi thấy không một hành khách nào chịu mặc áo phao. Mặc dầu áo phao trên thuyền vẫn có, nhưng dường như chỉ để hợp thức hóa theo quy định và để đối phó những khi có lực lượng chức năng kiểm tra...
Cũng cần nói đến những chuyến đò “nghiệp dư” trong và sau các trận lụt ở một số tuyến đường thường bị ngập nước, mà trong quá trình tác nghiệp vùng lũ, chúng tôi đã từng đi qua. Trên dòng nước chảy xiết băng qua đường, những chiếc ghe nhôm được người dân địa phương sử dụng trung chuyển khách. Song, lượng khách và xe máy luôn chất đầy, mấp mé mạn thuyền mỗi chuyến. Những lần phải mạo hiểm đi trên các chuyến đò này, chúng tôi không khỏi lo sợ, nếu sự cố gì xảy ra, cả hàng chục người níu nhau giữa dòng nước xiết, hậu quả sẽ ra sao?…
Ông Võ Văn Tươi, Phó Ban ATGT tỉnh cho biết: Công tác đảm bảo ATGT đường thủy trong mùa bão lụt đã được Ban ATGT tỉnh và các huyện triển khai một bước. Sắp tới sẽ kiện toàn, hâm nóng lại. Đối với các đoạn đường bị ngập nước mà người dân dùng ghe để trung chuyển khách, Ban ATGT tỉnh sẽ có văn bản nhắc nhở, yêu cầu chính quyền và công an các địa phương tăng cường kiểm tra, điều tiết tải trọng trên mỗi chuyến, để đảm bảo an toàn…
Phòng CSGT Đường thủy Công an tỉnh cũng đã có phương án phòng chống bão lụt, đảm bảo ATGT đường thủy nội địa trong mùa bão lụt năm 2010. Theo đó, sẽ phối hợp với Đoạn Quản lý Đường sông nắm tình hình những thay đổi về luồng tuyến; những vùng trũng, vùng chia cắt bị nước ngập quá biển báo; trục vớt các chướng ngại vật trên các luồng tuyến đảm bảo không bị trở ngại quá trình tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra bão lụt.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm tại các bến đò ngang, dọc sông; cương quyết không để các phương tiện cũ nát, không đảm bảo các điều kiện về an toàn kỹ thuật; người điều khiển không đảm bảo bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn vào hoạt động. Vận động các chủ phương tiện, lái trưởng chấp hành tốt Luật giao thông đường thủy nội địa; tiến hành sửa chữa phương tiện, mua sắm thêm các trang thiết bị an toàn như phao cứu sinh, phao áo, các loại thiết bị chằng buộc, chống va đập và đề phòng tai nạn; đồng thời, viết cam kết đảm bảo an toàn giao thông trong mùa bão lụt; không vận chuyển hành khách và hàng hóa trên sông và đầm phá khi bão lụt xảy ra; thực hiện giảm tải 10% trong mùa bão lụt.
Trong thời gian xảy ra bão lụt, tại bờ bắc hạ lưu cầu Trường Tiền được bố trí 1 thuyền tuần tra kiểm soát, 3 thuyền máy và 9 cán bộ chiến sĩ thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn khu vực nội thành và các vùng ven hạ lưu Bắc sông Hương; ở bờ Nam hạ lưu cầu Trường Tiền sẽ được bố trí 2 xuồng máy và 6 cán bộ chiến sỹ thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn khu vực phía Nam thành phố và các vùng ven hạ lưu Nam sông Hương. Ngoài ra, còn dự phòng 2 ca nô và lực lượng thường trực sẵn sàng tăng cường tham gia công tác PCBL khi có lệnh…
Các phương án trên cần phải được triển khai sớm, để hạn chế những thiệt hại về người và tài sản mỗi khi bão lụt có thể bất thường xảy ra!
Theo Báo Thừa Thiên Huế