Cứ vào mùa mưa bão, tình hình tai nạn giao thông đường thủy ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại ở mức báo động. Có hàng ngàn phương tiện không an toàn vẫn hoạt động, bất chấp nguy hiểm.
Cứ vào mùa mưa bão, tình hình tai nạn giao thông đường thủy ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại ở mức báo động. Có hàng ngàn phương tiện không an toàn vẫn hoạt động, bất chấp nguy hiểm.
Bến đò “5 không”
Tỉnh Hậu Giang hiện có 150 bến đò ngang nhiên hoạt động nhưng rất ít bến có giấy phép. Tại tuyến kênh xáng Xà No, một đoạn dài 30km đã có 70 bến đò lớn, nhỏ hoạt động và hầu hết đều không an toàn. Một số hộ dân tự ý đóng những chiếc trẹt để đưa rước hành khách, xe đạp, xe máy qua tuyến kênh này bất chấp nguy hiểm.
Những chuyến đò chở học sinh không có áo phao ở Long Mỹ (Hậu Giang).
Do mật độ ghe, tàu qua lại rất đông nên tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ông Nguyễn Thành Khang ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A - chủ một chiếc đò biện minh: “Tui đưa đò đã nhiều năm rất an toàn, không xảy ra bất cứ chuyện gì. Ở xứ này mấy chục năm nay người ta vẫn qua lại như thế”.
Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có rất nhiều người dân đưa đò bất chấp an toàn giao thông đường thủy. Trong đó, ở các huyện Long Mỹ, Vị Thủy, Châu Thành A, Phụng Hiệp hiện có hàng trăm chiếc đò tự chế. Những chiếc đò này không trang bị áo phao, phương tiện không an toàn lại thường xuyên chở học sinh sang sông.
Ông Nguyễn Liên Khoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: “Trong mùa mưa lũ này UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. Đối với những bến đò chưa đạt yêu cầu an toàn thì tuyệt đối không được cấp phép. Tuy nhiên nhiều hộ dân vẫn lén lút hoạt động đưa rước, bất chấp nguy hiểm”.
Dọc theo tuyến sông Hậu, hầu hết các bến đò đều được cấp phép nhưng luôn trong tình trạng quá tải và mất an toàn. Ở bến đò Cái Côn chạy từ xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng qua xã Phú Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn do lượng khách qua lại đông, hay có sóng gió lớn. Đây là đoạn sông rộng (khoảng 2km) nên việc qua sông trong mùa mưa bão luôn khiến nhiều người “nơm nớp”.
Bà Trần Thị Kim Mai, nhà ở xã Phú Thành, huyện Trà Ôn nhưng có bà con ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng nên thường xuyên vượt sông Hậu bằng đò. Bà Mai cho biết: “Qua sông bằng những chiếc đò này rất nguy hiểm nhưng không đi đò thì không có phương tiện khác. Mùa này sóng to, gió lớn nên ai cũng ngại qua sông. Trên đò cũng có ao phao đầy đủ nhưng đoạn sông này rất rộng nên nếu xảy ra sự cố cũng chưa biết hậu quả đến đâu...”
Chiếc đò được đóng bằng gỗ chạy tuyến Cái Côn– Mái Dầm (nối liền Sóc Trăng- Vĩnh Long) luôn đông khách vì nhu cầu qua lại tương đối lớn. Đoạn sông rộng nên gặp sóng lớn chiếc đò lắc lư giữa sông. Điều đặc biệt là việc điều khiển chiếc đò chỉ do duy nhất 1 tài công. Anh này vừa làm nhiệm vụ quay máy nổ, dời đò và cả lái đò. “Chiếc đò này của gia đình nên tui kiêm luôn tất cả các công việc. Do có kinh nghiệp lâu năm nên dù vượt sông rộng, có sóng nhưng vẫn an toàn cho hành khách qua sông!” - anh Chiến, chủ chiếc đò phân trần.
Nguy cơ tiềm ẩn
Ở bến tàu Chồm Yên thuộc HTX Tân Tiến, xã Tân Quới, huyện Bình Tân, Vĩnh Long, lượng khách trong thời gian gần đây tăng đột biến do nhiều người ngại đi đường vòng để qua cầu Cần Thơ.
Bến tàu này có 2 chiếc phà nhỏ được phép chở 30 xe gắn máy và 49 khách chạy xuyên suốt từ 6 giờ sáng đến 18 giờ 30. Gần đây, nhu cầu khách qua lại tăng nên chiếc phà lúc nào cũng đông nghẹt người. Chính việc chở quá tải này mà nguy hiểm luôn tiềm ẩn, nhất là trong mùa mưa bão.
Ông Trương Văn Sáu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết:
“Dọc bờ sông Hậu có nhiều bến đò vận chuyển khách sang sông. Trong mùa mưa bão luôn tiềm ẩn nguy hiểm nên UBND tỉnh chỉ đạo phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các chủ phương tiện đảm bảo an toàn khi đưa rước khách”.
Báo Dân Việt