Thanh Hóa: Những biện pháp hạn chế tai nạn giao thông.

Thứ hai, 30/11/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với địa bàn rộng, có đường Hồ Chí Minh và sáu tuyến quốc lộ, đặc biệt là tuyến quốc lộ 1A dài 98 km - huyết mạch giao thông của cả nước chạy qua, khiến tình hình giao thông ở Thanh Hóa luôn "nóng bỏng". Từ nhiều năm nay, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thanh Hóa...

Với địa bàn rộng, có đường Hồ Chí Minh và sáu tuyến quốc lộ, đặc biệt là tuyến quốc lộ 1A dài 98 km - huyết mạch giao thông của cả nước chạy qua, khiến tình hình giao thông ở Thanh Hóa luôn "nóng bỏng". Từ nhiều năm nay, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thanh Hóa thực hiện nhiều biện pháp hạn chế tai nạn giao thông, bắt giữ nhiều vụ phạm pháp hình sự, buôn lậu.

Trong "Tháng an toàn giao thông" năm 2009, ở Thanh Hóa tai nạn giao thông giảm ba vụ và giảm ba người chết. Theo Thượng tá Ðào Ðức Minh, Trưởng phòng CSGT: "Công tác giữ gìn an toàn giao thông tại Thanh Hóa đã huy động được sức mạnh đồng bộ của các ban, ngành, trường học và tại các cụm dân cư. Công tác tuyên truyền được gắn với kiểm tra xử lý vi phạm nghiêm, tạo ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ đối với người dân khi tham gia giao thông".

Và lý do để Thanh Hóa tổ chức cuộc thi "Nông dân với an toàn giao thông" xuất phát từ nguyên nhân hầu hết các vụ tai nạn giao thông ở tỉnh là do ý thức người tham gia giao thông yếu, chưa tự giác chấp hành pháp luật. Một bộ phận nhân dân, nông dân ít hiểu biết về luật khi tham gia giao thông. Thực tế, tại nhiều tuyến quốc lộ và các tuyến đường giao thông liên huyện, liên tỉnh, khi không có lực lượng CSGT mọi người không tự giác chấp hành luật. Tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, đi không đúng phần đường, làn đường, không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia say khi điều khiển xe ô-tô, xe máy... diễn ra phổ biến. Ðã có không ít vụ tai nạn do một số thanh niên ở các thị trấn, huyện, thành phố chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, uống rượu say, không đội mũ bảo hiểm "kẹp ba, kẹp bốn" người lạng lách, đánh võng trên đường, gây tai nạn thảm khốc.

Cuộc thi "Nông dân với an toàn giao thông" với một số câu hỏi: Bạn cho biết bao nhiêu tuổi thì được điều khiển mô-tô, xe máy; Lòng đường, có phải là nơi được phơi thóc lúa, rơm rạ; Khi đi trên đường người lái xe ô-tô, mô-tô phải có những loại giấy tờ nào; Khi tham gia giao thông có được uống rượu, bia không và ai phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, mô-tô trên đường... đã giúp các gia đình hiểu, chỉ cho con, em, người thân điều khiển xe mô-tô, xe máy hoặc xe ô-tô khi đủ 18 tuổi, có giấy phép lái xe và đội mũ bảo hiểm. Mọi người nhắc nhau không phơi rơm, rạ, thóc lúa trên quốc lộ và khuyên bảo người thân đừng uống rượu để giữ an toàn tính mạng khi tham gia giao thông.
Tại các cụm dân cư, công tác tuyên truyền cổ động đã chấm dứt kiểu "đánh trống, rước cờ, pa-nô, khẩu hiệu, loa đài" "Ðầu voi, đuôi chuột"... Phòng CSGT và công an các huyện, thị trấn, thị xã trực tiếp tham mưu các cấp ủy đảng, chính quyền; huy động các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Ðoàn Thanh niên... cùng tham gia tạo sức mạnh đồng bộ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Ðáng chú ý, trong từng dòng họ có trách nhiệm giữ con em mình không tham gia đua xe máy trái phép, lạng lách, đánh võng gây tai nạn. Ðối với các huyện, thị trấn để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm.

Trong các trường học, lực lượng CSGT đã tổ chức nhiều buổi học ngoại khóa giảng về Luật Giao thông đường bộ; các hình thức thi "Hái hoa dân chủ", "Ðố vui" và thực hiện phong trào "Em yêu đường sắt quê em" thu hút đông đảo học sinh tham gia tìm hiểu Luật Giao thông.

Tại nhiều tuyến trên quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và đường liên huyện hay xảy ra tai nạn, lực lượng CSGT đã tăng cường công tác tuần tra, xử lý nghiêm các vi phạm an toàn giao thông, từng bước nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Nhiều năm liền, tỉnh Thanh Hóa đã kiềm chế không để tai nạn giao thông gia tăng, không để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và đua xe trái phép. Trong thực hiện nhiệm vụ công tác cơ bản, Phòng CSGT Công an Thanh Hóa có nhiều cách làm mới, sáng tạo, được Bộ Công an đánh giá cao nhân rộng ra toàn quốc. Nổi bật là hai sáng kiến: Thực hiện đăng ký cấp biển số xe mô-tô, xe máy, xe ô-tô bằng phương pháp chọn số ngẫu nhiên trên máy vi tính; hướng dẫn công an xã, thị trấn tham gia xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, được nhân dân đồng tình, khen ngợi.

Từ năm 2008 đến nay, thực hiện đợt "Cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm hoạt động trên tuyến và phương tiện giao thông", Phòng CSGT Công an Thanh Hóa đã tập trung khảo sát, bổ sung hồ sơ tuyến nắm vững tình hình hoạt động của các loại tội phạm hình sự, nhất là số lái xe đường dài chuyên buôn bán, vận chuyển ma túy, buôn lậu hàng giả, hàng cấm... qua đó xây dựng kế hoạch đấu tranh. Với ý thức nghiệp vụ cao, kiên quyết đấu tranh trấn áp tội phạm, cán bộ, chiến sĩ Phòng CSGT đã bắt giữ 22 vụ phạm pháp hình sự, 26 đối tượng (bắt Bùi Văn Thanh là đối tượng có lệnh truy nã toàn quốc); thu: 415 gam hê-rô-in; 462.000 viên ma túy tổng hợp (trọng lượng 41,7 kg), 14 kg vàng, 147 kg thuốc nổ, 4.650 kíp nổ, 104 tấn quặng Crôm ; 17 ngà voi (nặng 94 kg) và nhiều tài sản, hàng hóa có giá trị...

Trong số những vụ buôn bán, vận chuyển ma túy trái phép và buôn lậu hàng cấm, đã có một số lái xe có hành vi hối lộ các chiến sĩ CSGT với số tiền lớn; vụ bắt 462.000 viên ma túy tổng hợp, đối tượng hối lộ tổ công tác gồm: Ðại úy Trịnh Văn Giang, Ðàm Văn Tuyết, và Lữ Văn Lược 1.200 USD; vụ bắt lái xe Nguyễn Duy Khánh vận chuyển 300 gam hê-rô-in, Khánh hối lộ tổ công tác gồm: Trung tá Lê Minh Tâm, Trung úy Lương Xuân Khoa, Ðại úy Trịnh Văn Giang số tiền 30 triệu đồng. Bọn tội phạm hối lộ đã không thoát tội trước tinh thần cảnh giác, kiên quyết tiến công tội phạm và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân của cán bộ, chiến sĩ Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa.
Theo Báo Nhân Dân.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)