“Nhờ tăng cường thực hiện công tác tuần tra kiểm soát, kiên quyết xử lý vi phạm và tích cực tuyên truyền Luật giao thông đường thuỷ (GTĐT) nên thời gian qua, nhận thức từ phía người tham gia giao thông trên tuyến đường thuỷ vùng lòng hồ sông Đà đã có những chuyển biến tích cực từ ý thức đến hành động. Điều đó đã góp phần đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên tuyến đường thuỷ quan trọng này”, Trung tá Từ Mạnh Dũng, Đội Trưởng đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường thuỷ - Công an tỉnh cho biết.
“Nhờ tăng cường thực hiện công tác tuần tra kiểm soát, kiên quyết xử lý vi phạm và tích cực tuyên truyền Luật giao thông đường thuỷ (GTĐT) nên thời gian qua, nhận thức từ phía người tham gia giao thông trên tuyến đường thuỷ vùng lòng hồ sông Đà đã có những chuyển biến tích cực từ ý thức đến hành động. Điều đó đã góp phần đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên tuyến đường thuỷ quan trọng này”, Trung tá Từ Mạnh Dũng, Đội Trưởng đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường thuỷ - Công an tỉnh cho biết.
Lực lượng CSGT đường thuỷ thường xuyên kiểm tra các chủ phương tiện.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Tuyến đường thuỷ vùng hồ sông Đà được xem là một trong những tuyến giao thông quan trọng nối với các tỉnh vùng Tây Bắc. Với đặc thù riêng nên hoạt động của các phương tiện thuỷ rất phức tạp. Điều đó cũng đã làm cho công tác tuần tra kiểm soát (TTKS) của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê, hiện có khoảng hơn 800 phương tiện thuỷ các loại hoạt động thường xuyên trên vùng hồ từ Hoà Bình lên đến Sơn La. Trên toàn tuyến với chiều dài hơn 100km có 18 chợ ven sông, ngoài ra còn có 5 bến đò ngang, 5 bến khách du lịch và 5 bến bốc xếp hang hóa. Lượng tàu thuyền qua lại nhiều trong khi đó vùng lòng hồ sông Đà có mực nước lớn, độ dốc cao, nhiều luồng lạch nguy hiểm đã gây nhiều khó khăn cho công tác TTKS đảm bảo ANTT và ATGT đường thủy. Trung tá Từ Mạnh Dũng, Đội Trưởng Đội CSGT đường thủy cho biết: Trong công tác quản lý đảm bảo ANTT và ATGT trên tuyến đường thủy vùng lòng hồ sông Đà vẫn còn rất nhiều khó khăn. Qua nắm bắt thấy rằng người dân trực tiếp tham gia giao thông trên tuyến hiểu biết pháp luật vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Do vậy, tình trạng vi phạm về ATGT đường thủy vẫn còn phức tạp và khá phổ biến đối với người điều khiển, phương tiện tham gia giao thông trên tuyến. Phổ biến nhất vẫn là các lỗi vi phạm như phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; không trang bị phao cứu sinh; người điều khiển phương tiện chưa có bằng thuyền trưởng…
Cũng theo Trung tá Từ Mạnh Dũng, để lập lại trật tự ATGT đường thủy, đồng thời góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Luật GTĐT cho các chủ phương tiện tham gia giao thông trên tuyến, lực lượng CSGT đường thủy đã tích cực đẩy mạnh thực hiện công tác TTKS và kiên quyết xử lý các vi phạm. Chỉ tính riêng trong tháng 9 và tháng 10 năm 2009, số tiền phạt các lỗi vi phạm của các phương tiện đã lên đến hơn 50 triệu đồng. Số tiền phạt này bằng ½ tổng số tiền phạt của 2 năm 2007 – 2008. Trong tháng 9, lực lượng CSGT đường thuỷ đã tăng cường TTKS, lập biên bản 50 trường hợp với số tiền phạt là 36,5 triệu đồng, con số này đã gần bằng lượng xử phạt trong 6 tháng đầu năm. Tiếp tục duy trì từ đầu tháng 10, lực lượng CSGT đường thuỷ cũng đã lập biên bản xử phạt 55 trường hợp. Cá biệt có ngày đã lập biên bản xử lý hàng chục trường hợp vi phạm.
Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh công tác TTKS ngày 3/5/2009 đội tuần tra do Thiếu uý Đào Trần Quang làm tổ trưởng tại địa phận đền Bờ xã Vầy Nưa (Đà Bắc) đã phát hiện một thuyền có tải trọng 15 tấn không biển số đi từ hướng Sơn La về Hoà Bình. Nhận thấy có dấu hiệu bất minh, tổ tuần tra đã dừng phương tiện kiểm tra, chủ phương tiện đã không chấp hành hiệu lệnh. Sau khi đuổi theo và đưa phương tiện về vị trí kiểm tra các thủ tục giấy tờ theo quy định, lực lượng tuần tra đã phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức khám xét phương tiện. Qua khám xét đã phát hiện 3 bánh Heroin được giấu trên thuyền. Tổ tuần tra đã bắt giữ các đối tượng Đỗ Văn Thọ, sinh năm 1962 và đối tượng Nguyễn Văn Thọ, sinh năm 1970 cả 2 đều trú quán tại xã Yên Lạc (Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc) giao cơ chức năng xử lý.
Xử phạt mạnh - nhận thức pháp luật được nâng lên
Đó là thực tế, sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên tuyến vùng hồ sông Đà. Trung tá Từ Mạnh Dũng, Đội trưởng Đội CSGT đường thuỷ cho biết: Công tác xử phạt chỉ ở mức độ nhất định nhưng qua đó để tuyên truyền mới là chính. Có phương tiện chỉ mắc 1 lỗi vi phạm nhưng đã bị phạt đi phạt lại đến mấy lần như các phương tiện không kẻ vạch mớm nước, không trang bị đầy đủ phao cứu sinh... Qua việc kiên quyết xử lý vi phạm nhận thức của người điều khiển phương tiện đã được nâng lên rất nhiều trong việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về ATGT đường thuỷ.
Song song với công tác kiểm tra, xử lý, lực lượng CSGT đường thuỷ cũng đã tăng cường công tác TTKS trên tuyến nhằm đảm bảo trật tự ATGT đường thuỷ, nhất là vào ban đêm. Đại uý Phạm Vũ Hà Minh, Đội phó đội CSGT đường thuỷ cho biết: Việc đẩy mạnh TTKS trên tuyến vào ban đêm nhằm kiên quyết cấm các phương tiện, nhất là các phương tiện thuỷ gia dụng hoạt động vào ban đêm. Bởi khi hoạt động vào ban đêm, nhiều người không thuộc luồng lạch, không được trang bị đầy đủ phương tiện trang tiết bị như phao cứu sinh, đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng do vậy rất nguy hiểm. Đặc biệt vào ban đêm các phương tiện vận tải chuyên chở vật liệu xây dựng với trọng tải lớn thường xuyên hoạt động. Nếu không có các biện pháp phòng ngừa thì cũng rất dễ xảy ra tai nạn.
Trung tá Từ Mạnh Dũng cho biết thêm: Nhằm đảm bảo ATGT đường thuỷ cũng như nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân, tới đây chúng tôi sẽ xây dựng lộ trình xử lý vi phạm và thống nhất với cảng vụ cách quản lý các phương tiện ra vào bến bãi một cách hợp lý, Đồng thời phối hợp với cơ quan Đăng kiểm, Thanh tra giao thông, Đoạn quản lý đường sông số 9, cảng vụ... tiến hành kiểm tra điều kiện hoạt động của các phương tiện và các xưởng sản xuất đóng mới phương tiện tàu thuyền. Qua đó tuyên truyền, nhắc nhở việc thực hiện pháp luật và đảm bảo ATGT đường thuỷ.
Đầu tháng 9 vừa rồi, Đội CSGT đường thuỷ cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc mặc áo phao cho các cháu học sinh vùng hồ khi đi học bằng thuyền. Ngoài ra, còn phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức ký cam kết giữa gia đình, nhà trường trong việc vận động nhắc nhở các cháu mặc áo phao khi đi học bằng thuyền.
Trên thực tế với việc đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường TTKS, xử lý vi phạm nên đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc chấp hành Luật GTĐT của người dân. Đại uý Phạm Vũ Hà Minh khẳng định: Qua việc xử phạt mạnh và đẩy mạnh tuyên truyền, nhận thức của người dân đã được nâng lên rất nhiều. Nếu như trước đây đa số các phương tiện không sơn vạch mớm nước nhưng sau khi xử phạt mạnh đã tạo sự chuyển biến rõ ràng, người dân đã nghiêm chỉnh chấp hành. Tương tự như vậy, việc đăng kiểm phương tiện thuỷ trước đây người dân chưa ý thức được thì sau khi được tuyên truyền và xử phạt nghiêm, người dân cũng đã tự giác chấp hành nghiêm chỉnh.
Sự chuyển biến về ý thức chấp hành Luật GTĐB của người dân đã mang lại sự bình yên, lập lại trật tự ATGT trên tuyến đường thuỷ huyết mạch vốn khá phức tạp đã tạo sự an toàn trong việc thông thương nối giữa Hoà Bình với các tỉnh vùng Tây Bắc trong thời gian qua và tiếp tục trong thời gian tới đây.
Theo HBĐT