Hơn một nửa trong số các bến đò trên địa bàn tỉnh không có giấy phép mở bến vẫn ngang nhiên hoạt động; trên 60% số phương tiện thủy không đăng ký, đăng kiểm. Thực trạng trên đã làm cho việc đảm bảo ATGT trên các tuyến đường thuỷ của Nghệ An trở thành vấn đề "nóng" cần được quan tâm giải quyết.
Hơn một nửa trong số các bến đò trên địa bàn tỉnh không có giấy phép mở bến vẫn ngang nhiên hoạt động; trên 60% số phương tiện thủy không đăng ký, đăng kiểm. Thực trạng trên đã làm cho việc đảm bảo ATGT trên các tuyến đường thuỷ của Nghệ An trở thành vấn đề "nóng" cần được quan tâm giải quyết.
Bến đò Phuống ở Thanh Giang (Thanh Chương)
Địa bàn tỉnh có 13 con sông lớn, nhỏ với tổng chiều dài trên 1.000 km. Ngoài ra còn có 82km bờ biển, 6 cửa lạch ra biển và một số luồng tuyến thủy nội địa từ bờ ra các đảo... Các tuyến sông nhiều đoạn có độ dốc lớn và phức tạp do sự phân lưu và hợp lưu của các nhánh sông, về mùa mưa lụt nước chảy xiết tạo thành nhiều dòng xoáy.
Theo số liệu thống kê của đoàn kiểm tra liên ngành về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tại Quyết định số 1299/QĐ.UBND-NC ngày 13 tháng 4 năm 2009 của UBND tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 63 bến khách ngang sông đang hoạt động, trong đó có 33 bến chưa được cấp phép mở bến chiếm 52,4%. Các bến khách ngang, dọc sông tập trung chủ yếu ở sông Lam có mặt nước rộng và ở các sông nhánh có địa hình hiểm trở, xa trung tâm huyện lỵ. Tổng phương tiện chở khách ngang sông 123 chiếc chủ yếu là thuyền gỗ gắn máy hoặc chèo tay, sức chở từ 5 đến 12 người, trong đó có 83 chiếc chưa đăng ký, chiếm 67,5% tổng số phương tiện, chưa đăng kiểm an toàn kỹ thuật 68 phương tiện, chiếm 60,7%; 119 phương tiện chưa tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự, chiếm 96,7%. Tổng số người điều khiển phương tiện là 151 người, trong đó 119 người có Chứng chỉ chuyên môn (CCCM), chiếm 78,8% (tăng 25,1% so với năm 2008), số người không có CCCM là 32 người, chiếm 21,2%.
Hiện nay trên địa bàn có 262 phương tiện khai thác và vận chuyển cát sỏi, 38 phương tiện khai thác sa khoáng khác. Việc quản lý nhà nước về hoạt động vận chuyển hàng hóa và khai thác khoáng sản trên sông còn tồn tại nhiều bất cập. Các địa phương chưa kiểm soát được con người và phương tiện khai thác; các điểm khai thác tự phát, không có quy hoạch cụ thể. Việc thanh thải, trả lại dòng chảy của sông, kênh sau khi khai thác hầu như không được thực hiện, gây mất an toàn giao thông đường thủy và ảnh hưởng đến môi trường.
Với đặc điểm tuyến thủy nội địa đa dạng và phức tạp, dân cư sinh sống phân tán ở hai bên bờ sông, thời gian qua tỉnh đã đầu tư xây dựng một số cầu treo qua sông tại các bến đò trọng điểm, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu đi lại nên người dân vẫn phải qua sông bằng phương tiện đò ngang. UBND tỉnh đã có Quyết định số 49/2008/QĐ.UBND ngày 29/8/2008 về việc "Ban hành Quy định chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp bến khách; đóng, mua mới thuyền vận chuyển khách ngang sông trên địa bàn tỉnh Nghệ An", tuy nhiên việc triển khai thực hiện vẫn còn chậm, chưa cải thiện được tình trạng "6 không" là: bến đò không được đầu tư xây dựng, nâng cấp đảm bảo tiêu chuẩn; Phương tiện không được kiểm định an toàn kỹ thuật, không đăng ký hành chính; người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện sức khỏe, không có CCCM phù hợp vẫn được chính quyền địa phương cho phép hoạt động.
Trước thực trạng trên thiết nghĩ các ngành chức năng, chính quyền địa phương các cấp cần có sự quan tâm hơn nữa đến công tác ATGT đường thuỷ. Cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, đặc biệt là hoạt động khai thác khoáng sản trên sông. Hỗ trợ, hướng dẫn các chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện làm đầy đủ các thủ tục đăng ký, đăng kiểm, xin cấp giấy phép mở bến, tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Yêu cầu các xã, phường, thị trấn lập phương án đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa một cách cụ thể, đối với các bến khách ngang sông trình UBND cấp huyện phê duyệt. Đồng thời bố trí các lực lượng chức năng ở địa phương giám sát việc chở quá tải đối với các bến có lượng học sinh qua lại đông. Chấm dứt tình trạng vận chuyển khách bằng hệ thống ròng rọc như các bến Bản Côi (Tương Dương), bến xóm 8 Bình Sơn (Anh Sơn), bến Cồn Phối (Tân Kỳ) và tình trạng phân bổ mỗi hộ dân trong thôn, bản chèo 2 ngày để phục vụ đi lại như tại bến đò Bản Côi (Tương Dương).
Tiếp tục hỗ trợ bổ sung các thiết bị cứu sinh cho các bến khách ngang sông, đặc biệt là các dụng cụ cứu sinh, cứu nạn vừa được Cục đăng kiểm Việt Nam chế tạo để thay thế loại cũ, hư hỏng. Xây dựng bổ sung hệ thống biển báo hiệu đường thuỷ nội địa và bảng nội quy, quy chế cho các bến khách ngang sông. Tiếp tục tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện thuỷ nội địa nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về Giao thông đường thuỷ đến các chủ phương tiện và người dân 2 bên bờ sông bằng các hình thức phù hợp với trình độ nhận thức của từng người dân.
Theo nghean.gov.vn