Hải dương nỗ lực kiềm chế TNGT

Thứ sáu, 24/07/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tình hình trật tự ATGT đường bộ ở Hải Dương  tháng 6/2009 tiếp tục diễn biến phức tạp, chủ yếu do việc thực thi các giải pháp bảo đảm ATGT ở cấp cơ sở còn biểu hiện thiếu quyết tâm.
 
Tình hình trật tự ATGT đường bộ ở Hải Dương  tháng 6/2009 tiếp tục diễn biến phức tạp, chủ yếu do việc thực thi các giải pháp bảo đảm ATGT ở cấp cơ sở còn biểu hiện thiếu quyết tâm.
 



 
Địa bàn “nóng”, vẫn phổ biến vi phạm

 
Theo số liệu của Công an tỉnh Hải Dương, từ  1/12/2008 -  30/6/2009, trên địa bàn Tp. Hải Dương xảy ra 43 vụ TNGT đường bộ, làm 24 người chết và 43 người bị thương; tăng 15 người chết và 27 người bị thương so với cùng kỳ. Trong tuần đầu tiên của tháng 7/2009, khi thực tế tình hình thực thi Luật GTĐB năm 2008 (sửa đổi) tại Tp. Hải Dương - địa bàn “nóng” nhất về TNGT, chúng tôi khá ngạc nhiên bởi phổ biến tình trạng vi phạm pháp luật ATGT. Dễ thấy nhất là vi phạm đội MBH không cài quai, với những hình ảnh khá chướng mắt như  quàng dây quai lên mũ, để dây sau gáy, buông thõng... Cùng đó, không ít trường hợp đội mũ bảo hộ lao động hoặc không đội MBH. Đối với ôtô, cũng không khó để nhận thấy người ngồi hàng ghế phía trước không thắt dây an toàn, xe khách, xe buýt tuỳ tiện dừng bắt khách. Đáng nói, tại một số nút đèn tín hiệu giao thông, dù có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ nhưng nhiều người vi phạm không bị xử lý.
 
Sáng 9/7, tại ngã tư Máy Sứ, Tp. Hải Dương, khi được hỏi lý do không xử lý vi phạm, hai chiến sỹ CSGT nêu lý do vì vi phạm nhiều quá, xử lý không xuể (!?). Đây là điều khá bất ngờ, bởi từ ngày 3/7/2009, trên nhiều tuyến phố thấy có các đoàn diễu hành, tuyên truyền về thực hiện đợt cao điểm tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT theo chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh. Mặt khác, đây cũng là trong thời gian Công an thành phố và Thanh tra Sở GTVT Hải Dương phối hợp thực hiện đợt cao điểm tổng kiểm tra xe khách, xe buýt và taxi trên địa bàn.
 
Với mong muốn được giải đáp thắc mắc này, chiều 9/7, chúng tôi đến Công an Tp. Hải Dương gặp lãnh đạo đơn vị và Đội trưởng CSGT nhưng đều bị từ chối cung cấp thông tin, yêu cầu phóng viên lấy thông tin từ Công an tỉnh.
 
TNGT tăng do chủ quan
 
Tính từ tháng 12/2008 đến tháng 6/2009, trong tổng số 381 người chết do TNGT, nạn nhân là người địa phương chiếm tới 89,3%; và trong 6 tháng đầu năm 2009, số vụ TNGT do người tham gia giao thông gây ra cũng chiếm tới 89%. Điều đó phần nào cho thấy công tác tuyên truyền, phổ biến quy tắc tham gia giao thông cũng như giáo dục ý thức chấp hành Luật GTĐB ở địa phương chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đơn cử, theo quy định của Bộ Công an, những trường hợp  vi phạm pháp luật ATGT sau khi bị xử lý vi phạm hành chính phải được thông báo về nơi cư trú, học tập, công tác để phối hợp giáo dục, nhưng đến nay chỉ có Phòng CSGT Công an tỉnh và Công an huyện Kinh Môn thực hiện nghiêm túc.
 
Theo Công an tỉnh Hải Dương, một số nguyên nhân chủ quan khác dẫn đến gia tăng TNGT là do thiếu sự phối hợp thường xuyên giữa các ngành, lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Có thể thấy, ở nhiều địa phương, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an phường, trật tự viên... cũng được huy động vào công tác bảo đảm trật tự ATGT, trong khi ở Hải Dương chủ yếu do CSGT thực hiện. Bên cạnh đó, việc huy động lực lượng công an xã tham gia công tác bảo đảm trật tự ATGT ở địa phương đang ít được quan tâm, khiến công tác bảo đảm ATGT địa bàn nông thôn kém hiệu quả. Nguyên nhân do công an thành phố, các huyện thiếu chủ động, đôn đốc thực hiện  chủ trương này. Thậm chí, có 4 địa phương là Tp. Hải Dương, huyện Cẩm Giàng, Thanh Hà và Kim Thành không báo cáo kết quả công tác bảo đảm ATGT của lực lượng công an xã.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)