Điều thấy rõ nhất ở đây chính là việc xây dựng và thực hiện tiêu chí của Tháng ATGT. Tháng ATGT lấy chủ đề “văn hoá giao thông” làm mục tiêu thực hiện đã qua đi, nhưng “văn hoá giao thông” thì không đọng lại nhiều trong suy nghĩ của mỗi người dân nói riêng và trong công tác bảo đảm trật tự ATGT nói chung, bởi nhiều người tham gia giao thông vẫn còn rất mơ hồ về khái niệm này, nói gì đến việc thực thi nó.
Trong Tháng ATGT, mặc dù số vụ, số người chết từ tai nạn giao thông không tăng cao (toàn tỉnh xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông, làm 9 người chết, không tăng, giảm số vụ, số người chết so tháng 8, tăng 2 vụ so Tháng ATGT quốc gia năm 2008), song thực tế cho thấy, công tác bảo đảm trật tự ATGT vẫn chưa đi vào nền nếp, ổn định.
CSGT tăng cường xử lý vi phạm Luật GTĐB
Điều thấy rõ nhất ở đây chính là việc xây dựng và thực hiện tiêu chí của Tháng ATGT. Tháng ATGT lấy chủ đề “văn hoá giao thông” làm mục tiêu thực hiện đã qua đi, nhưng “văn hoá giao thông” thì không đọng lại nhiều trong suy nghĩ của mỗi người dân nói riêng và trong công tác bảo đảm trật tự ATGT nói chung, bởi nhiều người tham gia giao thông vẫn còn rất mơ hồ về khái niệm này, nói gì đến việc thực thi nó.
Thế nào là “văn hoá giao thông”, các tiêu chí của “văn hoá giao thông” ra sao?… rất mờ nhạt, không có một khái niệm cụ thể. Trong khi đó, trình độ dân trí còn thấp, không đồng đều, nên “văn hoá giao thông” chưa thực sự đi vào cuộc sống. Phỏng vấn một số người dân về “văn hoá giao thông”, hầu hết họ cho rằng không hiểu lắm hoặc chưa hiểu. Có lẽ vì thế mà những hành vi vi phạm Luật Giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Ngay trên địa bàn thành phố Bắc Ninh, những cảnh tượng đèo 2-3 người, không đội mũ bảo hiểm và phóng “bạt mạng” của đối tượng thanh niên vào buổi tối còn khá phổ biến. Những chiếc xe quá tải với đất, cát… rơi vãi xuống đường, làm “bụi mù” các tuyến phố, gây ô nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tham gia giao thông cứ diễn ra hàng ngày.
Ở một số địa phương, nhiều người điều khiển phương tiện cơ giới còn chưa thực sự hiểu Luật Giao thông. Đáng lo ngại hơn là xe công nông vẫn hoạt động rầm rộ. Điển hình như trên các tuyến đê sông Cầu, sông Đuống, địa phận xã Dũng Liệt (Yên Phong) hay xã Bằng An, Việt Thống (Quế Võ), một số vùng Song Giang, Giang Sơn, Trung Kênh, An Thịnh của huyện Gia Bình, Lương Tài… Tại địa bàn xã Phong khê (thành phố Bắc Ninh), phường Châu Khê, Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn)… thì đây còn là phương tiện vận chuyển chính.
Cùng với những tồn tại đó, việc vi phạm hành lang ATGT ngang nhiên tái diễn ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Ngay trong Tháng ATGT, tại cổng Bệnh viện Đa khoa thị xã Từ Sơn, hàng quán lấn hành lang ATGT mọc lên san sát, che khuất hết tầm nhìn của người tham gia giao thông. Được biết, nơi đây đã từng tốn rất nhiều tiền của, công sức của các ngành chức năng từ tỉnh đến thị xã và lực lượng công an viên phường Đồng Nguyên, nhằm giải toả triệt để những vi phạm trên, song cũng chỉ như “đá ném ao bèo”. Những hành vi vi phạm đó chính là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất ATGT.
Mặc dù vậy, chúng ta cũng không thể phủ nhận sự nỗ lực của các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện Tháng ATGT vừa qua. Ngay từ cuối tháng 8, đồng loạt các huyện, thành phố đã tổ chức ra quân hưởng ứng Tháng ATGT. Tuyên truyền mạnh Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, tập trung vào 3 chủ đề chính: Quy tắc giao thông đường bộ; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; nói không với rượu, bia khi điều khiển phương tiện. Nhiều hình thức như thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, toạ đàm, nói chuyện ngoại khoá về ATGT đã được tổ chức rộng khắp ở từng thôn, xóm… Đặc biệt là việc gắn phong trào toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư, có biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể thực hiện và làm tốt công tác bảo đảm ATGT vẫn được duy trì. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của mỗi người dân khi tham gia giao thông.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các lực lượng chức năng đã và đang tiếp tục làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát, tổ chức thành từng đợt cao điểm, xử lý nghiêm những vi phạm Luật Giao thông, tập trung vào các lỗi chính như: chạy quá tốc độ quy định, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, uống rượu bia khi điều khiển phương tiện, chở quá tải, quá số người quy định lạng lách, đánh võng… nhằm răn đe, giáo dục ý thức của đối tượng vi phạm và nhân dân.
Thượng tá Nguyễn Văn Toan, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh nhấn mạnh: "Không chỉ trong Tháng ATGT mà lực lượng CSGT vẫn tiếp tục mở các đợt cao điểm, duy trì tuần tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục trên các tuyến đường, địa bàn trọng điểm, với quyết tâm đưa ATGT đi vào nền nếp". Trong tháng 9, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 4.828 lượt phương tiện cơ giới vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tăng 2.225 trường hợp so tháng 8 và tăng 689 trường hợp so Tháng ATGT năm 2008, xử phạt, nộp Kho bạc Nhà nước hơn 647,4 triệu đồng. Đây là hình thức giáo dục hữu hiệu nhất để mỗi người thực hiện nghiêm Luật khi tham gia giao thông.
Để công tác bảo đảm trật tự ATGT thực sự phát huy hiệu quả thì trước hết phải xây dựng rõ ràng các tiêu chí “văn hoá giao thông”, gắn với khen thưởng, kỷ luật trong thực hiện và phải được duy trì thường xuyên, liên tục, không chỉ trong Tháng ATGT. Đồng thời phải có sự đồng thuận của nhân dân cùng các cấp chính quyền địa phương, các ngành chức năng trong thực thi Luật. Như vậy, ATGT sẽ mang lại bình yên, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà.
Nguồn: Báo BN