Thực tế trên đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục về Luật Giao thông, nâng cao nhận thức cho mọi người khi tham gia giao thông. “Tháng Văn hóa giao thông” mới chỉ là bước khởi đầu để xây dựng nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông. Công việc này cần phải làm liên tục, lâu dài để tạo ra tác phong, thói quen, ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông như là một chuẩn mực đạo đức của người dân khi tham gia giao thông.
Thực tế trên đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục về Luật Giao thông, nâng cao nhận thức cho mọi người khi tham gia giao thông. “Tháng Văn hóa giao thông” mới chỉ là bước khởi đầu để xây dựng nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông. Công việc này cần phải làm liên tục, lâu dài để tạo ra tác phong, thói quen, ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông như là một chuẩn mực đạo đức của người dân khi tham gia giao thông.
Tháng 9/2009 được chọn là Tháng An toàn giao thông với chủ đề trọng tâm là “Tháng Văn hóa giao thông” nhằm mục đích tạo ra thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật và ý thức tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức, là biểu hiện văn hóa, văn minh của người dân khi tham gia giao thông.
Các đơn vị, địa phương ở Quảng Trị đã tích cực tham gia “Tháng An toàn giao thông” với những việc làm cụ thể, thiết thực. Ngay sau lễ phát động ra quân, các địa phương đã tổ chức các đội tuyên truyền lưu động về tận khu dân cư để phổ biến các nội dung của Tháng An toàn giao thông, Luật Giao thông đường bộ. Công tác tuyên truyền đã có bước đổi mới, hướng vào các nội dung cụ thể như phổ biến những điểm mới của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, trong đó quy định nồng độ cồn đối với lái xe, trẻ em phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi sau xe máy, mô tô tham gia giao thông, các quy định mức xử phạt khi vi phạm Luật Giao thông...
Tự giác chấp hành Luật Giao thông là có văn hóa khi tham gia giao thông
Đối tượng tuyên truyền đã hướng mạnh vào học sinh, sinh viên. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, trong tháng 9, lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông đã tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) cho 1.900 sinh viên Trường cao đẳng sư phạm, Trường trung cấp Y tế Quảng Trị và hơn 10.000 học sinh các trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh.
Do tính chất của “ Tháng Văn hóa giao thông” nên một số buổi tuyên truyền đã chú trọng xây dựng phong cách ứng xử khi tham gia giao thông, thái độ khoan hòa, thông cảm, nhường nhịn, chia sẻ, trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng khi xảy ra các vụ va quyệt, tai nạn. Đó cũng là một cách tuyên truyền, giáo dục về tình người, lòng nhân ái khi tham gia các hoạt động xã hội.
Bên cạnh đó Ban ATGT của tỉnh cũng đã phát 7.700 tờ rơi, áp phích tuyên truyền “Tháng An toàn giao thông”, ở các tuyến phố, khu tập trung dân cư, đều có băng rôn, khẩu hiệu với các dòng chữ như “Đã uống rượu, bia thì không lái xe, đã lái xe thì không uống rượu, bia”, “Hãy thể hiện là người có văn hóa khi tham gia giao thông”...
Ngoài công tác tuyền truyền, cổ động trực quan, lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông phối hợp với các địa phương ra quân tháo dỡ các điểm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang đường bộ, đường sắt, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm...
Một số địa phương như Đông Hà, thị xã Quảng Trị, sau khi được tuyên truyền, phổ biến pháp luật, học sinh các trường học đã ký cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật về TTATGT. Hưởng ứng cuộc thi tìm hiểu Luật GTĐB có chủ đề “ Nông dân với an toàn giao thông” do Ủy ban ATGT quốc gia phát động, đến nay huyện Cam Lộ, thành phố Đông Hà đã hoàn thành cuộc thi chung kết, các địa phương khác đang tiếp tục triển khai.
Trong tháng 9 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải tổ chức cuộc thi “ Lái xe với an toàn giao thông, đạo đức nghề nghiệp” cho các đối tượng lái xe tại các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa, kinh doanh vận tải hành khách, có 6 đơn vị với hàng trăm lái xe tham gia cuộc thi này. UBMTTQ tỉnh đã tổ chức hội thi tìm hiểu Luật GTĐB tại huyện Triệu Phong; tổ chức tập huấn Luật Giao thông cho cán bộ Mặt trận và tuyên truyền viên các xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Trong Tháng An toàn giao thông, các tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể đều vào cuộc, qua đó tạo được chuyển biến nhận thức về trật tự, an toàn giao thông. Sự phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng, địa phương đã mang lại kết quả tích cực. Thống kê của Ban ATGT tỉnh cho thấy trong tháng 9/2009 các lực lượng chức năng đã phát hiện 1.366 trường hợp ô tô vi phạm; giảm 145 trường hợp so với tháng trước; 1.974 trường hợp mô tô, xe máy vi phạm.
Về tai nạn giao thông xảy ra 13 vụ, làm chết 12 người, bị thương 12 người, thiệt hại tài sản khoảng 35 triệu đồng, so với tháng 8/2009 giảm 5 vụ, giảm 3 người chết, giảm 4 người bị thương ; so với tháng 9/2008 giảm 3 vụ, giảm 1 người chết, giảm 1 người bị thương. Đường sắt và đường thủy nội địa không xảy ra vụ tai nạn nào.
Tuy vậy, qua thực hiện Tháng An toàn giao thông cũng đã nổi lên một số vấn đề cần quan tâm giải quyết: Số vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông cả ô tô và xe máy đều còn cao, ý thức chấp hành Luật Giao thông của một số đối tượng hạn chế. Trong tháng 9 các ngành chức năng đã lập biên bản xử phạt 389 trường hợp ô tô vi phạm tốc độ, 126 trường hợp dừng đỗ sai quy định.
Về mô tô, xe máy có 577 trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, 296 trường hợp vi phạm tốc độ; 22 trường hợp vượt đèn đỏ... Số tiền xử phạt lên tới hơn 950 triệu đồng, có 37 trường hợp bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện 29 xe mô tô, 149 xe ô tô.
Thực tế trên đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục về Luật Giao thông, nâng cao nhận thức cho mọi người khi tham gia giao thông. “Tháng Văn hóa giao thông” mới chỉ là bước khởi đầu để xây dựng nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông. Công việc này cần phải làm liên tục, lâu dài để tạo ra tác phong, thói quen, ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông như là một chuẩn mực đạo đức của người dân khi tham gia giao thông.
Theo QTOnline