Thực hiện Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường sắt, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do các địa phương chưa thật sự quan tâm vào cuộc nên tiến độ thực hiện kế hoạch hiện đang chậm so với quy định.
Thực hiện Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường sắt, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do các địa phương chưa thật sự quan tâm vào cuộc nên tiến độ thực hiện kế hoạch hiện đang chậm so với quy định.
Theo kế hoạch 1116/KH-UBND của UBND tỉnh về lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt thì đến hết 30-8-2008, các cơ quan, đơn vị chuyên môn phải xác định xong phạm vi giới hạn hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, cắm mốc lộ giới theo quy định và bàn giao cho chính quyền cấp huyện, xã quản lý; đến hết 31-8-2009, phải rà soát, thống kê xong đất lấn chiếm, các công trình xây dựng trái phép, đồng thời tổ chức tuyên truyền giáo dục, vận động nhân dân tự tháo dỡ giải toả và chỉ thực hiện cưỡng chế khi cần thiết…
Ông Hoàng Văn Nguyên, Phó Ban chỉ đạo lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt tỉnh cho biết: Toàn tỉnh có 161 xã, thị trấn có quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua với tổng chiều dài gần 630km gồm 3 tuyến quốc lộ (31, 37, 279) và 19 tuyến tỉnh lộ. Nhưng trong quá trình thực hiện, hầu hết các địa phương, đơn vị đều triển khai chậm so với kế hoạch đề ra. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo, từ cuối năm 2008 đến hết tháng 5- 2009, toàn tỉnh có 32 xã kiểm đếm phân loại xong, 37 xã, thị trấn đang kiểm đếm, 92 xã chưa triển khai kiểm đếm được trường hợp nào. Khi được đôn đốc, nhắc nhở, đến hết tháng 6 mới có thêm 12 xã hoàn thành xong việc kiểm đếm phân loại. Một trong những đơn vị chậm muộn phải kể đến là thành phố Bắc Giang. Là địa phương có tỉnh lộ, quốc lộ chạy qua 7 phường, xã với chiều dài khoảng 10km, song đến ngày 13-7, thành phố mới có 4 đơn vị báo cáo kết quả cụ thể, còn lại chưa có động tĩnh gì. Đáng chú ý, khi chúng tôi tìm hiểu về kết quả thống kê, phân loại các trường hợp vi phạm ở xã Đa Mai thì được biết xã vẫn chưa triển khai tổ chức việc kiểm đếm nên không có số liệu báo cáo (?!). Ngoài thành phố Bắc Giang, hai huyện Việt Yên và Hiệp Hoà cũng trong tình trạng tương tự. Đầu tháng 6, Hiệp Hoà vẫn còn 11/18, Việt Yên còn 13/14 xã, thị trấn có quốc lộ, tỉnh lộ đi qua chưa thống kê, kiểm đếm. Tình trạng trên xảy ra không chỉ ở đường bộ mà đối với đường sắt cũng đang gặp khó khăn. Theo kế hoạch, việc bàn giao mốc lộ giới, rà soát, đánh giá tình hình vi phạm hành lang ATGT đường sắt, đề xuất phương án giải quyết; vận động cá nhân, tổ chức tự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trong hành lang… phải hoàn thiện xong trong năm 2008, thế nhưng đến hết tháng 5- 2009, Công ty Quản lý đường sắt Hà Lạng mới tổ chức bàn giao xong mốc lộ giới…
Tại các buổi kiểm tra về bảo đảm ATGT của đoàn công tác liên ngành tỉnh, đại diện ban chỉ đạo một số huyện như Yên Thế, Hiệp Hoà, TP. Bắc Giang, Tân Yên, lãnh đạo Công ty Quản lý đường sắt Hà Lạng… đều lý giải nguyên nhân của sự chậm muộn là do phải tập trung giải quyết nhiều việc quan trọng, cấp thiết như triển khai kế hoạch điều tra dân số và nhà ở, giải phóng mặt bằng các dự án lớn và nhiều nhiệm vụ trọng tâm khác; phạm vi chỉ giới hành lang một số tuyến đường có biến động; chưa có kinh phí cho việc thực hiện kế hoạch nên các địa phương, đơn vị gặp khó khăn trong việc huy động nhân lực thực hiện các bước theo lộ trình… Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Nguyên, Phó Ban chỉ đạo lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt tỉnh thì đây không phải là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chậm muộn mà do các địa phương, thậm chí cả một số thành viên Ban chỉ đạo các cấp chưa thật sự quan tâm thực hiện nhiệm vụ được giao. Bằng chứng là huyện Lục Ngạn, thời gian qua chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 6 (phải dành nhiều thời gian khắc phục hậu quả sau lũ bão, chăm lo đời sống nhân dân) và cũng là địa phương có số xã, thị trấn có tỉnh lộ, quốc lộ chạy qua lớn nhất, nhì tỉnh (20 xã), nhưng nhờ quan tâm triển khai thực hiện kế hoạch nghiêm túc, nên hết tháng 5-2009, Lục Ngạn đã hoàn thành xong việc kiểm đếm phân loại sớm nhất tỉnh. Hay như Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), tuy không có trách nhiệm phải trực tiếp kiểm đếm các trường hợp vi phạm hành lang ATGT đường sắt, song để thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công, Phòng đã bố trí cán bộ đến từng cung ga, đo đạc, kiểm đếm. Đến hết tháng 1-2009 đơn vị đã hoàn thành phân loại xong trên 1.100 hộ vi phạm hành lang tại 7 cung ga với tổng chiều dài gần 70km. Ngoài một số đơn vị tích cực kể trên, qua đôn đốc, nhắc nhở, đến nay một số đơn vị như: Lục Nam, Lạng Giang, Yên Dũng cũng đã cơ bản hoàn thành xong việc thống kê, kiểm đếm và đang triển khai các bước tiếp theo.
Lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt theo Quyết định 1856 của Thủ tướng Chính phủ là kế hoạch "dài hơi", gồm nhiều giai đoạn, phần việc cụ thể. Song nếu không quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, nhất là việc thống kê, phân loại chính xác các trường hợp vi phạm làm căn cứ xử lý sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, gây những khiếu kiện không đáng có cũng như khó khăn cho việc triển khai thực hiện các công đoạn sau này. Vì thế, để bảo đảm tiến độ thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, các thành viên ban chỉ đạo các cấp, lãnh đạo các địa phương, đơn vị liên quan cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, quan tâm đôn đốc triển khai thực hiện các bước theo lộ trình, trước mắt là việc thống kê, phân loại chính xác các trường hợp vi phạm, lập danh mục các vi phạm trái phép phải tháo dỡ trong đợt này, qua đó thông báo đến từng hộ, cơ quan vi phạm biết đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm trái phép, phấn đấu hoàn thành xong trong tháng 9-2009 (kể cả các xã, phường có đường sắt chạy qua), tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện các phần việc tiếp theo.
Theo Báo Bắc Giang