Hưng Yên: Mất an toàn vì “ vượt rào” trên Quốc lộ 5

Thứ năm, 30/07/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tuyến Quốc lộ 5, đoạn qua địa bàn 2 huyện Văn Lâm và Mỹ Hào (Hưng Yên) có tổng số chiều dài khoảng 20km. Đây là tuyến đường giao thông huyết mạch của khu vực đồng bằng Bắc Bộ nên lưu lượng xe hoạt động hàng ngày rất cao. Chính vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao

Tuyến Quốc lộ 5, đoạn qua địa bàn 2 huyện Văn Lâm và Mỹ Hào (Hưng Yên) có tổng số chiều dài khoảng 20km. Đây là tuyến đường giao thông huyết mạch của khu vực đồng bằng Bắc Bộ nên lưu lượng xe hoạt động hàng ngày rất cao. Chính vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông không chỉ đối với các loại phương tiện mà ngay cả đối với người đi bộ khi tình trạng “vượt rào” đang diễn ra hàng ngày.

Điển hình gần đây nhất, vào khoảng 9h15 phút ngày 14.7.2009 tại Km 200, Quốc lộ 5, đoạn qua thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào (đối diện trường Cao đẳng Bách khoa Hưng Yên), em Vũ Thị Duyên, sinh năm 1991, ở xã Việt Hưng (Văn Lâm) đi đăng ký dự thi vào trường Cao đẳng Bách khoa Hưng Yên, do không chấp hành việc đi bộ qua cầu vượt, đã trèo qua qua rào phân cách, khi sang đến phần đường dành cho xe cơ giới thì bất ngờ xe mô tô BKS 98F5-0566 do anh Tạ Đức Cường, sinh năm 1990, ở Bắc Giang điều khiển theo hướng Hà Nội - Hải Dương đã va chạm mạnh vào Duyên. Hậu quả anh Cường chết trên đường đi cấp cứu còn Duyên bị thương nặng. Chỉ vì một phút xao nhãng, coi thường, bất chấp luật lệ giao thông nên em Duyên đã gây ra cái chết thương tâm cho người đi đường và bản thân em đành phải lỗi hẹn với mùa tuyển sinh.

Những năm qua, trên Quốc lộ 5 tình trạng người đi bộ vượt qua dải phân cách hay băng ngang qua đường vẫn diễn ra phổ biến hay nguy hiểm hơn đó là tình trạng người dân tự ý mở lối sang đường, tập trung chủ yếu ở những khu vực đông dân cư và nhà máy, trường học ở hai bên đường, vì vậy số vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ vẫn có chiều hướng gia tăng. Mặc dù dọc tuyến đã xây dựng khá nhiều cầu vượt dành cho người đi bộ, nhìn chung những cầu vượt này đều được xây dựng ở những khu vực có nhiều người đi bộ, lưu lượng giao thông lớn nhưng dường như giải pháp này chưa thực sự phát huy tác dụng, khi đa số cầu vượt bị người đi bộ “thờ ơ”, thói quen và ý thức chính là “rào cản” lớn của tình trạng này. Theo quan sát của chúng tôi, trong khoảng thời gian 10 phút đứng tại cầu vượt dành cho người đi bộ gần khu vực trường Cao đẳng Bách Khoa Hưng Yên vào giờ tan học, thời điểm đông người đi bộ nhất, cầu vượt này vẫn không được mấy người chọn dùng, trong số 10 người đi bộ thì có khoảng 2-3 người chọn giải pháp an toàn là đi qua cầu vượt, số còn lại đều chọn “đường tắt” bằng cách trèo qua dải phân cách mặc dù dải phân cách trên toàn tuyến đều được rào kín bằng những khung lưới sắt cao khoảng 1m. Bạn Nguyễn Văn Khánh, sinh viên trường Cao đẳng Bách khoa Hưng Yên lý giải: “Chiều dài của cầu vượt gấp 3-4 lần đi bộ dưới lòng đường. Những lúc muộn giờ học hay mệt mỏi sau một ngày học mà lại phải leo hết cầu thang bên này rồi chạy xuống cầu thang bên kia thì rất mệt và mất thời gian. Không chỉ em mà nhiều bạn đều chọn cách đi nhanh nhất đó là trèo qua rào, chỉ cần để ý xe cộ 1 chút thôi”. Còn anh Lê Văn Tuấn, thị trấn Bần Yên Nhân cho rằng: “Thực ra đi qua cầu vượt thì an toàn hơn. Nhưng tôi ở đây quen địa hình, địa thế rồi, biết cách qua đường nên không có vấn đề gì cả (?!)”

Theo thống kê của Công an huyện Mỹ Hào, 6 tháng đầu năm 2009 trên địa bàn đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan trực tiếp đến người đi bộ. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành luật lệ giao thông của mọi người, nhất là các bạn sinh viên còn quá hạn chế. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Sỹ Định, đội trưởng đội CSGT, Công an huyện cho biết: “ Huyện Mỹ Hào có khoảng 13km Quốc lộ 5 đi qua, có mật độ giao thông tương đối cao, nhằm bảo đảm an toàn cho người đi bộ dọc tuyến được bố trí với 6 cầu vượt ngang đường. Nhưng nhìn chung số người đi bộ chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông rất hạn chế, nhiều người vẫn ngang nhiên đi qua đường, thậm chí không đi đúng vào vạch sơn dành cho người đi bộ chứ đừng nói đến việc chấp hành đi qua cầu vựơt. Đây cũng là một trong những vấn đề khó khăn đối với chúng tôi, vì số lượng CBCS của đội CSGT rất mỏng, nhiệm vụ chính là tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường quản lý và luôn phải bố trí lực lượng phân luồng giao thông tại nút ngã tư Phố Nối đề phòng khi có sự cố nên chúng tôi ít có thời gian và lực lượng để giám sát đối với người đi bộ. Bên cạnh đó chúng tôi còn khó khăn trong việc thực hiện chế tài xử phạt đối với người đi bộ. Năm 2008, đội CSGT cũng đã xử phạt 6 trường hợp người đi bộ trèo qua dải phân cách theo đúng tinh thần của Nghị định 146 nhưng chủ yếu vẫn là nhắc nhở mọi người là chính. Để khắc phục tình trạng người đi bộ vượt qua dải phân cách, Công an huyện cũng đã tổ chức tuyên truyền tới từng người dân, phối hợp với các trường đóng trên địa bàn để nhắc nhở các bạn sinh viên. Nhưng dường như hiệu quả cũng chưa được như mong muốn, theo tôi chủ yếu vẫn là ý thức chấp hành của người dân khi tham gia giao thông…”

Điều 12. Xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

    a) Không đi đúng phần đường quy định

    b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường;

    c) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông.

    2. Phạt tiền từ 40.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

    a) Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông;

    b) Trèo qua giải phân cách; đi qua đường không bảo đảm an toàn;

    c) Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.

( Nguồn: Nghị định 146/2007/NĐ – CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ)

  Mặc dù chưa xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nào liên quan đến người đi bộ nhưng cũng như huyện Mỹ Hào, tình trạng người đi bộ vượt qua dải phân cách hay đi không đúng phần đường trên địa bàn huyện Văn Lâm vẫn diễn ra thường xuyên. Đặc biệt tại nút giao thông chợ Đường Cái (xã Trưng Trắc), đây được coi là nút giao thông thường xuyên xảy ra tai nạn, nguyên nhân do hàng ngày tại đây vẫn diễn ra tình trạng họp chợ, lấn chiếm phần đường dành cho xe thô sơ, xe đạp đồng thời do khu vực này tập trung đông dân cư và trên địa bàn còn có trường Cao đẳng tài chính quản trị kinh doanh với số lượng sinh viên khá đông. Thói quen và ý thức chấp hành luật lệ giao thông là điểm yếu chung của các bạn sinh viên, tình trạng dàn hàng 3, hàng 4, khoác tay nhau ngang nhiên đi dưới lòng đường là hình ảnh thường xuyên bắt gặp tại nút giao thông này. Tuy nhiên, một nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng này là do tại đây được lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông và kẻ vạch sơn dành cho người đi bộ cũng khá lâu rồi nhưng không thấy hoạt động nên các phương tiện tham giao thông đều “mạnh ai nấy đi” còn đi bộ thì buộc phải “tràn” xuống lòng đường. Bạn Lan Anh, sinh viên trường Cao đẳng tài chính – quản trị kinh doanh giãi bày: “em thuê trọ bên phía kia đường, muốn sang học sẽ phải đi bộ nên chẳng còn giải pháp nào nếu không đi dưới lòng đường. Mặc dù có “đèn xanh, đèn đỏ” nhưng có hoạt động bao giờ đâu, chúng em mà không “liều” thì đợi cả ngày cũng chẳng thể sang được đường...”. Trung tá Đỗ Việt Hùng, đội trưởng đội CSGT, Công an huyện Văn Lâm cho biết: “Với khoảng 8 km đường Quốc lộ 5 đi qua và chỉ có 1 cầu vượt dành cho người đi bộ, như vậy, so với huyện Mỹ Hào thì cả số km và số cầu vượt đều thấp hơn rất nhiều. Mặc dù chưa có vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nào liên quan đến người đi bộ nhưng đây vẫn là vấn đề luôn tiềm ẩn nguy cơ cao. Vì vậy, thời gian qua chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền tới từng người dân và tới từng các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đóng trên địa bàn. Tuy nhiên ý thức của người dân vẫn là yếu tố quyết định...”

Ðể ngăn ngừa những tai nạn đáng tiếc xảy ra, khi mà Luật giao thông đường bộ mới có hiệu lực từ ngày 1.7, các ngành chức năng cần tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, kịp thời nhắc nhở và xử lý nghiêm những người đi bộ cố ý trèo hoặc chui qua dải phân cách. Chính quyền địa phương nơi có tuyến Quốc lộ 5 chạy qua cần phải tăng cường việc quản lý địa bàn, phối hợp với các nhà trường tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ đối với học sinh, sinh viên. Tại những điểm giao cắt, ngành chức năng nên bố trí hợp lý lối sang đường dành cho người đi bộ và sớm có những chế tài cụ thể trong việc xử lý đối với những trường hợp vi phạm...

                                                                                                              Theo Bao Hung Yen

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)