Vào mùa mưa lũ, trên địa bàn tỉnh ta thường xảy ra lũ ống, lũ quét làm sạt nhiều đoạn đường, cuốn trôi cầu, cống gây ách tắc giao thông ảnh hưởng việc đi lại của nhân dân. Với chức năng là cơ quan chuyên môn, ngành Giao thông - Vận tải đã có nhiều cố gắng khắc phục hậu quả, bảo đảm giao thông trên các tuyến đường, góp phần quan trọng vào phát triển KT - XH địa phương.
Theo thống kê, 5 năm gần đây, thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với các công trình giao thông của tỉnh ta rất lớn, lên tới trên 200 tỷ đồng, riêng năm 2008 thiệt hại 105 tỷ đồng. Ngoài ra chưa kể đến thiệt hại về luân chuyển hàng hoá dịch vụ thương mại. Trao đổi về công tác bảo đảm giao thông trong mùa mưa lũ, ông Bùi Văn Mẫn, Phó Giám đốc sở Giao thông -Vận tải cho biết: “Hiện nay, toàn tỉnh có 25 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài 971 km; 2 bến phà: Pá Uôn-QL279, Vạn Yên-QL43. Trong đó, 5 tuyến Quốc lộ với chiều dài 326 km và 20 tuyến tỉnh lộ có chiều dài 645 km. Do đặc thù là tỉnh có địa hình phức tạp, các tuyến đường quanh co trên các sườn đồi, núi có địa chất không ổn định, độ dốc lớn. Mặt khác, các tuyến tỉnh lộ đang tiếp tục cải tạo, nâng cấp; hệ thống giao thông nông thôn chủ yếu là đường đất, chưa có hệ thống thoát nước…vì vậy, việc bảo đảm giao thông trong mùa mưa lũ là vấn đề hết sức khó khăn”.
Theo nhận định thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; mưa lớn kéo dài trên diện rộng gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét có thể làm ảnh hưởng rất lớn đến các công trình giao thông. Ngay từ đầu năm 2009, ngành Giao thông -Vận tải đã tập trung chỉ đạo các các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, dự kiến điểm xung yếu phát sinh, điểm nguy cơ tắc đường. Tập trung thi công hoàn thành các công trình sửa chữa đường bộ, gia cố kè các điểm sạt lở, hệ thống thoát nước; rà soát hệ thống biển báo, phao cứu sinh tại các bến phà… Phối hợp với các huyện, thành phố, các ngành liên quan xây dựng phương án hỗ trợ, ứng cứu, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Trên cơ sở kinh nghiệm từ những năm trước, ngành Giao thông - Vận tải phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thành viên; thường trực 24/24 giờ trong ngày; tăng cường công tác tuần đường trong những ngày mưa lũ; thường xuyên nắm chắc thông tin, xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra. Chủ động bố trí nhân lực, máy móc, vật tư, thiết bị trên các tuyến đường, đặc biệt lưu ý tại các vị trí xung yếu như: Km448 thuộc khu vực đèo Chẹn, km419 thuộc khu vực suối Cao trên QL37; khu vực Khe Sanh trên tỉnh lộ 105… Tại các bến phà, thường xuyên kiểm tra mức độ an toàn, đảm bảo đầy đủ phao cứu sinh, neo chằng, kê chèn khi vượt sông. Bên cạnh đó, tăng cường lực lượng thanh tra giao thông, kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm làm ảnh hưởng đến các công trình giao thông; phối hợp với CSGT và các lực lượng tổ chức phân luồng các phương tiện vận tải...
Ông Phạm Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Công ty cổ phần quản lý và xây dựng giao thông I, thông tin: Công ty có nhiệm vụ quản lý 10 tuyến tỉnh lộ, 3 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 527 km và bến phà Pá Uôn. Để chủ động đối phó với mùa mưa lũ đơn vị đã tập trung thi công dứt điểm các hạng mục; chỉ đạo 14 đơn vị Hạt thành lập các tổ xung kích; chuẩn bị 30 đầu xe máy; trong đó, bố trí 8 máy xúc, ủi tại các điểm xung yếu trên tuyến quốc lộ 4G, bến phà Pá Uôn, tỉnh lộ 115 để xử lý kịp thời những đoạn đường bị sạt lở do mưa lũ, đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa.
Với phương châm: Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục hậu quả” và thực hiện 4 tại chỗ, ngành Giao thông - Vận tải đang nỗ lực bảo đảm giao an toàn trên các tuyến đường, giữ cho mạch máu giao thông luôn thông suốt, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Báo Sơn La