Tuyên Quang: Kiên quyết hơn trong ngăn ngừa, xử lý vi phạm ATGT

Thứ tư, 26/08/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáu tháng đầu năm 2009, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 23 người, bị thương 34 người.  Tuy giảm cả về ba mặt (số vụ, số người chết và bị thương), nhưng còn nhiều tiềm ẩn  xảy ra tai nạn giao thông cần sớm được khắc phục.
Sáu tháng đầu năm 2009, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 23 người, bị thương 34 người.  Tuy giảm cả về ba mặt (số vụ, số người chết và bị thương), nhưng còn nhiều tiềm ẩn  xảy ra tai nạn giao thông cần sớm được khắc phục.
Có được kết quả này, ngay từ đầu năm, Ban an toàn giao thông tỉnh đã sớm kiểm điểm đánh giá kết quả công tác năm 2008, chỉ rõ những yếu kém, bất cập đồng thời triển khai nhiệm vụ năm 2009. Trong đó tập trung trước hết vào công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, với những nội dung được xây dựng phù hợp với từng đối tượng; phối hợp với ngành văn hóa xây dựng các chương trình thông tin tổng hợp, trong đó chú trọng tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa để chuyển tải các thông điệp về trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Cùng các tổ chức đoàn thể phát động và duy trì các phong trào công nhân, viên chức, lao động, hội viên cựu chiến binh, nông dân tham gia giữ gìn TTATGT. Các cấp bộ Ðoàn thanh niên đã tổ chức các đội thanh niên tình nguyện phối hợp lực lượng công an và thanh tra giao thông giữ gìn, hướng dẫn, điều khiển giao thông ở những điểm nút giao thông đầu mối, nơi thường xảy ra tai nạn.

Việc tuần tra, kiểm soát giao thông cũng được đẩy mạnh. Qua đó đã phát hiện, lập biên bản 24.436 trường hợp vi phạm, tạm giữ 2.029 phương tiện, 9.895 bộ giấy tờ, phạt tiền hơn 4,3 tỷ đồng. Những trường hợp vi phạm trước khi xử lý hành chính đều phải viết kiểm điểm và được xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi công tác hoặc chính quyền cấp xã nơi cư trú; các trường hợp này sau khi bị xử phạt còn được thông báo bằng văn bản về cơ quan với cán bộ, công chức và về nơi cư trú đối với nhân dân;  bị thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và nếu là công nhân, viên chức thì đây còn là căn cứ để đánh giá thi đua hằng năm. Bên cạnh đó còn thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa đường bộ; lắp đặt hệ thống biển báo hiệu ở những điểm nút, điểm đen về giao thông để cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Từ những biện pháp đồng bộ đó đã dần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho người dân, giảm   tai nạn.

Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các ngành và các cấp chưa thật sự gắn kết, còn coi việc giữ gìn TTATGT là trách nhiệm riêng của công an và thanh tra giao thông. Một số hành vi vi phạm chưa được xử lý triệt để, người điều khiển mô-tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông có chiều hướng gia tăng; tình trạng xe ô-tô chở quá khổ, quá tải, xe đỗ đậu, dừng đón trả khách sai quy định vẫn diễn ra. Nhiều cơ quan, đơn vị có công chức vi phạm TTATGT, khi có thông báo của công an gửi tới nhưng không được xử lý phòng ngừa. Công tác giáo dục pháp luật về giao thông cũng chưa được thực hiện thường xuyên nên tình trạng học sinh đi dàn hàng ngang trên đường, sử dụng lòng đường làm nơi họp chợ trái quy định vẫn diễn ra hằng ngày. Một số điểm đen trên tuyến quốc lộ chậm được sửa chữa, khắc phục. Ðây chính là nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Trung tá Phùng Ðình Lanh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, qua phân tích, các vụ tai nạn tập trung nhiều nhất vào tuyến đường tỉnh, huyện và liên thôn, bản (18/36), mặc dù được xác định đây là tuyến có lưu lượng phương tiện giao thông ít. Ðường đô thị, nơi lưu lượng giao thông lớn, người tham gia giao thông đông nhưng tai nạn chỉ có 6/36 vụ; trên các tuyến quốc lộ số vụ tai nạn là 12/36. Phương tiện gây tai nạn cũng tập trung chủ yếu vào mô-tô, xe gắn máy chiếm 41,7%; các lỗi chủ yếu là đi không đúng phần đường (41,7%), tránh vượt sai quy định (22,2%). Ðiển hình như vụ tai nạn xảy ra ngày 6-3, tại địa bàn xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn giữa 2 xe mô-tô 22H8-5927 do Nguyễn An Trường, sinh năm 1983, trú tại thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên điều khiển và xe 22H7-7581 do Trần Văn Ðịnh, sinh năm 1978, trú tại xã Tứ Quận điều khiển do cả hai đều tránh vượt sai quy định đã đâm vào nhau khiến cả hai người thiệt mạng. 

ÐỂ giảm tai nạn giao thông ở Tuyên Quang, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Ban An toàn giao thông tỉnh Phạm Văn Quang cho biết, trước hết sẽ tập trung thực hiện  tốt và thường xuyên việc tuyên truyền giáo dục Luật Giao thông đường bộ sửa đổi; phổ biến các tiêu chí văn hóa giao thông để người tham gia giao thông thực hiện ngay trong Tháng An toàn giao thông và thời gian tiếp theo; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để ngăn ngừa và xử lý nghiêm vi phạm; thường xuyên theo dõi, đánh giá công tác an toàn giao thông trong tháng, quý để nhắc nhở, kiến nghị các biện pháp thực hiện đối với các huyện, thị xã, ngành chưa làm tốt công tác bảo đảm TTATGT theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)