Thái Nguyên: Tháo gỡ "nút thắt" về giao thông

Thứ ba, 02/06/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thái Nguyên đang phấn đấu để  trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa, khoa học - kỹ thuật của vùng Việt Bắc - như Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị đã đề ra. Trong quá trình phát triển, Thái Nguyên đang tìm cách khắc phục sự yếu kém của hạ tầng giao thông.
Thái Nguyên đang phấn đấu để  trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa, khoa học - kỹ thuật của vùng Việt Bắc - như Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị đã đề ra. Trong quá trình phát triển, Thái Nguyên đang tìm cách khắc phục sự yếu kém của hạ tầng giao thông.
"Nút thắt" ảnh hưởng đến phát triển

 Thái Nguyên cách Hà Nội 80 km, có vị trí quan trọng  là "Thủ đô gió ngàn" trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Và hiện nay Thái Nguyên là "thủ đô" gang thép, là một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo của cả nước, và là đầu mối giao thông của khu vực. Mạng lưới giao thông tỉnh Thái Nguyên được phân bố theo hình nan quạt, tỏa đi các tỉnh vùng Việt Bắc xưa: Từ TP Thái Nguyên theo quốc lộ 1B sang tỉnh Bắc Giang, rồi ngược lên Lạng Sơn; theo quốc lộ 3 hướng tới tỉnh Bắc Cạn rồi đến Cao Bằng; theo đường số 2 tới các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang. Vành đai đường số 4 khép kín vòng tròn phía bắc, tạo ra một hành lang giao thông dọc tuyến biên giới  Việt Nam - Trung Quốc.

Vì thế chất lượng hạ tầng giao thông của Thái Nguyên có tác động lớn tới sự phát triển không chỉ riêng của Thái Nguyên mà của cả khu vực. Bởi vậy, sự quá tải, xuống cấp của hệ thống hạ tầng giao thông là cản ngại lớn của Thái Nguyên và các tỉnh trong khu vực trên đường phát triển. Riêng tuyến quốc lộ 3, về cơ bản vẫn là con đường "tám thước" xây dựng từ thời chống Pháp, tuy có mở rộng, sửa chữa, nhưng vẫn còn quá hẹp so với lượng xe lưu thông trên đường. Theo báo cáo của Cục Ðường bộ, tại mặt cắt khu vực cầu Ða Phúc, trung bình có 6.500 xe ô-tô/ngày, đêm, quá tải gấp nhiều lần. Tai nạn giao thông (TNGT) trên tuyến đường này ngày một tăng. Ðồng chí Ngọ Quang Tuyết, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Chỉ tính riêng trong năm 2008 trên địa bàn Thái Nguyên đã xảy ra 200 vụ TNGT, làm chết 197 người, riêng tuyến quốc lộ 3 đoạn chạy qua Thái Nguyên đã có tới 89 người chết, 53 người bị thương". Thực trạng hạ tầng giao thông vừa yếu kém, vừa mất an toàn ở Thái Nguyên đã tới mức báo động là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư  quan ngại khi tìm kiếm cơ hội làm ăn tại Việt Bắc nói chung, Thái Nguyên nói riêng.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên - trung tâm vùng, đang triển khai nhiều dự án quan trọng do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư như: Dự án quốc lộ 3 (mới) Hà Nội-Thái Nguyên; Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 3. Dự án đường cao tốc tuyến tránh TP Thái Nguyên; Dự án nâng cấp quốc lộ 37; Dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông nông thôn 3 (vốn WB3)... Nhưng theo đánh giá của các bộ, ngành liên quan, tiến độ thực hiện các dự án trên còn rất chậm. Bên cạnh những lý do khó khăn về vốn, thủ tục hành chính, điều chỉnh dự án... đáng quan tâm nhất là việc chỉ đạo thực hiện của ngành Giao thông và địa phương chưa thật quyết liệt. Ðồng chí Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng đã đánh giá: Thực trạng trên chính là "nút thắt cổ chai" hạn chế Thái Nguyên phát triển đúng với tiềm năng, thế mạnh của một tỉnh trung tâm vùng.

Giải pháp mang tính đột phá

Vậy, giải pháp nào giúp Thái Nguyên tháo "nút thắt"? Ðồng chí Phạm Xuân Ðương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết:  Năm 2009, tỉnh Thái Nguyên đã lựa chọn chủ đề: Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó xây dựng hạ tầng giao thông là khâu đột phá. Và  mấu chốt nằm ở Dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên...

Như vậy có thể nói cái "nút" quan trọng nhất cần tập trung tháo gỡ là xây dựng càng nhanh càng tốt đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (quốc lộ 3 mới) và nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông hiện có. Về khía cạnh này, Bộ GTVT cũng đánh giá: Ðường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên là dự án đặc biệt quan trọng trong việc kết nối mạng lưới giao thông khu vực phía bắc Hà Nội - trục hướng tâm thứ 3 vào Thủ đô. Ngoài việc giảm tải cho quốc lộ 3 cũ, tuyến đường còn có ý nghĩa rất lớn để phát triển kinh tế cho các tỉnh trung du miền núi phía bắc, đặc biệt là các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên. Do quốc lộ 3 cũ đang có mật độ giao thông rất lớn, là tuyến đường xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng nên việc sớm khởi công xây dựng và đưa tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào sử dụng có ý nghĩa  thiết thực.

 Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Tổng vốn được phê duyệt lúc đó là 3.522 tỷ đồng. Theo thiết kế, chiều dài toàn tuyến 62 km, sáu làn xe, vận tốc trung bình 100 km/giờ. Phần nền đường được thi công hoàn toàn bằng máy, đầm lèn đạt tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại. Toàn tuyến có ba cầu lớn, hai cầu trung và 14 cầu nhỏ. Các cầu lớn được thực hiện bằng công nghệ cao như đúc hẫng cân bằng, tăng bán kính cong.  Tuyến đường sẽ bắt đầu từ Ninh Hiệp - Gia Lâm, đi trùng đường vành đai 3 Hà Nội đến Km7 rồi rẽ phải theo hướng bắc, qua Thụy Lôi - Ðông Anh, ra đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tiếp đó con đường rẽ trái đến Việt Long - Sóc Sơn đi về phía đông ga Trung Giã. Vượt sông Công tại khu vực Phù Lôi - Phổ Yên, đi song song về phía đông đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên đến bắc ga Lương Sơn, rẽ trái, vượt đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên và quốc lộ 3 (cũ) rồi nối vào điểm đầu của tuyến tránh TP Thái Nguyên đang hoàn thành. Tổng mức đầu tư tại thời điểm hiện nay đã lên tới khoảng 8.000 tỷ đồng bằng vốn vay JBIC của Nhật Bản. Quốc lộ 3  (mới) Hà Nội - Thái Nguyên được xây dựng hoàn toàn độc lập với quốc lộ 3 (cũ) và trở thành trục hướng tâm thứ ba vào Thủ đô Hà Nội. Theo lãnh đạo Sở GTVT Thái Nguyên, con đường hiện đại này chỉ dành cho xe cơ giới, các phương tiện giao thông khác đi theo tuyến quốc lộ 3 (cũ) sẽ được nâng cấp thành đường tiêu chuẩn cấp 3.

Do gặp khó khăn trong công tác tổ chức đấu thầu, có gói thầu giá đội lên đến khoảng 180% so với giá quy định khiến cho dự án chưa thể khởi động và để chậm mất năm năm. Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án 2 - đơn vị được giao làm đại diện chủ đầu tư, do đấu thầu lần trước không thành nên chủ đầu tư phải tổ chức lại. Hiện nay các hồ sơ mời thầu đã được phát hành và được phê duyệt các nhà thầu qua vòng sơ tuyển. Dự kiến đến khoảng đầu tháng 6-2009 có thể hoàn tất khâu đấu thầu để chuẩn bị khởi công.

Về công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đồng chí Trương Văn Phụng, Phó Trưởng ban chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng tỉnh Thái Nguyên cho biết:  Tỉnh đã có quyết định thu hồi đất ở 13/13 phường, xã trong toàn tuyến. Công tác bồi thường cũng đã cơ bản hoàn tất với tổng kinh phí hơn 369 tỷ đồng, dự kiến đến tháng 6-2009 sẽ bàn giao 100% mặt bằng sạch. Chủ đầu tư dự án cũng cho hay: Mặt bằng thuộc tỉnh Thái Nguyên về cơ bản đã xong. Còn lại mặt bằng phần đi qua Hà Nội thuộc các huyện Gia Lâm, Ðông Anh, Sóc Sơn và một phần thuộc tỉnh Bắc Ninh là khó khăn nhất, mới hoàn thành được khoảng 40%. Tuy vậy lãnh đạo chủ đầu tư vẫn khẳng định sẽ cố gắng cao nhất để đến đầu quý III/2009, dự án sẽ chính thức khởi công xây dựng, sớm đưa công trình đường cao tốc về "Thủ đô chiến khu Việt Bắc" vào sử dụng.

Cùng với giải pháp có tính chất đột phá nêu trên, tỉnh Thái Nguyên cũng đang thực hiện chủ trương xã hội hóa xây dựng hạ tầng giao thông theo cơ chế đầu tư BT, BOT. Cụ thể, đến nay, dự án đường hầm từ hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) xuyên Tam Ðảo (Vĩnh Phúc) gắn kết, tăng sức hấp dẫn của hai khu du lịch đã được Bộ Xây dựng, tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Vĩnh Phúc thống nhất cao. Tổng công ty Sông Ðà và Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ đang tiến hành nghiên cứu, lập báo cáo đầu tư xây dựng dự án với quy mô 30 km đường và 1,5 km hầm. Dự án cải tạo đường ÐT 261 vào các KCN phía tây huyện Phổ Yên và khu du lịch hồ Núi Cốc, khu nghỉ mát Tam Ðảo có chiều dài hơn 50 km theo tiêu chuẩn bốn làn xe cũng đã có nhà đầu tư đăng ký thực hiện. Dự án nâng cấp, cải tạo đường sắt Kép - Lưu Xá hiện đã có nhà đầu tư trong tỉnh (HTX công nghiệp - vận tải Chiến Công hợp tác với Tập đoàn kinh tế BOEKi- Tokyo Nhật Bản) đăng ký thực hiện theo hình thức BOT, tổng vốn đầu tư khoảng 2.700 tỷ đồng. Tuyến đường sắt này được xây dựng, sẽ tạo ra rất nhiều lợi thế trong lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế các tỉnh thuộc khu vực Việt Bắc.
nguồn nhandan

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)