Phú Thọ: An toàn đò ngang- Vấn đề cấp thiết trong mùa mưa bão

Thứ hai, 08/06/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Kể từ sau vụ đắm đò thảm khốc tại sông Đà, thuộc địa bàn xã Tu Vũ, huyện Thanh Thuỷ năm 2006, vấn đề đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nói chung, đò ngang nói riêng luôn được các cấp ngành trong tỉnh quan tâm và coi đây là một việc làm cấp thiết. Với đặc thù,  có nhiều tuyến sông lớn, rất thuận lợi cho hoạt động của các phương tiện vận tải thuỷ. Sự phát triển này đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, tuy nhiên, song hành với đó là nguy cơ tiềm ẩn mất ATGT luôn ở mức cao.
Kể từ sau vụ đắm đò thảm khốc tại sông Đà, thuộc địa bàn xã Tu Vũ, huyện Thanh Thuỷ năm 2006, vấn đề đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nói chung, đò ngang nói riêng luôn được các cấp ngành trong tỉnh quan tâm và coi đây là một việc làm cấp thiết. Với đặc thù,  có nhiều tuyến sông lớn, rất thuận lợi cho hoạt động của các phương tiện vận tải thuỷ. Sự phát triển này đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, tuy nhiên, song hành với đó là nguy cơ tiềm ẩn mất ATGT luôn ở mức cao.
Phà từ thị trấn Đoan Hùng sang xã Đại Nghĩa không đủ các thiết bị cứu hộ đảm bảo an toàn.
 
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, đến tháng 10 năm 2008, toàn tỉnh hiện có 93 bến đò ngang qua sông, trong đó có 39 bến có giấy phép hoạt động, 54 bến chưa có giấy phép hoạt động; tổng số phương tiện chở khách là 108, trong đó có có 67 phương tiện đã đăng ký đăng kiểm, 41 phương tiện chưa đăng ký đăng kiểm, đặc biệt có khá nhiều phương tiện chưa có phao cứu sinh và thiếu thiết bị an toàn. Qua kiểm tra của các lực lượng chức năng cho thấy, đối với các bến phà, do được đầu tư trang thiết bị và con người khá chu đáo, nên hầu như chưa xảy ra TNGT nghiêm trọng. Ngược lại, bến đò ngang chiếm số lượng lớn, song đa phần đầu tư còn sơ sài, nhiều phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm, thiếu trang thiết bị an toàn, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn… Đặc biệt trên một số tuyến sông do địa phương quản lý như sông Bứa, sông Chảy, tình trạng phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn vẫn còn phổ biến. Để giải quyết tình trạng này, thời gian qua các cơ quan chức năng của tỉnh, trong đó nòng cốt là lực lượng cảnh sát giao thông đường thuỷ và thanh tra giao thông đường thuỷ đã tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, do đó hoạt động tại các bến đò ngang sông trên địa bàn đã có những chuyển biến khá tích cực. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm các vi phạm không thể một sớm một chiều và phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền sở tại, cũng như các ngành chức năng.
Mặc dù, công tác quản lý phương tiện thuỷ nội địa đã được  chính quyền địa phương trong tỉnh quan tâm chỉ đạo. Gần đây UBND tỉnh cũng đã có Quyết định phân cấp cho UBND cấp huyện đăng ký phương tiện nhỏ và cấp phép mở bến đò, nên hiệu quả trong quản lý nhà nước dần được nâng cao. Tuy nhiên tình trạng vi phạm Luật giao thông đường thuỷ nội địa vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, đặc biệt trên các sông do địa phương quản lý. Điển hình tại một số bến đò ngang qua sông như:  Bến Minh Côi,  Mai Tùng (qua sông Hồng thuộc Hạ Hoà); bến Tinh Nhuệ (sông Đà thuộc huyện Thanh Sơn), Bến Quang Húc, Tề Lễ (sông Bứa huyện Tam Nông), mỗi ngày có tới hàng trăm lượt người qua lại, song hầu như công tác bảo đảm ATGT chưa được các chủ đò quan tâm đúng mức. Tình trạng chở người vượt quá số lượng quy định, phương tiện còn thiếu thiết bị phao cứu sinh và các thiết bị an toàn khác. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông đường thuỷ  rất cần có biện pháp  ngăn chặn. Cùng với đó nguy cơ mất ATGT ngày càng cao bởi tình trạng khai thác cát, sỏi không theo quy hoạch; kè bị sạt lở, làm thay đổi dòng chảy gây khó khăn cho hoạt động của các phương tiện vận tải thuỷ. Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác quản lý nhà nước về TTAT giao thông đường thuỷ chưa được cấp chính quyền cơ sở quan tâm đúng mức, thậm chí còn thờ ơ đứng ngoài cuộc, do vậy đã dẫn tới tình trạng ở một số nơi bến, bãi hoạt động lộn xộn, gây mất TTATGT, phổ biến là tình trạng: Bến mở trái phép, phương tiện thiếu thiết bị an toàn; người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, chở quá hàng quá khổ, quá tải, quá số người quy định. Giữa cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ; công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp phương tiện thuỷ vi phạm TTATGT chưa thường xuyên, liên tục, hiệu quả chưa cao.
Nếu căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao, lực lượng cảnh sát giao thông đường thuỷ hoàn toàn có thể đình chỉ hoạt động của các bến đò và thu giữ phương tiện vi phạm. Song hiện nay, biện pháp chính để đảm bảo an toàn cho các bến đò ngang đơn vị đang áp dụng chủ yếu là tuyên truyền, nhắc nhở. Lý do là bởi, trên địa bàn hiện nay nhiều đò ngang đang là phương tiện đi lại chính của cả một khu dân cư, ngoài ra còn là phương tiện chuyên chở các cháu học sinh đi lại, Nếu đình chỉ hoạt động sẽ gây rất nhiều bất tiện đối với người dân. Tuy nhiên, tại một số bến đò trọng điểm về trật tự ATGT đường thuỷ nội địa, các cơ quan chức năng bắt buộc phải xử lý triệt để nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại. Qua kiểm tra gần đây nhất, thanh tra giao thông đường thuỷ nội địa của Sở GTVT tiến hành tại các bến đò ngang, bến phà trọng điểm, các vi phạm về mất an toàn đều bị đoàn kiểm tra lập biên bản và xử nghiêm theo quy định của pháp luật.
An toàn cho những chuyến đò ngang đang hoạt động hiện nay trên địa bàn đang trở nên cấp bách, nhằm ngăn chặn và kiềm chế tai nạn giao thông đường thuỷ, nhất là tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra. Vì vậy, trong thời gian tới, rất cần tiếp tục đưa việc thực hiện Luật giao thông đường thuỷ đi vào nền nếp, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thuỷ và Nghị quyết số 32 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, các cấp ngành chức năng trong tỉnh cần làm tốt công tác điều tra cơ bản trên các tuyến sông; thực hiện phân luồng, phân tuyến điều tiết, khống chế giao thông tại những điểm trọng yếu; tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý kiên quyết đối với các vi phạm về Luật an toàn giao thông đường thuỷ nội địa. Đặc biệt chính quyền các địa phương cần nâng cao trách nhiệm, vào cuộc nhiệt tình hơn nữa trong việc quản lý, chấn chỉnh vi phạm tại các bến đò ngang trên do địa phương quản lý. Có làm được như vậy, mới hy vọng ATGT đường thuỷ nội địa trên địa bàn mới thực sự đi vào nền nếp và giảm thiểu nguy cơ mất an toàn.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)