Nhiều vụ TNGT nghiêm trọng đã xảy ra, điển hình là vụ ngày mùng 2 Tết 2009, ô-tô đã cán 7 học sinh của trường THPT Phan Bội Châu (Nam Sách) khi đang tham gia giao thông trên quốc lộ 37, làm chết 2 em và nhiều em khác bị thương. Vụ TNGT này đã khiến các nhà trường, học sinh và phụ huynh đặc biệt lo ngại...
Tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh Hải Dương tiếp tục diễn biến phức tạp. Qua phân tích, đối tượng gây TNGT và là nạn nhân của các vụ TNGT ở lứa tuổi thanh niên, thiếu niên chiếm bình quân 20-25%.
|
Vừa đi xe đạp, vừa cầm ô che đầu, dễ xảy ra tai nạn (Ảnh chụp tại thị trấn Sao Đỏ, Chí Linh)
|
Nhiều vụ TNGT nghiêm trọng đã xảy ra, điển hình là vụ ngày mùng 2 Tết 2009, ô-tô đã cán 7 học sinh của trường THPT Phan Bội Châu (Nam Sách) khi đang tham gia giao thông trên quốc lộ 37, làm chết 2 em và nhiều em khác bị thương. Vụ TNGT này đã khiến các nhà trường, học sinh và phụ huynh đặc biệt lo ngại, đồng thời gióng lên hồi chuông báo động về an toàn giao thông (ATGT) đối với học sinh.
Qua phân tích, TNGT đối với học sinh rất dễ xảy ra do hầu hết các trường học đều nằm gần đường, nơi thường xuyên có số người và phương tiện tham gia giao thông đông; các học sinh đều tự điều khiển phương tiện, có em phải đi hàng chục km để đến trường. Tình trạng học sinh vi phạm về ATGT diễn ra ở nhiều nơi: chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông; đi hàng hai, hàng ba trên quốc lộ; gây mất trật tự ATGT tại các cổng trường học...
Để giải quyết tình trạng này, ngoài việc quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông và cơ quan chức năng về xử lý TNGT thì các nhà trường trên địa bàn đã chú trọng hướng dẫn, tuyên truyền cho học sinh các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Đại diện các lớp học ký cam kết, bảo đảm việc quản lý thành viên trong lớp không vi phạm các quy định của pháp luật giao thông, như không điều khiển xe gắn máy khi chưa đến tuổi quy định, cấm đi hàng hai, hàng ba gây ùn tắc giao thông. Đối với các quy định này, đều được phân tích chi tiết để học sinh nhận thức rõ ràng. Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức trong tỉnh, trong nước và quốc tế đã quan tâm hơn về ATGT cho đối tượng học sinh. Nhiều cơ quan, tổ chức đã tiến hành tuyên truyền về ATGT, tác dụng của việc đội mũ bảo hiểm, tặng mũ cho học sinh tại các trường học.
Điển hình trong bảo đảm ATGT cho học sinh phải kể đến các trường THPT Cẩm Giàng và Tuệ Tĩnh (Cẩm Giàng). Để việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ của học sinh đi vào nền nếp, cuối năm 2008, trường THPT Cẩm Giàng đã phối hợp với dự án Jica (Nhật Bản) triển khai dự án về hoạt động thực tế phát triển văn hoá giao thông. Các tài liệu liên quan đến ATGT được phát cho học sinh. Xây dựng các biển báo treo ở những nơi thuận tiện cho học sinh quan sát. Nhờ đó, ý thức chấp hành các quy định về giao thông của học sinh nhà trường ngày một nâng cao. Mặc dù trường nằm sát quốc lộ 5 song nhiều năm liền không có học sinh bị TNGT.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Ngọc, hiệu trưởng trường THPT Tuệ Tĩnh cho biết, trường hiện có 21 lớp thuộc 3 khối với hơn 980 học sinh. Do trường nằm sát tỉnh lộ 194 B nên vấn đề ATGT đối với học sinh luôn được coi trọng. Hằng năm, vào đầu năm học, cũng là bắt đầu Tháng ATGT, nhà trường đều phân công nhiệm vụ cụ thể cho đoàn thanh niên của trường thực hiện đúng quy định khi tham gia giao thông. Từ ngày thành lập trường đến nay, không xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng nào đối với học sinh. Thầy giáo Cao Sỹ Doanh, bí thư đoàn trường cho biết thêm, vào đầu năm học, kế hoạch bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông cho học sinh đều được trường xây dựng chi tiết và báo cáo UBND huyện để phối hợp thực hiện. Đều đặn hằng năm, học sinh nhà trường được phân công hướng dẫn người tham gia giao thông. Các hành vi sử dụng xe gắn máy đi học, tụ tập gây ùn tắc giao thông đều bị xử lý nghiêm khắc. Một số trường hợp học sinh vi phạm các lỗi này đã bị nhà trường nhắc nhở. Để ý thức tham gia giao thông đi vào nền nếp, ngoài các hình thức xử lý, tuyên truyền, nhà trường đã lồng ghép bài học về giao thông làm tiết học đầu tiên của môn giáo dục công dân...
Theo trung tá Lê Thị Kim Khánh, trạm phó trạm cảnh sát giao thông Ba Hàng, ngoài việc chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của tham gia giao thông an toàn thì việc sau mỗi buổi học căng thẳng, ra ngoài đường các em học sinh thường trêu đùa, đi dàn hàng ngang nên không nhận thấy các nguy hiểm đang rình rập... Do đó, hằng năm, trạm cảnh sát giao thông Ba Hàng đều phối hợp với các trường học tuyên truyền Luật Giao thông tới đối tượng học sinh. Các chương trình tuyên truyền đều được lồng ghép với nội dung phong phú, phù hợp với lứa tuổi học trò. TNGT đối với học sinh thường gây hậu quả lớn, ngoài thiệt hại về người và tài sản thì tai nạn còn ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý và việc học hành của các em. Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng, các nhà trường đã tích cực tuyên truyền, giáo dục học sinh, song cần tiếp tục duy trì đều đặn, hiệu quả. Các cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi vi phạm của đối tượng là học sinh cần kiên quyết xử lý, thực hiện nghiêm việc thông tin để nhà trường xử lý nghiêm khắc. Các gia đình cũng tăng cường giáo dục con em nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về giao thông. Đồng thời, cần bố trí thời gian để đưa đón các em học sinh nhỏ tuổi khi phải băng qua đường để tránh TNGT.
nguồn baohaiduong