Công tác khắc phục, bảo đảm ATGT sau bão đang được ngành Giao thông cùng các cấp chính quyền địa phương thực hiện khẩn trương. Song thực tế cho thấy để hạ tầng giao thông được đảm bảo an toàn, bền vững đang đặt ra nhiều vấn đề không thể giải quyết một sớm, một chiều.
Khắc phục kịp thời
Theo thống kê của Sở GTVT tỉnh Yên Bái, trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 4 (từ ngày 8 - 14/8/2008) tỉnh có 14 tuyến đường bị sạt lở và hư hỏng nghiêm trọng. Cụ thể trong trận mưa lũ này các tuyến đường giao thông tại Yên Bái bị sạt lở ta luy dương 546.698m3 đất, đá; ta luy âm bị sụt trượt 32 vị trí với gần 600m3; 7 công trình thoát nước, 20 ngầm tràn, 273 cống thoát nước và 30 cây cầu các loại bị hư hỏng.
Cũng trong thời gian xảy ra mưa lũ, các tuyến QL32, 32C và 37 qua địa bàn ngoài bị sạt trượt nhiều vị trí, một số đoạn tuyến còn bị ngập sâu trong nước, gây ách tắc giao thông nhiều ngày. Theo ước tính, tổng giá trị thiệt hại đối với các công trình giao thông lên đến 107 tỷ đồng.
Tuy vậy, do làm tốt công tác phòng chống lũ bão nên chỉ trong ít ngày sau khi thiên tai, hầu hết các tuyến đường đều được thông xe. Điểm nổi bật trong công tác phòng chống khắc phục hậu quả lụt bão và bảo đảm ATGT là tỉnh đã vận dụng triệt để phương châm "4 tại chỗ", gồm: con người tại chỗ; vật tư tại chỗ; máy móc, thiết bị tại chỗ và chỉ huy tại chỗ.
Sở GTVT đã yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ rà soát, xác định các vị trí xung yếu để bố trí, tập kết máy móc, vật tư ứng trực 24/24h. Khi sự cố xảy ra, phương tiện, con người và vật tư ở đâu gần nhất thì ở đó lập tức đến khắc phục. Đồng thời, cơ quan chức năng tiếp tục huy động, điều tiết các lực lượng ở nơi khác đến tiếp ứng.
Ông Đỗ Hữu Chính - Trưởng phòng Quản lý giao thông (Sở GTVT Yên Bái) cho biết: "Nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn luôn được Sở quán triệt tới từng cán bộ, công nhân viên đơn vị quản lý đường. Bởi lẽ, đây không chỉ đơn thuần là công việc thường xuyên mà còn là nhiệm vụ chính trị - xã hội rất to lớn, nhất là đối với một tỉnh miền núi như Yên Bái".
Khó khăn còn nhiều
Tính đến thời điểm này, tất cả 14 tuyến tỉnh lộ và quốc lộ tại Yên Bái đều đã đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Trên thực tế, việc đảm bảo giao thông mới chỉ dừng lại ở chỗ gia cố nền đường bằng rọ thép và san gạt bùn đất trên mặt đường, rãnh thoát nước. Tổng kinh phí dự kiến hoàn thành giai đoạn này khoảng hơn 23 tỷ đồng.
Điển hình là tại Km 1+800 và Km 12+700, Tỉnh lộ 165 (Mậu A - Tân Nguyên), cơn bão số 4 đã làm sụt ta luy âm tổng số 18m, ăn sâu vào mặt đường nhựa, có vị trí chiếm tới gần 1m nhưng đến nay mới chỉ gia cố bằng rọ thép được trên 70% khối lượng sạt lở.
Hay như đoạn từ Km 28 - Km 72, Tỉnh lộ 170 (Yên Thế - Vĩnh Kiên) có tổng số 119 vị trí sạt lở ta luy dương với khối lượng lên đến gần 7.000m3 đất, đá. Hiện đã hơn 2 tháng trôi qua, kể từ ngày sạt lở nhưng ở một số vị trí vẫn chưa được dọn hết đất, đá. Khối lượng đất, đá bị sụt lở còn nằm lại trên tuyến đường này vẫn còn khoảng trên 45%.
Tại các tuyến quốc lộ qua địa bàn cho dù công tác khắc phục hậu quả mưa lũ được đẩy mạnh hơn do sử dụng nguồn ngân sách từ Trung ương nhưng ở nhiều vị trí như: Km 237+250, Km 302+220 (QL 32); Km 87 - Km 92 (QL 32C) và Km 241 - Km 247+600, Km 244+050 (QL 37)... vẫn còn ngổn ngang đất, đá cũng như chưa được gia cố nền đường đầy đủ. Đặc biệt, toàn bộ phần thảm át - phan nhựa trên hệ thống đường bị nước lũ cuốn trôi và xói lở đến nay vẫn chưa thể thảm lại được.
Theo ông Nguyễn Tiến Định - Phó giám đốc Sở GTVT Yên Bái, muốn giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại do mưa lũ gây ra, ngoài nguồn kinh phí được đáp ứng đủ thì còn cần phải giải ngân nhanh và có biện pháp thiết kế, thi công phù hợp với địa hình miền Núi. Tuy nhiên, cả 3 vấn đề này vẫn là những bài toán khó giải do Yên Bái là tỉnh miền núi, còn nghèo về nhân vật lực.
nguồn banduong.vn