Đoạn đường nối liền từ thôn Bình Phong, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đến Tỉnh lộ 5 chỉ dài khoảng 3km, nhưng đi xe gắn máy phải mất gần nửa tiếng.
Đoạn đường nối liền từ thôn Bình Phong, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đến Tỉnh lộ 5 chỉ dài khoảng 3km, nhưng đi xe gắn máy phải mất gần nửa tiếng.
|
ảnh: Lan Anh
|
Hai xã Đức Lĩnh, Đức Bồng nằm gần trung tâm huyện Vũ Quang, với dân số hơn chục ngàn người, đồi núi chiếm phần lớn diện tích. Vì thế khi có dự án mở rộng đoạn đường nối liền từ thôn Bình Phong của xã Đức Lĩnh với Tỉnh lộ 5, người dân rất vui mừng.
Khi dự án hoàn thành giai đoạn 1, một đoạn đường được lu phẳng lì đã hiện hữu trước mắt, người dân hy vọng về một sự đổi thay trên vùng đất sơn cước này. Trước đây, đoạn đường này chỉ là một lối nhỏ, xe tải, xe "công nông" không qua được để vào thôn giúp nhân dân vận chuyển hàng hoá nông thổ sản ra bán ngoài thị trấn. Chính vì lẽ đó, nên trong quá trình mở rộng tuyến đường, 100% các hộ dân đều tạo điều kiện cho dự án thi công được thuận lợi.
Nhưng niềm vui của người dân chưa đưa được bao lâu, tuyến đường đã bị ngừng thi công, ngay đoạn đường đã được lu phẳng cũng không được trải nhựa, đổ bê tông cho hoàn thiện. Vì thế, trên mặt đường đã nhanh chóng hình thành những hố sâu, mương rãnh, ao hồ... Tình trạng đó đã tồn tại gần 7 năm nay, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Huân, ở thôn Thanh Sơn cho biết: "Vì con đường này mà Tết vừa qua tôi bị thua lỗ khoảng chục triệu tiền cam. Đường lầy lội quá nên các thương lái không vào được, đành phải bán muộn nên bị rớt giá".
Theo giải thích của ông Nguyễn Quang Lý - Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh thì: "Tác nhân làm cho tuyến đường này hư hỏng nặng là vì chưa được đổ bê tông, rải nhựa. Trong khi đó, Công ty Phát triển doanh nghiệp Đại Long đưa xe tải trọng lớn vào khai thác đá, phục vụ một số công trình xây dựng trên địa bàn, làm cho đường vốn xuống cấp càng xuống cấp hơn".
Đã không ít lần, chính quyền huy động lực lượng san lấp ổ gà trên đường, nhưng chỉ cần vài lần xe chở đá đi qua thì mặt đường lại bị cày xới như cũ. Khổ nhất vẫn là các em học sinh hàng ngày đi về trên tuyến đường này.
Ông Nguyễn Quang Lý cho biết thêm: "Tôi đã hỏi huyện và được biết, đoạn đường khởi công từ năm 2001, nhưng khi hoàn thành giai đoạn 1 thì cạn vốn. Đến nay, công trình đang nằm chờ". Trong khi các ngành cũng chỉ biết trông chờ, thì người dân còn biết làm gì hơn ngoài việc chịu đựng đoạn đường khổ nạn và... chờ đợi.
theo banduong.vn