|
Thản nhiên dàn hàng ngang giữa phố.
|
Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ (CSGT), trong 9 tháng đầu năm 2008 trên địa bàn tỉnh xảy ra 71 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 75 người, bị thương 32 người chủ yếu là tai nạn đường bộ (69 vụ, 73 người chết). So với cùng kỳ năm 2007, số vụ tai nạn giảm 2 vụ, số người bị thương giảm 6 nhưng số người chết lại tăng lên 2 người. Trong đó, thành phố Việt Trì là địa phương xảy ra nhiều vụ nhất với 19 vụ, 21 người tử vong, 13 người bị thương. Đây là số liệu chưa đầy đủ bởi có nhiều trường hợp tai nạn do tự gây, hoặc người gây tai nạn và người bị nạn tự thỏa thuận không báo cơ quan công an. Cũng trong 9 tháng trên, lực lượng CSGT trong toàn tỉnh đã tiến hành xử phạt 59.903 trường hợp, phạt tiền 13.364.453.000 đồng, tăng 2.934 trường hợp, 4.752.450.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó điều tra, khởi tố, truy tố gần 100 vụ. Những con số trên cho thấy tình hình trật tư an toàn giao thông (ATGT) đã trở nên đáng báo động.
Nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông rất đa dạng, cả chủ quan và khách quan. Đó là trong thời gian qua số lượng xe mới đăng ký tham gia giao thông cũng tăng mạnh; cụ thể 9 tháng qua có: 1981 xe ô tô, 40.233 xe mô tô được đăng ký mới, tăng 975 xe ô tô, 8.123 xe mô tô so với cùng kỳ năm 2007 đưa tổng số xe trên địa bàn tỉnh lên hơn 14.400 xe ô tô, hơn 278.700 xe mô tô được đăng ký và lưu thông (Tăng gấp 10 lần so với năm 2000). Ngoài ra, hàng ngày còn có thêm một số lượng không nhỏ các xe thuộc các tỉnh khác cũng chạy qua. Trong khi đó, hê thống đường, hạ tầng phục vụ cho giao thông lại như chưa được nâng cấp hoặc đang xây dựng không kịp với mức độ phát triển của các phương tiện tham gia giao thông, việc cải tạo các tuyến quốc lộ số 2, số 70 kéo dài cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình trật tự ATGT; việc kiểm tra, sát hạch cấp giấy phép lái xe chất lượng chưa cao; sự phối kết hợp giữa các ban nghành trong việc kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm chưa có sự đồng bộ. Trong khi mật độ phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng cao thì biên chế lực lượng CSGT, trang, thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ cho việc kiểm tra còn thiếu dẫn đến việc xử ly các lỗi như cân tải trọng xe, đo tốc độ ở tuyến huyện còn gặp rất nhiều khó khăn. Chế tài xử phạt vi phạm hành chính tuy có tăng nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ khi tham gia giao thông của người dân còn chưa cao, đây là nguyên nhân chính, trực tiếp dẫn đến TNGT. Tình trạng không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, điều khiển xe sau khi uống bia, rượu, học sinh đi dàn hàng ba, hàng tư, chở quá số người quy định diễn ra phổ biến. Mặt khác, việc tuần tra kiểm soát của các lực lượng công an xã còn nhiều hạn chế dẫn đến những hậu quả đáng tiếc trong thời gian qua.
Trước những khó khăn như vậy, việc tìm ra các giải pháp để hạn chế TNGT đảm bảo an toàn là vấn đề không nhỏ đòi hỏi phải có sự chung sức của cả nhà nước và người dân. Điều quan trọng nhất trong việc làm giảm thiểu các vụ TNGT, đặc biệt là TNGT nghiêm trọng là việc nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ cho người dân khi tham gia giao thông, mở rộng việc tuyên truyền, giáo dục về Luật giao thông hơn nữa đến các vùng sâu, vùng xa và trong nhà trường. Việc cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” hiện nay thêm một tiêu chí là chấp hành nghiêm chỉnh Luật giao thông, hạn chế sử dụng rượu bia trong việc hiếu, hỉ cũng là một giải pháp hay, phù hợp với tình hình chung ở tỉnh ta. Ngoài ra các lực lượng chức năng, đặc biệt là CSGT cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm giao thông, các vụ có dấu hiệu phạm tội phải được đưa ra truy tố trước pháp luật, thậm chí cần thiết xét xử làm điểm một số vụ có hậu quả nghiêm trọng, phối hợp tốt với các cơ quan tuyên truyền để thông tin tới người dân. Bên cạnh đó, việc phối hợp tốt với Sở GTVT để khắc phục, giải quyết dứt điểm những vị trí bất hợp lý về giao thông, những điểm đen về ATGT cũng cần đẩy mạnh. Việc tăng tiến độ thi công, hoàn thành việc cải tạo các tuyến đường quốc lộ số 2, số 70 cũng sẽ góp phần làm giảm bớt tai nạn và ùn tắc giao thông. Vấn đề tăng cường, bổ xung thêm nhân lực, trang thiết bị hỗ trợ cho việc giải quyêt xử lý vi phạm giao thông cũng cần được chú ý để giải quyết kịp thời nhanh chóng khi có vụ việc xảy ra. Lực lượng công an xã cần thiết phải tập huấn để nâng cao nghiệp vụ góp phần vào việc xử lý, kiểm tra các phương tiện lưu thông tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra như trong thời gian vừa qua.
Để khắc phục, hạn chế làm giảm thiểu TNGT, bảo đảm ATGT cho nhân dân là một việc vô cùng khó khăn không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Đó là một quá trình lâu dài đòi hỏi sự thống nhất, tuân thủ pháp luật của tất cả mọi người. Có như thế thì các phương tiện khi tham gia giao thông mới có thể đảm bảo ATGT.
theo baophutho