Khi chính quyền kiên quyết
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND, Trưởng ban ATGT tỉnh, ngày 4/2/2009, Sở GTVT có Quyết định số 75/QĐ-SGTVT thành lập đoàn kiểm tra tình hình hoạt động và đảm bảo trật tự ATGT tại các bến đò ngang. Chỉ trong đợt I (từ ngày 5 – 11/2/2009), đoàn kiểm tra đã phối hợp với các huyện: Tân Yên, Hiệp Hoà, Việt Yên, Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn và Tp. Bắc Giang kiểm tra tất cả các bến đò ngang hoạt động trên các tuyến sông thuộc địa bàn.
Trong tổng số 33 bến đò ngang đã kiểm tra thì chỉ có 3 bến đủ điều kiện hoạt động, gồm: bến Liễu Đê (Yên Dũng), bến Phúc Mãn (Lạng Giang) và bến Phù Lãng (Yên Dũng). Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và quyết định đình chỉ hoạt động tất cả các bến đò vi phạm. Tuy nhiên, theo phân loại của đoàn kiểm tra, trong số 30 bến bị đình chỉ hoạt động thì có 15 bến bị đình chỉ vĩnh viễn, còn 15 bến bị đình chỉ tạm thời để bổ sung hoàn thành các điều kiện cần thiết...
Ông Đào Nguyên Quý - Chánh TTGT (Sở GTVT Bắc Giang) cho biết: Hiện có tới 70% bến đò ngang tại địa phương được chính quyền cấp xã giao thầu và chỉ có 30% được đấu thầu khi tổ chức khai thác, hoạt động. Không những thế, hầu hết chính quyền cấp xã đều chỉ biết giao thầu, đấu thầu thu tiền của các chủ đò mà không hề đầu tư xây dựng bến và hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định.
Theo kế hoạch của Sở GTVT Bắc Giang, từ nay đến hết quý I/2009, công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động tại các bến đò ngang sẽ tiếp tục được thực hiện tại các địa phương còn lại. Quan điểm đặt ra là kiên quyết xử lý và đình chỉ tất cả những bến đò ngang không đảm bảo điều kiện hoạt động, phòng ngừa hậu quả TNGT đáng tiếc có thể xảy ra.
Cấm hoạt động - cần nhưng chưa đủ!
Thống kê của Sở GTVT Bắc Giang, tính đến hết 2008, toàn tỉnh có 84 bến khách ngang sông; trong đó chỉ có 10 bến được cấp phép hoạt động; 64 bến thiếu hệ thống biển báo hiệu, nhà chờ, đường dẫn và các thiết bị bảo đảm an toàn khác. Toàn tỉnh có 104 đò ngang hoạt động, trong đó mới chỉ có 51 phương tiện đã đăng ký, đăng kiểm.
Theo ông Lại Thanh Sơn - Giám đốc Sở GTVT Bắc Giang, nguyên nhân là do phần lớn các bến đò đều ở những nơi đi lại khó khăn, kinh tế – xã hội kém phát triển và có lịch sử tồn tại từ rất lâu. Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT đường thuỷ nội địa chưa thường xuyên, liên tục và hiệu quả chưa cao. Công tác TTKS, xử lý vi phạm của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng chưa thường xuyên, kiên quyết, dứt điểm. Đặc biệt, UBND tỉnh đã có quy định phân cấp quản lý phương tiện thuỷ nội địa, nhưng chưa được chính quyền cấp dưới thực hiện nghiêm túc.
Thượng tá Lê Hồng Truyền - Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang cũng khẳng định: “Thực trạng đò ngang mất ATGT ở địa phương đã tồn tại từ lâu, song chưa thể giải quyết dứt điểm được. Trong công tác TTKS, xử lý vi phạm, phổ biến vẫn còn tình trạng đình chỉ nhưng vẫn hoạt động và xử phạt rồi nhưng vẫn tồn tại”. Lý giải về điều này, Thượng tá Truyền cho rằng, nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân là vô cùng bức thiết; trong khi đó ở những nơi đò ngang hoạt động người dân không có sự lựa chọn nào khác. Còn những chủ đò và người lái phần lớn có trình độ hiểu biết hạn chế nên rất khó khăn, lúng túng trong việc hoàn thành các thủ tục, điệu kiện để tổ chức hoạt động phương tiện thuỷ chở khách qua sông. Lực lượng chức năng thì không có bến bãi để tạm giữ phương tiện vi phạm.
Trước thực trạng trên, Sở GTVT Bắc Giang đã đề xuất UBND tỉnh một số biện pháp cấp bách. Cụ thể, từ nay đến hết 2009 sẽ hoàn tất việc cắm biển báo, cọc tiêu tại tất cả các bến còn thiếu; hỗ trợ sửa chữa và mở đường lên xuống tại các bền đò; hỗ trợ các chủ đò thay thế phương tiện cũ nát; hỗ trợ và tổ chức cho người lái đò học để được cấp chứng chỉ lái phương tiện; tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoàn tất việc đăng ký, đăng kiểm và hoàn thành quy định mở bến...
nguồn banduong.vn