Ban An toàn giao thông tỉnh Lạng Sơn vừa tổ chức triển khai công tác ATGT năm 2009 trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện công tác ATGT năm 2008 và trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009. Theo báo cáo, năm 2008, Lạng Sơn đã xảy ra 214 vụ TNGT, làm 129 người chết, 257 người bị thương, so với năm 2007 tuy đã giảm được 4 người chết, nhưng số vụ và số người bị thương vẫn có chiều hướng gia tăng.
Điều vui mừng nhất ở Lạng Sơn là tình hình trật tự ATGT trên địa bàn bước đầu đã được kiểm soát, nhất là trong các dịp Tết, lễ, hội gần đây không để xảy ra ùn tắc giao thông. Công tác tuyên truyền giáo dục đã được quan tâm đúng mức, ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng chức năng từ Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Thanh tra giao thông… đã có nhiều cố gắng.
Trong năm 2008 đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt gần 50 ngàn lượt phương tiện, tăng hơn 25 ngàn trường hợp và tăng 7 tỷ đồng tiền phạt. Đặc biệt công tác kiểm tra chất lượng MBH cũng như xử phạt người đi môtô, xe gắn máy không đội MBH được tiến hành chặt chẽ. Đồng thời với các giải pháp trên là việc tăng cường quản lý thực hiện tốt đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật giao thông đường bộ, quản lý vận tải…
Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tương đối ổn định, không xảy ra ùn tắc giao thông và đua xe trái phép, không có tình trạng bắn pháo nổ. Từ ngày 25/1 đến 31/1/2009, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ TNGT, giảm 3 vụ so với cùng kỳ năm 2008; công tác vận tải khách Tết được chuẩn bị chu đáo và bảo đảm đáp ứng được nhu cầu phục vụ hành khách…
Qua phân tích các vụ TNGT xảy ra ở Lạng Sơn cho thấy, tai nạn đường bộ chiếm 95,32%. Trong đó nguyên nhân do đi không đúng phần đường chiếm 35%, chạy quá tốc độ chiếm 17,75%, thiếu quan sát chiếm 12,6%. Địa bàn xảy ra TNGT nhiều nhất là trên các tuyến quốc lộ chiếm 66,8%, tỉnh lộ chiếm 13,55%, đường nội thị 12,1%. Đối tượng gây TNGT là lái xe ô tô chiếm 34,1%, mô tô chiếm 60,74%.
Thành phần gây ra TNGT ở nông thôn chiếm 63,55%, thành thị chiếm 32,71%. Độ tuổi gây TNGT dưới 18 tuổi chiếm 2,8%, từ 18-25 tuổi chiếm 30,37%, từ 26-35 chiếm 39,25%. Trong năm 2008 các huyện Cao Lộc, Bắc Sơn đã cố gắng giảm được cả 3 tiêu chí, nhưng các huyện Văn Quang, Văn Lãng, Bình Gia, Lộc Bình, Chi Lăng, Hữu Lũng lại gia tăng về số vụ và số người chết.
Hội nghị đã phân tích những tồn tại của năm 2008, việc kiềm chế, giảm TNGT trên địa bàn chưa đạt được kết quả như kế hoạch đề ra, ngoài việc tăng về số vụ và số người bị thương vẫn còn tình trạng lấn chiếm và tái lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt. Đặc biệt, hiệu quả công tác tuần tra phát hiện vi phạm trật tự ATGT chưa cao, một số dự án giao thông trọng điểm thực hiện chậm, hệ thống đèn tín hiệu giao thông thành phố hoạt động kém hiệu quả, khai thác vận tải khách bằng ô tô có nhiều diễn biến phức tạp… Trên cơ sở đó Ban ATGT tỉnh đã đề ra 4 nhiệm vụ và 8 giải pháp trọng tâm trong công tác bảo đảm ATGT năm 2009. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục và thực hiện tốt công tác lập lại trật tự hành lang ATGT theo QĐ 1856/QĐ-TTg, tăng cường công tác tuần tra xử phạt.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Vi Văn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác ATGT năm 2008, đồng thời nêu lên một số hạn chế, tồn tại trong năm qua và chỉ đạo Ban ATGT cần tiếp tục coi công tác ATGT thông là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành và của nhân dân; tổ chức triển khai công tác ATGT quyết liệt, đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã, thôn trên cơ sở tham mưu của Ban ATGT; tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về ATGT và tiến hành xử lý nghiêm túc các vi phạm đó; đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, giáo dục ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông; tăng cường sử dụng lực lượng công an xã tham gia công tác bảo đảm ATGT trên địa bàn. Nhân dịp này, Chủ tịch UBND thành phố đã trao Bằng khen cho 7 tập thể và 7 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc bảo đảm trật tự ATGT năm 2008.
nguồn giaothongvantai.com.vn