Cơ sở hạ tầng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các đường liên huyện, liên xã được đầu tư nâng cấp, mở rộng, các phương tiện ôtô, môtô tham gia giao thông gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, trình độ nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của nhân dân còn chưa tương xứng, hạn chế về nhiều mặt. Tình trạng người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia, lai đèo nhiều người, không có giấy phép lái xe và xe chưa đăng ký còn diễn ra thường xuyên. Bên cạnh đó là tình trạng xe ôtô chở hàng hóa cồng kềnh, chở hành khách lẫn hàng hóa... đã làm gia tăng các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng trên địa bàn các huyện miền núi.
Trước tình hình đó, Giám đốc Công an tỉnh đã và đang chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt phối hợp với công an các huyện miền núi triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT). Trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành luật giao thông cho mọi người dân, đặc biệt là bà con ở vùng sâu, vùng xa và các địa bàn trọng điểm như: các xã, thị trấn dọc đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 217, khu vực vành đai các công trường, nhà máy lớn. Huy động tổng lực cả lực lượng chính quy và công an xã, thị trấn tham gia bảo đảm TTATGT.
Để giải quyết tình trạng xe ôtô chở quá khổ, quá tải; xe chở nguyên vật liệu vào các nhà máy, công trường bảo đảm an toàn, trật tự, bảo vệ tốt môi trường, chống ách tắc, một mặt lực lượng CSGT tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, mặt khác chủ động phối hợp với các nhà máy, xí nghiệp, công trường tổ chức ký cam kết chấp hành tốt Luật ATGT, tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho lái xe, chủ phương tiện. Do đó, đã giảm thiểu vi phạm, chống được ùn tắc giao thông và phức tạp về ATGT trong các mùa cao điểm thi công, sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp, công trường trên địa bàn.
Do triển khai đồng bộ các giải pháp với nhiều lực lượng tham gia, trong đợt cao điểm thực hiện kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh về bảo đảm TTATGT, các đơn vị công an trên địa bàn miền núi của tỉnh đã phát hiện, xử lý gần 2.000 trường hợp vi phạm TTATGT, tạm giữ gần 500 phương tiện, phạt tiền gần 500 triệu đồng. Tình hình TTATGT trên địa bàn các huyện miền núi đã có chuyển biến tích cực, trên tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 217 không xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt để bảo đảm TTATGT trên địa bàn miền núi là trình độ nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người dân phải được nâng lên. Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo công an các huyện miền núi trong thời gian tới cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và ban ATGT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến mọi người dân. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp đào tạo cấp bằng lái xe ôtô, môtô cho các huyện miền núi.
Để phục vụ có hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tốt TTATGT, hạn chế TNGT trên địa bàn các huyện miền núi, ngoài sự cố gắng của lực lượng công an, đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền, ban ATGT, các ngành, các đoàn thể xã hội và đặc biệt là ý thức tự giác chấp hành Luật ATGT của mọi người dân khi tham gia giao thông.
nguồn baothanhhoa.com.vn