Yên Bái: ATGT 2 tháng đầu năm 2009: Báo động đỏ

Thứ ba, 31/03/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Yên Bái, chỉ trong vòng gần 60 ngày đầu năm, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ TNGT (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2008) làm 18 người chết (tăng 38%), 10 người bị thương, hư hỏng 5 ôtô, 15 mô tô, 2 xe đạp. Trên địa bàn tỉnh còn xảy ra 53 vụ va chạm giao thông, làm bị thương 83 người, hư hỏng 4 ô tô, 69 mô tô và 4 xe đạp.

Dù đã được dự báo và chủ động chuẩn bị các phương án đối phó ngay từ đầu năm, nhưng tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trong 2 tháng đầu năm 2009 vẫn không ngừng gia tăng theo chiều hướng rất xấu.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Yên Bái, chỉ trong vòng gần 60 ngày đầu năm, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ TNGT (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2008) làm 18 người chết (tăng 38%), 10 người bị thương, hư hỏng 5 ôtô, 15 mô tô, 2 xe đạp. Trên địa bàn tỉnh còn xảy ra 53 vụ va chạm giao thông, làm bị thương 83 người, hư hỏng 4 ô tô, 69 mô tô và 4 xe đạp.

Tình hình TNGT gia tăng chóng mặt đã gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn cho toàn xã hội. Để khẩn trương kiềm chế những thiệt hại do TNGT gây ra, chính quyền các địa phương cần nhanh chóng kiên toàn ban ATGT các cấp, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền hướng về cơ sở và đối tượng thanh thiếu niên. Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra kiểm soát, không phân biệt đối tượng, tuyến đường..., tất cả các trường hợp vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Vào ngày 27/2/2009, người dân Yên Bái bàng hoàng khi biết tin về vụ tai nạn thảm khốc trên đường Điện Biên (đoạn thuộc tổ 32C, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái) giữa xe môtô mang BKS 21V3 2793, do Dương Văn Tuấn, sinh năm 1987, trú tại thôn Bảo Thịnh, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái điều khiển và ngồi sau là Hồ Văn Điệp, sinh năm 1988, ở tổ 5, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình với xe môtô mang BKS 21V6 1549 do Khổng Minh Cường là cán bộ Phòng PC22, Công an tỉnh điều khiển.

Theo điều tra bước đầu của các lực lượng chức năng thì nguyên nhân xảy ra tai nạn là do Dương Văn Tuấn phóng nhanh, không làm chủ tốc độ, điều khiển xe lấn chiếm phần đường va chạm mạnh vào xe của Khổng Minh Cường. Hậu quả vụ tai nạn đã khiến cả 3 người tử vong, 2 xe máy hư hỏng nặng. Trước đó, vào ngày 17/ 2/ 2009, tại Km 312 + 600 quốc lộ 37 (thuộc thôn 8 xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên) cũng đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe môtô mang BKS 21T3 9528 do Lương Ngọc Trai, sinh năm 1958, trú tại thôn 9, xã Hưng Khánh điều khiển với xe môtô BKS 21V5 1742 do Vũ Văn Ngà, sinh năm 1990, trú tại thôn 10 cùng xã. Hậu quả vụ tai nạn đã làm cả Trai và Ngà tử vong, 2 xe máy hư hỏng nghiêm trọng.

Được biết, để chủ động kiềm chế TNGT, ngay từ đầu năm các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Mặc dù, toàn tỉnh đã xử phạt trên 4600 trường hợp vi phạm (trong đó xử lý 1600 trường hợp không đội mũ bảo hiểm hoặc đội không đúng quy cách, 1054 trường hợp điều khiển xe vượt quá tốc độ quy định, 143 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng CSGT, 27 trường hợp ô tô khách vi phạm, 3 trường hợp lạng lách, đánh võng…), tạm giữ 18 ô tô, 1083 mô tô, tước giấy phép lái xe có thời hạn 77 trường hợp, phạt tiền nộp ngân sách trên 882,5 triệu đồng và gửi thông báo về đơn vị công tác, địa phương nơi cư trú 997 trường hợp nhưng hình như vẫn chưa tạo ra tính răn đe mạnh đối với những đối tượng coi thường pháp luật về TT ATGT.

Điều đáng buồn là phần nhiều đối tượng vi phạm ATGT khi được hỏi, ai cũng biết điều khiển phương tiện cơ giới vượt quá tốc độ cho phép, không đội mũ bảo hiểm hoặc đội không đúng quy cách, vượt đèn đỏ, thiếu chú ý quan sát hay chuyển hướng không có tín hiệu... đều có thể gây nguy hiểm cho bản thân mình và những người cùng tham gia giao thông, nhưng, tất cả chỉ vì một chữ “tiện thể” nên dù biết nhưng vẫn cố tình vi phạm. Nhanh một phút chậm cả đời, khi tai nạn xảy ra lúc đó mọi ân hận đều đã là quá muộn!

TNGT gia tăng, bất chấp mọi cố gắng tuyên truyền cũng như tuần tra kiểm soát của các lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương đã khiến cho rất nhiều người dân tham gia giao thông dù đã nghiêm túc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT nhưng vẫn phải nơm nớp lo sợ.

Để  kiềm chế TNGT, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, đã đến lúc chúng ta cần phải kiểm tra lại hiệu quả của công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT tại cơ sở. Đồng thời, cũng cần phải có những hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những địa phương, tổ chức không làm tốt công tác tuyên truyền, đảm bảo trật tự ATGT. Đặc biệt, đối với những cá nhân cố tình vi phạm, tái phạm nhiều lần hoặc có hành vi chống đối lực lượng chức năng, ngoài việc xử phạt hành chính theo quy định thì cần xem xét các tình tiết vi phạm để áp dụng xử lý hình sự.

baoyenbai

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)