An Bình là một xã nông nghiệp (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) với diện tích tự nhiên 820 ha, có quốc lộ 30 cắt ngang qua từ đầu đến cuối xã, hàng ngày lưu lượng các phương tiện xe lưu thông rất đông. Hơn nữa đây là địa bàn rộng, đa phần người dân chuyên nghề thuần nông, việc am hiểu về pháp luật Giao thông đường bộ còn hạn chế nên tình trạng đi lại, sinh hoạt tùy tiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT.
An Bình là một xã nông nghiệp (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) với diện tích tự nhiên 820 ha, có quốc lộ 30 cắt ngang qua từ đầu đến cuối xã, hàng ngày lưu lượng các phương tiện xe lưu thông rất đông. Hơn nữa đây là địa bàn rộng, đa phần người dân chuyên nghề thuần nông, việc am hiểu về pháp luật Giao thông đường bộ còn hạn chế nên tình trạng đi lại, sinh hoạt tùy tiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nên hầu hết các tuyến đường trong xã đều nâng cấp vượt lũ, thuận lợi cho xe 2 bánh đi lại trong mùa nắng cả mùa mưa. Những năm gần đây xuất phát từ nhu cầu đời sống xã hội, số lượng xe người dân mua sắm phục vụ sinh hoạt, làm ăn ngày càng tăng; tuy nhiên số đông người dân chưa am hiểu pháp luật; số người chưa có giấy phép lái xe còn nhiều và một số thanh thiếu niên chưa đủ tuổi vẫn tham gia giao thông là những nguy cơ tiềm ẩn TNGT.
Trước tình hình đó, các ngành chức năng chọn xã An Bình làm điểm ATGT. Mục đích giúp địa phương tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ và những chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh có liên quan đến lĩnh vực trật tự ATGT, kiềm chế có hiệu quả tai nạn giao thông. Đồng thời, tạo bước chuyển biến rõ nét về ý thức bảo đảm trật tự ATGT kể cả đường bộ và đường thủy, giữ gìn đường thông, hè thoáng, tạo khí thế trong toàn xã trong việc lập lại trật tự ATGT, đưa Nghị quyết của Chính phủ đi vào sinh hoạt và đời sống của từng ấp, từng cơ quan, đơn vị, trường học, hộ gia đình và nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên tất cả các tuyến đường.
Xã đã thành lập Ban ATGT và chia thành nhiều đoàn, mỗi đoàn có từ 7 thành viên trở lên, phân công nhiệm vụ cụ thể, tiến hành khảo sát trong địa phương cơ sở, tiến hành lập danh sách về số hộ, nhân khẩu, độ tuổi và tiến hành củng cố, xây dựng 66 tổ dân phòng. Qua số liệu thống kê, hiện toàn xã có 1.849 hộ có phương tiện xe môtô, chiếm 90,3%, trong đó có 16 phương tiện xe chưa cấp giấy đăng ký, 32 người điều khiển phương tiện xe môtô chưa có giấy phép lái xe. Để giải quyết vấn đề đó xã đã tổ chức việc động viên, hướng dẫn các cá nhân đến Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh để đăng ký phương tiện và đăng ký học Luật Giao thông đường bộ và thi sát hạch lấy GPLX. Đối với những thanh niên chạy xe phóng nhanh vượt ẩu, chạy xe rú ga gây tiếng ồn, xã cho mời các em và đại diện gia đình đến giáo dục, ký cam kết không tái phạm. Ngoài ra, để đảm bảo ATGT, xã đã tổ chức phát quang các đoạn đường có cây xanh che chắn tầm nhìn; lực lượng Công an xã cùng tổ dân phòng tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý, giáo dục 23 trường hợp (trong xã 18, ngoài xã 5) vi phạm không đội mũ bảo hiểm, chở quá người quy định, chạy xe rú ga liên tục, điều khiển xe không đủ tuổi, không giấy phép lái xe.
Đồng thời Ban An toàn giao thông xã đã thực hiện việc tuyên truyền, vận động thông qua nhiều kênh như tuyên truyền trực tiếp với dân, các đoàn thể, Trạm truyền thanh xã... Nội dung tuyên truyền được truyền tải đến 100% hộ gia đình. Từ đó giúp cho người dân ý thức cao hơn, tích cực tham gia giáo dục con em trong gia đình chấp hành luật lệ giao thông. Từ đó, từng ấp, tổ dân phòng và 1987 hộ gia đình trong địa phương tự nguyện đăng ký, cam kết với chính quyền địa phương không vi phạm trật tự ATGT làm cơ sở cuối năm xét gia đình văn hóa, ấp văn hóa.
Kể từ khi triển khai vận động đến nay, tình hình tai nạn giao thông đường bộ giảm rõ rệt, trong địa phương chỉ xảy ra 24 vụ va quệt thương tích nhẹ. Qua đó cho thấy, hiệu quả từ mô hình xây dựng xã điểm ATGT đã tác động nhận thức của các tầng lớp nhân dân chấp hành Luật Giao thông đường bộ ngày càng tốt hơn.
Trần Thắng